DNews

Thuận lợi, khó khăn của Vinhomes, Vinamilk và các ông lớn khi thực thi ESG

Khổng Chiêm Nhật Quang

(Dân trí) - Nhiều doanh nghiệp nhận định đầu tư cho ESG giúp giảm thiểu chi phí vận hành, mở rộng cơ hội thu hút vốn đầu tư, duy trì hoạt động kinh doanh bền vững.

Thuận lợi, khó khăn của Vinhomes, Vinamilk và các ông lớn khi thực thi ESG

Đầu tư sớm cho ESG đem lại giá trị lâu dài

 ESG được Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) thực hành từ năm 1990 trong cuộc "cách mạng trắng" (tiên phong chăn nuôi bò sữa tại Việt Nam, chủ động nguồn nguyên liệu) và được đẩy mạnh từ năm 2010.

Trả lời phóng viên báo Dân trí, đại diện Vinamilk cho rằng đầu tư sớm cho phát triển bền vững sẽ tác động tích cực và lâu dài hơn. Công ty này ước tính khoản tiền từ tiết kiệm tài nguyên ở hiện tại và tương lai sẽ mang đến lợi ích cao hơn chi phí đầu tư ban đầu, đặc biệt khi giá của nguyên, nhiên liệu ngày càng đắt đỏ.

Hệ thống thu hồi nhiệt giúp thu hồi tới 92% lượng nhiệt dư thừa và tái sử dụng giúp tiết kiệm điện. Kho thông minh vận hành tự động, tiết kiệm năng lượng, ít phát thải, giảm thiểu nhân công giúp thu hẹp diện tích chỉ bằng 1/6 kho thông thường, tiết kiệm 70% năng lượng.

Năng lượng xanh như năng lượng mặt trời, CNG, biomass, Biogas… giúp tiết kiệm điện, năng lượng hóa thạch. Dẫn chứng tại trang trại Green Farm Tây Ninh, hệ thống xử lý với công nghệ biogas đã cung cấp 100% phân bón hữu cơ cho 500ha đồng cỏ, xử lý được các vấn đề về môi trường. Công ty cũng tiết kiệm được hơn 100 triệu đồng tiền điện mỗi tháng khi dùng năng lượng khí đốt từ biogas thay thế.

ESG cũng mang lại các lợi ích khác về kinh tế như giảm thiểu chi phí vận hành, mở rộng cơ hội thu hút vốn đầu tư từ các nhà đầu tư nước ngoài, duy trì hoạt động kinh doanh bền vững, đảm bảo uy tín và nâng cao thương hiệu doanh nghiệp…

Lễ ra mắt Diễn đàn ESG Việt Nam sẽ diễn ra vào 14h ngày 22/5 tại Trung tâm Hội nghị quốc tế (35 Hùng Vương, Hà Nội).

Lễ ra mắt có sự tham gia của lãnh đạo các bộ, ban, ngành, đại diện tổ chức quốc tế, lãnh đạo hội, hiệp hội, chuyên gia, cùng nhiều đại diện doanh nghiệp, đơn vị quan tâm đến ESG, phát triển bền vững. 

Trong khuôn khổ Lễ ra mắt Diễn đàn ESG Việt Nam, Báo Dân trí ra mắt Chuyên trang ESG - Phát triển bền vững , phát động cuộc thi viết "Sáng kiến ESG vì một Việt Nam phát triển bền vững", tổ chức tọa đàm Đối thoại và Giải pháp chủ đề "Net Zero - Cam kết và hành động vì tương lai bền vững". 

Độc giả quan tâm có thể đăng ký tham dự Lễ ra mắt Diễn đàn ESG tại đây

Trân trọng cảm ơn nhà tài trợ vàng HDBank, nhà tài trợ bạc OCB đồng hành với Báo Dân trí trong Lễ ra mắt Diễn đàn ESG Việt Nam. 

Một doanh nghiệp phát triển bất động sản như Công ty cổ phần Vinhomes cũng cho rằng phát triển bền vững là xu hướng tất yếu của các doanh nghiệp trên hành trình vươn tới sự thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội.

Đối mặt với các thách thức do biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường, công ty này đầu tư phát triển các đại đô thị và tương lai là siêu đô thị theo định hướng phát thải ròng bằng 0 và đáp ứng các tiêu chuẩn công trình xanh quốc tế.

