1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Người dân tích hợp, số hóa dữ liệu, hỗ trợ đảm bảo an toàn giao thông

Toàn Thịnh

(Dân trí) - Việc người dân tích hợp giấy đăng ký, bằng lái xe vào hệ thống VNeID, hay sử dụng dịch vụ công trực tuyến trong đăng ký xe, nộp phạt vi phạm hành chính đã hỗ trợ lực lượng chức năng trong việc đảm bảo an toàn giao thông.

Chủ nhật cuối cùng của tháng 7, chị Hoàng Anh và anh Tiến Công (ở Nam Từ Liêm, Hà Nội) tranh thủ về quê để làm thủ tục đăng ký VNeID. Do tính chất công việc hay phải đi công tác xa nhà, anh Công đã nhiều lần được cán bộ công an tại Vĩnh Phúc gọi điện nhắc nhở về việc làm thủ tục đăng ký VNeID nhưng chưa thể sắp xếp được thời gian, do đó, nhân ngày rảnh rỗi, gia đình anh quyết định về quê thăm bố mẹ, và tranh thủ tới phòng công an để làm thủ tục.

"Ngày thường tôi không có thời gian rảnh, thường xuyên đi công tác xa nhà. Dù tại chung cư nơi tôi đang sinh sống, cán bộ công an huyện nhiều lần tới tận nơi để hỗ trợ thủ tục nhưng vẫn chưa thể thực hiện được VNeID. Sau nhiều tháng chần chừ, tôi được biết phòng công an sẵn sàng hỗ trợ người dân về thủ tục VNeID cả cuối tuần lẫn ngày lễ, nên tôi quyết định về để hoàn thành nghĩa vụ công dân", anh Tiến Công chia sẻ.

Người dân tích hợp, số hóa dữ liệu, hỗ trợ đảm bảo an toàn giao thông - 1

Người dân được hỗ trợ đăng ký VNeID trong cả ngày nghỉ, ngày lễ (Ảnh: Thế Hưng).

Giống như anh Công, chị Hoàng Anh chưa kịp làm giấy tờ tạm trú tại nơi ở mới, nên cũng tranh thủ về quê để đăng ký VNeID. Là tài xế xe công nghệ toàn thời gian, chị Hoàng Anh cho rằng việc số hóa các giấy tờ và thực hiện dịch vụ công trực tuyến trong hoạt động giao thông giúp công việc của chị dễ dàng hơn.

"Là tài xế taxi 6 năm rồi chuyển sang lái xe công nghệ 4 năm, không thể tránh khỏi những lần phải nộp phạt vi phạm hành chính, như đậu đỗ không đúng nơi quy định, quên dùng đèn xi nhan hay lỗi đè vạch, chuyển làn. Trước đây, vì công việc trải dài trên địa bàn rộng, hễ dính lỗi phạt ở ngoại thành là tôi rất ngại, vì phải đi nộp phạt rồi nhận giấy tờ, có khi mất cả ngày. Giờ đây mọi chuyện dễ dàng hơn với dịch vụ công trực tuyến, giúp tôi nộp phạt online, nhận giấy tờ qua bưu điện. Có thêm VNeID, tôi không còn lo về việc bảo quản giấy tờ mỗi khi ra đường nữa".

Chỉ cần mang theo căn cước công dân gắn chíp và các giấy tờ tùy thân quan trọng muốn tích hợp vào hệ thống, anh Tiến Công và chị Hoàng Anh đã có thể đăng ký được VNeID nhờ sự hỗ trợ của các cán bộ công an. Ngoài ra, tại các phòng công an, công dân cũng sẽ được hỗ trợ hướng dẫn sử dụng Cổng dịch vụ công Bộ Công An và Cổng dịch công quốc gia để thực hiện các thủ tục hành chính.

Theo cán bộ công an huyện Phúc Thọ, Hà Nội, hiện đã qua giai đoạn cao điểm hỗ trợ đăng ký VNeID cho người dân, do tỷ lệ đăng ký tại địa bàn đã ở mức rất cao. Tuy nhiên, với các trường hợp chưa kịp làm thủ tục này, đơn vị vẫn cắt cử các cán bộ trực tất cả các ngày trong tuần để hỗ trợ người dân khi có nhu cầu. Phòng công an của huyện cũng rà soát các trường hợp chưa thực hiện đăng ký VNeID để thông báo cho người dân sắp xếp thời gian đến đơn vị để hoàn thành thủ tục.

Người dân tích hợp, số hóa dữ liệu, hỗ trợ đảm bảo an toàn giao thông - 2
Các ứng dụng số hỗ trợ người dân và cơ quan quản lý tinh giản quá trình kiểm tra giấy tờ, thực hiện một số thủ tục hành chính (Ảnh: Tâm Linh).

Với anh Tiến Công, việc cài đặt VNeID dễ dàng hơn hẳn khi có sự hỗ trợ từ các cán bộ công an. Anh cũng bắt đầu quen với việc sử dụng VNeID để thay thế dần các giấy tờ giấy gốc khi cần.

"Những giải pháp công nghệ thật sự hỗ trợ rất tốt cho người dân, nhất là những người hay phải di chuyển như tôi. Thay vì cầm nhiều giấy tờ gốc như căn cước công dân, bằng lái xe, giấy đăng ký xe, bây giờ chỉ cần điện thoại hoặc bất cứ thiết bị kết nối mạng nào để đăng nhập vào tài khoản là tôi có thể trích xuất được các thông tin quan trọng này. Những công nghệ số hóa này không chỉ tiện lợi cho người dân, mà còn tiện lợi cho cả lực lượng làm công vụ", anh Tiến Công cho hay.

Chương trình Sáng kiến An toàn giao thông Việt Nam năm 2023 do Cục Cảnh sát Giao thông, Báo Dân trí và Công ty Ô tô Toyota Việt Nam phối hợp thực hiện.

Chương trình được phát động với mục đích nâng cao ý thức của người dân khi tham gia giao thông, tìm kiếm những ý tưởng, sản phẩm sáng tạo để đưa tình trạng giao thông Việt Nam dần ổn định hơn và giúp người tham gia giao thông hiểu đúng luật, tham gia giao thông an toàn, văn minh hơn.

Để biết thêm thông tin chi tiết về chương trình cũng như thể lệ tham gia cuộc thi, độc giả có thể truy cập website của chương trình tại https://sangkienatgt.dantri.com.vn.

Đồng hành cùng Chương trình Sáng kiến An toàn giao thông Việt Nam có đơn vị tài trợ chính Công ty Ô tô Toyota Việt Nam, đơn vị tài trợ Tổng công ty Bảo hiểm PVI.