Sống ở Hà Nội, lương 10 triệu đồng nhưng vợ tôi luôn đòi đi ăn nhà hàng

Hồng Anh

(Dân trí) - Khi tôi không giữ được bình tĩnh, to tiếng, vợ lại nói tôi là kẻ bủn xỉn, "đong lọ nước mắm, đếm củ dưa hành".

Hai vợ chồng tôi thuộc thế hệ 9X và đều là người tỉnh lẻ. Chúng tôi cưới nhau được 5 năm, đã có một con gái. Hiện chúng tôi chưa có nhà mà vẫn đi thuê phòng trọ ở Hà Nội với giá gần 3 triệu đồng/tháng, bao gồm cả điện nước.

Lương của vợ chồng tôi đều ở mức 8-10 triệu đồng/người/tháng. Trước kia, lương của tôi có khá hơn nhưng vài năm gần đây kinh tế khó khăn, công ty ít việc, cắt giảm nhân sự nên thu nhập của tôi giảm hẳn đi.

Mấy năm trước, tôi gần như không bao giờ hỏi chuyện vợ chi tiêu, tiết kiệm thế nào. Tôi làm được bao nhiêu đều đưa cho vợ khoảng 70-80% thu nhập. Số còn lại tôi lo xăng xe, thi thoảng đi đám cưới hoặc mời bạn bè uống nước.

Tôi đưa tiền cho vợ nhưng không hỏi cô ấy tiêu thế nào vì không muốn mang tiếng chặt chẽ, đưa vợ được đồng tiền thì suốt ngày hỏi này, hỏi nọ. Vợ tôi vốn sinh ra trong gia đình khá giả nên giữ thói quen chi tiêu rất thoải mái. Cô ấy mua đồ ở siêu thị, quần áo cũng sắm của các thương hiệu lớn.

Sống ở Hà Nội, lương 10 triệu đồng nhưng vợ tôi luôn đòi đi ăn nhà hàng - 1

Vợ tôi giữ thói quen chi tiêu thoải mái trong nhiều năm (Ảnh minh họa: TD).

Tôi thấy nếu tiêu như thế thì chẳng để được đồng nào, nhưng nghĩ vài năm đầu mới cưới nhau, tôi để cô ấy sống thoải mái chút, không phải áp lực quá mức. Tiền bạc, nhà cửa là câu chuyện về lâu, về dài.

Vợ tôi bảo nhà cửa sẽ có bố mẹ hỗ trợ, bởi cô ấy trông vào mảnh đất mặt tiền đường tỉnh của bố mẹ đẻ ở quê. Nhà vợ có 3 anh em, dẫu cô ấy có được bố mẹ chia cho một phần tài sản, tôi nghĩ cũng chưa thể đủ mua nhà Hà Nội.

Hai năm trở lại, khi thu nhập bị cắt giảm, nhìn cách cô ấy tiêu tiền, tôi vô cùng sốt ruột. Mỗi tháng, chi phí thuê nhà và điện nước tốn 3 triệu đồng, đóng học cho con 3,5 triệu đồng, cộng với sinh hoạt, thỉnh thoảng về quê, đi chơi, chúng tôi hầu như không còn lại bao nhiêu.

Vợ tôi vẫn giữ thói quen đi chơi, ăn nhà hàng mỗi dịp cuối tuần. Cô ấy nói rằng, đó là cách "yêu bản thân", "tái tạo năng lượng" cho cả nhà sau một tuần học tập, làm việc mệt mỏi.

Cô ấy thường cho con đi các siêu thị lớn, vào khu vui chơi mức vé vào cửa từ 120.000 đến 150.000 đồng. Sau khi cho con chơi xong, cô ấy lại đề xuất cả nhà đi ăn pizza, gà rán, lẩu hay buffet… Ăn xong, vợ tôi dạo vào các cửa hàng quần áo hay mua đồ ăn trong siêu thị. Mỗi dịp cuối tuần như thế, cả nhà lại tiêu tốn không dưới 1-2 triệu đồng.

Thú thực trước đây, tôi cũng là người sống không quan tâm đến ngày mai. Cứ làm có tiền là tiêu xài xả láng, ăn nhậu, mua sắm điện thoại, xe máy. Lúc gần cưới, tôi giật mình "hóa ra mình chẳng có gì trong tay cả", đám cưới cũng do bố mẹ lo cho.

Cưới xong, hai vợ chồng thuê nhà trọ ra ở riêng. Khi vợ mang bầu, sinh con, tôi mới ý thức được khái niệm tiết kiệm và nhận ra mình đã sống lãng phí quá nhiều.

Tôi đem câu chuyện của mình chia sẻ với vợ và mong vợ điều chỉnh lại cách chi tiêu. Tuy nhiên, cô ấy nói rằng, tất cả là vì con. Hai vợ chồng có thể sống khổ nhưng con không thể khổ được.

Tôi đề xuất đưa con đến các địa điểm vui chơi công cộng cuối tuần, sau đó mua đồ ăn về nhà nấu nhưng vợ luôn tìm cách từ chối. Khi thì vì nắng nóng, lúc lại nói đi chơi ở ngoài bụi bặm, buồn tẻ, vào siêu thị mát mẻ mà muốn gì cũng có.

Khi tôi không giữ được bình tĩnh, to tiếng, vợ lại nói tôi là kẻ bủn xỉn, "đong lọ nước mắm, đếm củ dưa hành".

Vợ tôi vẫn không thể nghĩ sống ở Hà Nội đắt đỏ, lương chỉ 10 triệu đồng mỗi người mà tiêu không biết kiểm soát như vậy thì chắc chắn cả đời chúng tôi không dành dụm được gì, mãi ở nhà thuê, cuộc sống không ổn định.

Vì thói tiêu hoang của cô ấy, gần đây, vợ chồng tôi thường xảy ra mâu thuẫn. Tôi phải làm thế nào để vợ thay đổi?

Góc "Chuyện của tôi" ghi lại những câu chuyện trong đời sống hôn nhân, tình yêu. Bạn đọc có câu chuyện của mình muốn chia sẻ vui lòng gửi về chương trình qua hòm thư: dantri@dantri.com.vn. Câu chuyện của bạn có thể được biên tập nếu cần. Trân trọng.