1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. TPHCM "khát" cây xanh
  4. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai

Sử dụng biển: Lợi ích kinh tế phải gắn với quốc phòng, an ninh

(Dân trí) - Kế hoạch sử dụng biển nhằm bảo đảm sử dụng bền vững các vùng biển thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam trên cơ sở kết hợp hài hòa giữa lợi ích kinh tế, bảo vệ môi trường và góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Sử dụng biển: Lợi ích kinh tế phải gắn với quốc phòng, an ninh

Tại buổi làm việc với Tổng cục Biển và Hải đảo về “Đề án quy hoạch, kế hoạch sử dụng biển Việt Nam” sáng 20/5, ông Chu Phạm Ngọc Hiển - Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường - nhấn mạnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng biển phải gắn liền với khai thác và bảo vệ tài nguyên và môi trường. Đề án phải đảm bảo mang lại hiệu quả kinh tế, xã hội, môi trường và đảm bảo an ninh - quốc phòng; thúc đẩy sử dụng hiệu quả tài nguyên, không gian biển và đảm bảo an toàn hơn trong khi triển khai các hoạt động của con người liên quan đến khai thác và sử dụng tài nguyên biển; không tác động lớn đến các mục tiêu và định hướng phát triển của các ngành kinh tế liên quan đến biển hiện tại cũng như sự tác động của quy hoạch ngành đến quy hoạch sử dụng biển…

Theo đề án, kế hoạch sử dụng biển nhằm bảo đảm sử dụng bền vững các vùng biển thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam trên cơ sở kết hợp hài hòa giữa lợi ích kinh tế, bảo vệ môi trường và góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh. Đây là căn cứ pháp lý để xây dựng và điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng biển của các cấp, ngành; giảm thiểu tối đa các mâu thuẫn trong khai thác, sử dụng biển, hải đảo, góp phần giữ gìn, bảo tồn và bảo vệ lâu bền các giá trị tự nhiên, văn hóa - lịch sử môi trường trên các vùng biển, hải đảo thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam. Đồng thời từng bước nâng cao nhận thức về biển nhằm hướng tới sử dụng bền vững các giá trị của biển và hải đảo phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Vùng quy hoạch sử dụng bao gồm: Vùng nội thủy, vùng lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia của Việt Nam. Đồng thời, vùng nghiên cứu được quy định bao gồm: Toàn bộ phần đất liền của các huyện, thành thị giáp biển thuộc 28 tỉnh, thành phố ven biển trực thuộc Trung ương.

Thời gian quy hoạch đến 2025 và tầm nhìn 2035.

Kha Xuân Lộc