1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Hành khách vật vờ ở sân bay vì mua phải vé... giả

(Dân trí) - Mua vé máy bay của đại lý đeo “mác” Vietnam Airlines trên mạng và nhận được ngay 1 vé gửi qua e-mail, tuy nhiên khi in và cầm ra sân bay thì nhân viên hàng không từ chối check in vì đó là vé giả.

Chị Bùi Hoàng Anh - ở Khâm Thiên, quận Đống Đa, Hà Nội (làm việc tại Công ty FPT, số 101 Láng Hạ) phản ánh tới Dân trí: “Ngày 5/11/2010, tôi đặt mua 1 vé máy bay Vietnam Airlines qua trang web của Công ty CP thương mại và dịch vụ hàng không Việt Nam (địa chỉ ở quận Thanh Xuân, Hà Nội).
 
Với hình thức thanh toán chuyển khoản 1.564.000 đồng, tôi đã nhận được 1 vé máy bay của Vietnam Airlines qua e-mail, chặng đi Sài Gòn - Hà Nội, thời gian khởi hành: 15h00 ngày 18/12/2010, kèm theo thông báo chỉ cần in vé này ra sân bay là có thể dùng được (có file đính kèm)”.
 
Hành khách vật vờ ở sân bay vì mua phải vé... giả - 1
Đã có nhiều trường hợp hành khách mua vé ở các đại lý mạo danh nên không được check in ở sân bay
 
“Tuy nhiên, khi ra sân bay Tân Sơn Nhất làm thủ tục thì nhân viên hàng không tại đây cho biết vé của tôi không có thông tin trên hệ thống nên không thể bay được. Tôi gọi điện cho nhân viên của phòng vé đã mua suốt hơn 1h đồng hồ nhưng không được giải quyết.
 
Nhân viên của phòng vé này đã nhận lỗi và yêu cầu tôi mua 1 vé mới tại sân bay rồi khi về họ sẽ thanh toán lại tiền. Tôi đã phải đợi 5 tiếng vật vờ ở sân bay mới mua được 1 vé có giá hơn 2 triệu đồng, đến 11h đêm tôi mới bay về tới Hà Nội” - chị Hoàng Anh cho biết.
 
Cũng theo chị Hoàng Anh: “Sau khi về tới Hà Nội, phòng vé không hề có văn bản hay email xin lỗi tôi về những thiệt hại đã gây ra. Tôi đã chủ động liên lạc nhiều lần để yêu cầu bồi thường, nhưng bên công ty gây khó dễ và yêu cầu tôi phải đợi “1 tuần để xem xét rồi mới trả lời”.
 
Sau khi nhận được phản ánh, PV Dân trí đã truy cập địa chỉ web nêu trên và nhiều lần liên hệ với phòng vé này để tìm hiểu sự việc nhưng đều không có kết quả.
 
Theo thông tin từ phía Vietnam Airlines cung cấp, danh sách đại lý và phòng vé chính thức tại miền Bắc, các đại lý web của Vietnam Airlines đều không có tên Công ty CP thương mại và dịch vụ hàng không Việt Nam.
 
Liên quan đến sự việc này, chiều 23/12, PV Dân trí đã có cuộc trao đổi lãnh đạo Vietnam Airlines. Ông Phạm Ngọc Minh - Tổng Giám đốc Vietnam Airlines, cho biết: “Chúng tôi xin nhận trách nhiệm khi để cho hành khách phải chờ đợi nhiều giờ tại sân bay. Đây có thể là phòng vé mạo danh Vietnam Airlines, chúng tôi sẽ phồi hợp với cơ quan an ninh điều tra làm rõ sự việc này”.
 
“Không riêng thị trường Việt Nam mà một số đại lý vé của Vietnam Airlines ở nước ngoài đã, đang và sẽ xảy ra trường hợp tương tự, vì vậy chúng tôi rất mong hành khách tham khảo thông tin về hệ thống đại lý bán vé trên trang web của Vietnam Airlines để mua phải vé máy bay giả” - ông Minh khẳng định.
 
Về vấn đề quản lý đại lý và phòng vé, ông Trinh Hồng Quang - Phó Tổng Giám đốc Vietnam Airlines cho hay: “Chúng tôi chỉ quản lý các đại lý và phòng vé có đăng ký và hợp đồng chính thức; còn các đại lý phụ, đại lý trung gian là do các đại lý chính thức lập ra nên không nằm trong sự quản lý của chúng tôi, khi đó vấn đề xử lý lại thuộc trách nhiệm của các cơ quan pháp luật”.
 
“Đã có nhiều khách hàng phản ánh là đại lý bán vé giá cao, bán vé giả nhưng khi chúng tôi truy ra thì đó là đại lý trung gian, đại môi giới chứ không phải đại lý đăng ký chính thức với hãng. Do không có thẩm quyền xử phạt về mặt pháp luật nên nhiều trường hợp chúng tôi đã phải cắt hợp đồng với đại lý “mẹ” để dăn đe” - ông Quang cho biết thêm.
 
Trên thực tế, tình trạng các đại lý bán vé giả mạo mọc lên nhan nhản trên thị trường là có thật, nhưng khi gây ra tội vạ thì lại không bị xử lý nghiêm theo pháp luật, còn chịu thiệt thòi vẫn là là người tiêu dùng!?
 
Quỳnh Anh