Nhà nước thất thu từ du lịch, “tour 0 đồng” có cần loại bỏ?

(Dân trí) - Ông Ngô Hoài Chung (Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, Bộ Văn hóa - Thể thao&Du lịch) cho rằng sự tồn tại của những loại “tour 0 đồng” đã làm méo mó, ảnh hưởng đến hình ảnh du lịch quốc gia, song vào mùa thấp điểm loại tour này vẫn có sự cần thiết nhất định nếu chúng ta quản lý tốt.

Gần đây, Thái Lan công bố mất 9 tỷ đô la Mỹ mỗi năm vì “tour 0 đồng” của Trung Quốc. Hình thức kinh doanh này cũng là nguyên nhân khiến chính phủ Thái Lan thất thu tiền thuế, mất uy tín của nghành du lịch. Liên quan đến vấn đề này, văn phòng Chính phủ Việt Nam cũng đã có công văn gửi Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch chỉ đạo chấn chỉnh kinh doanh “tour 0 đồng”. Quan điểm của Tổng cục Du lịch về vấn đề này thế nào?

Thực tế, về mặt trái, hình thức kinh doanh này rõ ràng làm méo mó hình ảnh du lịch Việt, gây thất thoát thuế, làm biến tướng hoạt động của lữ hành. Từ đó, dẫn đến đến việc quản lý hoạt động của du khách cũng như đảm bảo chất lượng dịch vụ không được như cam kết ban đầu. Du khách có thể phải chịu sự chi trả cao hơn và phát sinh những dịch vụ không mong muốn. Thứ 2, việc đưa du khách vào các điểm mua sắm để từ đó hướng dẫn viên hưởng hoa hồng từ các cơ sở kinh doanh là hoàn toàn bất lợi cho du khách. Ngoài ra, việc tổ chức “tour 0 đồng” có thể gây tổn hại cho ngân sách nhà nước khi nhiều cửa hàng có dấu hiệu trốn thuế.

Phía Tổng cục Du Lịch hoàn toàn phản bác hình thức kinh doanh này. Vừa qua, chúng tôi cũng tiến hành chỉ đạo hàng loạt các địa phương mà cụ thể là Quảng Ninh xử phạt các doanh nghiệp du lịch cũng như đóng cửa các cơ sở kinh doanh chỉ bán cho khách Trung Quốc.

Quảng Ninh hiện được cho là tâm điểm của du lịch “0 đồng” khi nở rộ hàng loạt các công ty kinh doanh tour theo hình thức này. Ông đánh giá thế nào về động thái cũng như cách xử lý “tour 0 đồng” của Quảng Ninh?

Sau khi Thủ tướng có văn bản chỉ cho Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch vào cuộc chấn chỉnh lại tình trạng “tour 0 đồng”, thì phía Tổng cục Du lịch đã ngay lập tức có văn bản gửi đến các tỉnh thành về vấn đề này và yêu cầu các tỉnh phải rà soát, kiểm tra lại. Tổng cục cũng phối hợp với thanh tra của Bộ văn hóa Thể thao và Du lịch trực tiếp đi đến các điểm du lịch của Quảng Ninh, đặc biệt là cửa khẩu Móng Cái để kịp thời thanh tra, chỉ đạo, có những biện pháp xử phạt với những trường hợp vi phạm.

Chúng tôi cũng đã trao đổi với Quảng Ninh và đánh giá cao sự nhạy bén của Quảng Ninh khi tiến hành xử phạt, đóng cửa hàng loạt cửa hàng chỉ bán cho người Trung Quốc. Cũng như tiến hành thu hồi giấy phép của các công ty lữ hành khi không có trưởng đoàn, hướng dẫn viên đưa khách qua cửa khẩu, tổ chức “tour 0 đồng” làm ảnh hưởng đến du khách, méo mó hình ảnh du lịch Việt Nam.

Ông Ngô Hoài Chung cho rằng, sự xuất hiện của các loại tour 0 đồng làm méo mó, ảnh hưởng đến hình ảnh du lịch.
Ông Ngô Hoài Chung cho rằng, sự xuất hiện của các loại "tour 0 đồng" làm méo mó, ảnh hưởng đến hình ảnh du lịch.

Thực tế, “tour 0 đồng” không phải là hiện tượng mới mà đã có từ lâu thế nhưng theo ông vì sao mô hình kinh doanh chộp giật, kéo theo nhiều hệ lụy này lại vẫn tồn tại và hoạt động đến giờ? Phải chăng chúng ta còn thiếu sự quyết tâm cũng như chế tài đủ mạnh để xử lý?

Tình trạng “tour 0 đồng” không chỉ xảy ra ở Việt Nam mà nó cũng khá phổ biến ở nhiều quốc gia trên thế giới. Về vấn đề này chúng ta cũng phải có cái nhìn khách quan, toàn diện.

Nhiều nơi để quảng bá điểm đến, thu hút khách du lịch người ta vẫn chấp nhận sự tồn tại của những loại tour này, miễn là đảm bảo được quyền lợi của du khách, chứ không phải triệt hạ nó một cách hoàn toàn. Chúng ta phải nhìn nhận mô hình này một cách khách quan và bình tĩnh vì vào mùa thấp điểm, với những địa phương có ít khách du lịch thì loại tour này vẫn có sự cần thiết nhất định. Nếu nói đây là “tour 0 đồng” thì không đúng mà nó là loại tour giá rẻ, tour giá thấp.