Công ty nhận thấy hoạt động tăng trưởng bền vững đã đóng góp nhiều hiệu quả kinh tế lớn. Năm 2023, doanh nghiệp ghi nhận lợi nhuận sau thuế 33.500 tỷ đồng, nộp 17.400 tỷ đồng tiền thuế và các khoản đóng góp vào ngân sách nhà nước khác.

Các đại đô thị Vinhomes ở các quận vệ tinh của Hà Nội được thiết kế với mật độ xây dựng thấp, chỉ khoảng 15-19% và dành phần lớn quỹ đất cho hệ thống "máy lọc không khí tự nhiên" bao gồm quần thể cây xanh, công viên, mặt nước và tiện ích công cộng.

Công ty cổ phần Đầu tư Nam Long cũng đề cao việc thực hành ESG và phát triển bền vững. Công ty ý thức được việc phát triển bền vững cần được thực hiện xuyên suốt trong các giai đoạn phát triển của dự án như phát triển quỹ đất, thiết kế - quy hoạch, xây dựng sản phẩm và bàn giao, vận hành, chứ không chỉ tập trung vào giai đoạn xây dựng hoặc vận hành.

Thuận lợi, khó khăn của Vinhomes, Vinamilk và các ông lớn khi thực thi ESG - 1

Thực hành ESG trong ngành bất động sản là cần thiết (Ảnh minh họa: NLG).

Điều này càng quan trọng hơn trong bối cảnh ngành phát triển bất động sản toàn cầu và Việt Nam chịu nhiều thách thức, đặc biệt liên quan đến biến đổi khí hậu. Nhiều bài toán cần giải quyết vấn đề này, từ khâu chọn địa điểm, thiết kế đến chọn vật liệu, tiến hành xây dựng. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội để các sản phẩm thân thiện với môi trường, tạo ra các giá trị cho xã hội và phát huy vai trò của mình.

Trả lời phóng viên báo Dân trí, ông Lucas Ignatius Loh Jen Yuh - Tổng giám đốc Nam Long - nói theo đuổi phát triển bền vững là một thách thức lớn trong nhiều năm đối với ngành bất động sản dù điều này rất cần thiết. Đối với ngành này, tuân thủ phát triển bền vững có nghĩa là chi phí sẽ cao hơn thông thường nhưng đó là sự cân bằng giữa tăng trưởng và lợi nhuận.

Với kinh nghiệm nhiều năm theo đuổi mục tiêu này tại các thị trường quốc tế trước đây, ông Lucas Ignatius Loh Jen Yuh cho rằng với sự thay đổi của nhu cầu thị trường, công ty có thể tuân thủ các tiêu chuẩn cao hơn về yêu cầu bất động sản bền vững. Chi phí có thể cao hơn 10-15% nhưng đó là đầu tư dài hạn, cho tương lai và hiệu quả sẽ đến sau vài năm.

Ông nhận định, phát triển bền vững là một nỗ lực tổng thể của nhiều thành phần thị trường, từ các nhà đầu tư, nhà phát triển hay người tiêu dùng cuối cùng. Nếu tuân thủ chiến lược bền vững thì hiệu quả tài chính, giá trị cốt lõi của doanh nghiệp sẽ được khẳng định về sau.

Thực hành ESG gặp không ít khó khăn nhưng cao hơn cả là trách nhiệm với xã hội

Đại diện Vinamilk cho biết đã gặp những thách thức nhất định khi triển khai ESG. Các thực hành phát triển bền vững thường cần sự đầu tư rất lớn và nhiều kinh nghiệm. Để thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, công ty này đặt ra các mục tiêu giảm thải cho từng giai đoạn, đòi hỏi sự đoàn kết, quyết tâm, chung tay của toàn bộ doanh nghiệp, từ cấp lãnh đạo đến nhân viên.

Một số ý kiến từng cho rằng  "giàu thì mới làm được ESG". Vinamilk không phủ nhận chi phí sẽ phát sinh trong quá trình doanh nghiệp đầu tư cho phát triển bền vững. Tuy nhiên, chi phí hiện tại sẽ là khoản đầu tư cho tương lai và sẽ chuyển hóa thành doanh thu, lợi nhuận sau 5-10 năm nữa. Các thực hành phát triển bền vững cũng sẽ giúp doanh nghiệp tiết kiệm nhiều chi phí vận hành và tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi.

