1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Xử lý quyết liệt vi phạm giao thông thúc đẩy người dân thay đổi thói quen

Trường Thịnh

(Dân trí) - Thói quen, ý thức của nhiều người tham gia giao thông đã thay đổi khi cơ quan quản lý xử lý quyết liệt các vi phạm về nồng độ cồn, chạy quá tốc độ, chở quá khổ quá tải.

Theo thống kê của Cục cảnh sát giao thông trong nhiều năm qua, 80% đối tượng và nạn nhân của tai nạn giao thông ở Việt Nam là người 20-50 tuổi, còn học sinh sinh viên chiếm 6%. Rượu bia liên quan đến phần lớn các vấn đề an toàn giao thông. Văn hóa rượu bia và ý thức thượng tôn pháp luật còn thấp khiến phần lớn các tai nạn giao thông ở Việt Nam đều có liên quan đến đồ uống có cồn và không làm chủ tốc độ.

Theo Thiếu tướng Lê Xuân Đức, sử dụng rượu bia là vấn đề liên quan đến ý thức văn hóa, nên cách tốt nhất là tạo nên một văn hóa uống rượu bia. "Chúng ta vẫn nói với nhau 'đã uống rượu bia thì không lái xe', từ khẩu hiệu tạo nên ý thức tự giác, không chỉ với người tham gia giao thông mà còn với cả các doanh nghiệp, nhà hàng, quán ăn và xã hội".

Do đó, nhằm kiềm chế vi phạm và giảm thiểu tai nạn giao thông, các cơ quan chức năng đã thực hiện nhiều biện pháp tăng cường giám sát, xử lý quyết liệt các trường hợp người sử dụng phương tiện dùng đồ uống có cồn, chất kích thích, chạy quá tốc độ, chở quá khổ, quá tải…

Xử lý quyết liệt vi phạm giao thông thúc đẩy người dân thay đổi thói quen - 1
Việc xử lý nghiêm các trường hợp sử dụng đồ uống có cồn khi tham gia giao thông đã giúp ý thức người dân thay đổi tích cực (Ảnh: Tiến Dũng).

Từ việc nâng mức xử phạt các lỗi vi phạm lên rất cao (tới 40 triệu đồng, tương đương với một chiếc xe máy), tước bằng lái thời hạn dài (tới 24 tháng), sử dụng các phương tiện nghiệp vụ để xử lý người vi phạm tốc độ, kết hợp đơn vị chuyên môn phát hiện người sử dụng chất kích thích khi điều khiển phương tiện… đến việc thường xuyên tổ chức các chuyên đề kiểm tra, ra quân đồng loạt của đơn vị cảnh sát giao thông tại các địa phương, người tham gia giao thông thấy ngay việc uống rượu bia có tác hại ngay lập tức đến họ ra sao (tác động thẳng vào thiệt hại kinh tế), nhờ đó thay đổi thói quen và ý thức.

Thậm chí, một số địa phương như Vĩnh Phúc còn yêu cầu các vi phạm của cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan nhà nước được gửi về để cơ quan biết, có hình thức xử lý theo quy định.

Anh Đỗ Long, tại Lạc Long Quân, Tây Hồ, Hà Nội, cho biết vài năm nay đã bỏ thói quen lái xe sau khi uống rượu bia. Là nhân viên một công ty truyền thông khiến anh thường xuyên phải đi gặp gỡ khách hàng, uống bia rượu trên bàn tiệc. Trước đây, vì tự tin vào tửu lượng của mình, anh vẫn lái xe dù trước đó có sử dụng đồ uống có cồn. Tuy nhiên, gần đây, anh đã bỏ hẳn việc này, thay vào đó, nếu phải sử dụng bia rượu, anh sẽ gọi xe taxi hoặc gọi dịch vụ lái hộ.

"Tôi ngày càng ý thức được rằng sự thiếu hiểu biết và vô tâm của mình trước đây có thể gây ra hậu quả rất nghiêm trọng. Giờ đây, không chỉ tôi mà cả bạn bè đều có thói quen nói 'không' với đồ uống có cồn nếu muốn lái xe. Nhiều lần trong những bữa ăn vui vẻ lúc họp mặt gia đình, khi ăn cưới, dự tiệc, mọi người đều bảo nhau không dùng rượu bia, thay vào đó là uống các loại nước ngọt thay thế, vừa đảm bảo sức khỏe, vừa không gây hậu quả khi sử dụng phương tiện giao thông sau đó".

Trên thực tế, nhiều nhà hàng tại các thành phố lớn khi thấy khách uống đã sắp xếp dịch vụ đưa về tận nhà, hay chỉ bán đến khung giờ nhất định. Theo anh Long, đây là bằng chứng cho thấy ý thức thượng tôn pháp luật còn thấm được vào cả cộng đồng, "Tôi nghĩ với việc người trẻ ngày càng thượng tôn pháp luật, văn hóa giao thông ở Việt Nam sẽ thêm văn minh", anh Long cho hay.

Xử lý quyết liệt vi phạm giao thông thúc đẩy người dân thay đổi thói quen - 2
Cảnh sát giao thông nhiều địa phương liên tục có những đợt tổng ra quân xử lý vi phạm giao thông, đảm bảo trật tự (Ảnh: Hoàng Thuận).

Có cùng quan điểm với anh Long, anh Hoàng Văn Giá ở Hà Đông, giám đốc một công ty dịch vụ vận chuyển đường bộ, khẳng định ý thức của các lái xe đã có sự thay đổi rõ rệt trong khoảng 4 năm trở lại đây, kể từ khi Nghị định 100 được đưa vào thực hiện.

"Trước đây, các chủ doanh nghiệp rất khó để quản lý nhân viên là tài xế xe đường trường về việc sử dụng đồ uống có cồn và chất kích thích. Nhưng từ năm 2019, những thay đổi tích cực đã khiến chúng tôi rất vui mừng khi các tài xế đã giảm hẳn sử dụng đồ uống có cồn, chất kích thích, và từ giảm vi phạm sử dụng rượu bia, ma túy kéo theo việc giảm vi phạm tốc độ, làn đường…, giúp doanh nghiệp tiết kiệm hàng loạt chi phí, rủi ro trong quá trình hoạt động và vận hành trơn tru hơn".

Chương trình Sáng kiến An toàn giao thông Việt Nam năm 2023 do Cục Cảnh sát Giao thông, Báo Dân trí và Công ty Ô tô Toyota Việt Nam phối hợp thực hiện.

Chương trình được phát động với mục đích nâng cao ý thức của người dân khi tham gia giao thông, tìm kiếm những ý tưởng, sản phẩm sáng tạo để đưa tình trạng giao thông Việt Nam dần ổn định hơn và giúp người tham gia giao thông hiểu đúng luật, tham gia giao thông an toàn, văn minh hơn.

Để biết thêm thông tin chi tiết về chương trình, độc giả có thể truy cập website của chương trình tại https://sangkienatgt.dantri.com.vn.

Đồng hành cùng Chương trình Sáng kiến An toàn giao thông Việt Nam có đơn vị tài trợ chính Công ty Ô tô Toyota Việt Nam, đơn vị tài trợ Tổng công ty Bảo hiểm PVI.