Khi đi du lịch như thế thì doanh nghiệp lữ hành phải yêu cầu khách du lịch bỏ tiền ra để mua vé máy bay, tiền ở cơ sở lưu trú còn lại toàn bộ chi phí dịch vụ ăn uống thì phải thỏa thuận với doanh nghiệp của bên đối tác. Để giảm chi phí và bù lỗ, phía đối tác thường đưa du khách vào các cơ sở mua sắm để lấy tiền hoa hồng. Nếu chúng ta quản lý không tốt thì quyền lợi của du khách sẽ không được đảm bảo và chắc chắn hình ảnh du lịch quốc gia cũng sẽ bị ảnh hưởng.

Đối với các doanh nghiệp tổ chức tour mang tính chất chộp giật, lừa đảo, bắt chẹt du khách như thế này thì phải kiên quyết xử lý. Tuy nhiên, giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài có hợp đồng một cách chặt chẽ, có sự chia sẻ quyền lợi với nhau và đảm bảo chất lượng phục vụ du khách thì chúng ta cũng phải có nhìn nhận khách quan. Tùy từng giai đoạn để có những ứng xử, xử lý phù hợp.

Thực tế, một số quốc gia trên thế giới như Thái Lan đã xử lý và làm rất gay gắt về tình trạng “tour 0 đồng”. Điều này làm khách Trung Quốc đồng loạt bỏ tour, dẫn tới sự sụt giảm nghiêm trọng lượng khách Trung Quốc đến quốc gia này. Bộ Du lịch Thái Lan ngay sau đó đã phải có những giải pháp để chấn chỉnh, thu hút khách Trung Quốc bằng cách tổ chức hàng loạt hoạt động xúc tiến thương mại. Đây cũng là kinh nghiệm để Việt Nam chúng ta có những ứng xử, bước đi phù hợp.

Liên quan đến hình thức kinh doanh “tour 0 đồng” này, Tổng cục Du lịch có báo cáo gửi Thủ tướng hay không và dự kiến là bao giờ báo cáo, thưa ông?

Chắc chắn là sau khi có chỉ đạo của Thủ tướng chúng tôi sẽ rà soát, đánh giá lại toàn bộ hiện tượng này ở các địa phương nhất là những nơi đón khách Trung Quốc đông. Trên cơ sở đó, phía Tổng cục sẽ báo cáo tổng hợp tình hình chung để trình Bộ trưởng báo cáo với Chính phủ về vấn đề này.

Khách du lịch Trung Quốc xếp hàng dài làm thủ tục tại cửa khẩu Quốc tế Móng Cái (Quảng Ninh). (Ảnh: An Nhiên).
Khách du lịch Trung Quốc xếp hàng dài làm thủ tục tại cửa khẩu Quốc tế Móng Cái (Quảng Ninh). (Ảnh: An Nhiên).

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê trong hơn 2,2 triệu khách quốc tế đến Việt Nam 2 tháng đầu năm 2017, lượng khách Trung Quốc đứng đầu bảng với hơn 650.000 lượt, tương ứng 10 khách quốc tế, có 3 khách là người Trung Quốc. Thậm chí, tại cửa khẩu Móng Cái gần đây còn ghi nhận hàng đoàn khách Trung Quốc xếp hàng dài để chờ nhập cảnh, gây nên tình trạng quá tải. Theo ông đây có phải hiện tượng “bất thường” hay không? Ông nhìn nhận thế nào về vấn đề này?

Việc khách Trung Quốc đến cửa khẩu Việt Nam và qua đường bộ tăng nhanh trong thời gian qua có nhiều nguyên nhân. Điều này, chứng tỏ việc thực thi chính sách như: Visa điện tử tại cửa khẩu của chúng ta đã bắt đầu phát huy tác dụng, thể hiện cơ chế cởi mở, thông thoáng góp phần thu hút lượng khách du lịch rất lớn đến Việt Nam.

Thứ 2, trong những năm gần đây Trung Quốc luôn là thị trường khách trọng điểm số 1 của du lịch Việt Nam. Năm 2016 chúng ta đón tới 2,7 triệu du khách Trung Quốc, chiếm 2,7% tổng số khách quốc tế đến Việt Nam. Du lịch Việt Nam luôn xác định đây là thị trường trọng điểm, số 1 để chúng ta ưu tiên quảng bá, xúc tiến thương mại. Thứ 3, điều này cũng chứng tỏ công tác quảng bá, xúc tiến giới thiệu sản phẩm du lịch của Việt Nam đến với thị trường Trung Quốc đã bắt đầu phát huy tác dụng. Ngoài ra, thời gian gần đây xung đột chính trị giữa Trung Quốc và Hàn Quốc khiến lượng khách Trung Quốc dồn sang các nước khác du lịch trong đó có Việt Nam.

Theo đánh giá của chúng tôi lượng khách Trung Quốc đông là thời cơ, vận hội cho du lịch Việt Nam. Quan niệm khách Trung là dòng khách nghèo, bình dân đã không còn phù hợp, hiện nay người Trung Quốc đi du lịch có nhu cầu chi tiêu cao, mua sắm lớn. Tuy nhiên, nếu công tác quản lý của chúng ta không tốt thì cũng đặt ra áp lực rất lớn. Vì thế, phải làm sao đảm bảo được chất lượng, dịch vụ để đáp ứng được nhu cầu, đòi hỏi của du khách trong thời gian tới.

Xin cảm ơn những ý kiến của ông!

Hà Trang