Thuận lợi, khó khăn của Vinhomes, Vinamilk và các ông lớn khi thực thi ESG - 2

Một góc dự án của Vinhomes (Ảnh: VHM).

Chi phí phát sinh cũng là vấn đề mà các doanh nghiệp bất động sản phải đối mặt khi thực thi ESG. Chuyên gia của Savills nhận định thực thi ESG giúp doanh nghiệp bất động sản đảm bảo tính cạnh tranh và theo kịp xu hướng thị trường. Tuy nhiên, chi phí đầu tư phát triển bền vững cũng được thêm vào chi phí vốn của các tòa nhà. Vì vậy, các doanh nghiệp cần đánh giá kĩ lưỡng để xác định các phương án tối ưu chi phí nhằm đáp ứng tiêu chuẩn xanh.

Mặc dù vậy, công ty sữa đi đầu trong thực hành ESG nhận định, theo đuổi các giá trị bền vững, dài hạn không còn là lựa chọn mà là yếu tố bắt buộc quyết định khả năng và thời gian tồn tại của doanh nghiệp. Phát triển bền vững và doanh thu là 2 yếu tố song hành, hỗ trợ lẫn nhau; không có lợi nhuận sẽ không có doanh nghiệp bền vững.

Để có lợi nhuận bền vững, Vinamilk cho rằng cần có sự chuyển đổi bền vững, sáng suốt, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế càng tăng trưởng thì tình trạng khan hiếm các loại nguyên nhiên liệu, năng lượng ngày càng tăng thêm, môi trường thiên nhiên bị hủy hoại, cân bằng sinh thái bị phá vỡ. Doanh nghiệp cũng có thể thay đổi từng bước, không nhất thiết phải tham dự vào các cuộc đua đầu tư tốn kém, vượt quá năng lực tài chính.

Do đó, đầu tư cho ESG là đầu tư cho tương lai, giúp duy trì sự phát triển dài hạn, bền vững của doanh nghiệp và là niềm tự hào vì được chung tay tạo nên một xã hội bền vững, một nền kinh tế bền vững và một môi trường bền vững.

Bà Trịnh Thị Hương, Phó cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, chia sẻ tại một sự kiện, rằng việc sớm áp dụng ESG cũng giúp các đơn vị thu hút được nguồn vốn đầu tư xanh. Cùng với đó, ESG còn giúp doanh nghiệp nâng cao vị thế, thương hiệu trên thị trường.

Theo bà Hương, Việt Nam là một trong những quốc gia chịu nhiều tác động nhất từ biến đổi khí hậu. Các tác động từ biến đổi khí hậu ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như đời sống của người dân. Điều này có thể dẫn đến làm suy yếu tăng trưởng kinh tế, gây ra thiệt hại lớn cho quốc gia.

Thời gian qua, Chính phủ đã tích cực có nhiều hành động nhằm hướng tới mục tiêu xanh hóa nền kinh tế. Theo đó, Chính phủ đã ban hành nhiều chiến lược, chương trình, chính sách để hiện thực hóa mục tiêu này. Việc kiến tạo môi trường pháp lý thuận lợi, khuyến khích sự tham gia của khu vực tư nhân, doanh nghiệp, khơi thông nguồn đầu tư tác động thực hiện các mục tiêu bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu là vô cùng quan trọng.

Lãnh đạo Cục Phát triển doanh nghiệp cho rằng khu vực tư nhân, lực lượng doanh nghiệp Việt Nam đã có những bước phát triển mạnh mẽ và đóng góp tích cực cho kinh tế xã hội quốc gia. Tuy nhiên, các doanh nghiệp còn nhiều khó khăn hạn chế, với gần 98% có quy mô siêu nhỏ, nhỏ và vừa.

Trong bối cảnh tác động của biến đổi khí hậu, cũng như yêu cầu ngày càng gia tăng từ đối tác, nhà đầu tư, nhà mua ở những thị trường lớn như EU, Mỹ… về các tiêu chuẩn sản xuất, chuỗi cung ứng bền vững, thuế carbon... đã tạo sức ép và thách thức rất lớn cho doanh nghiệp Việt Nam.

"Yêu cầu bền vững không chỉ là sự tự nguyện mà còn là trách nhiệm tuân thủ nếu không sẽ bị tụt hậu, bị loại khỏi cuộc chơi", đại diện Cục Phát triển doanh nghiệp đánh giá.