1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Những thông điệp quan trọng từ chuyến thăm Trung Quốc của ông Putin

Nguyên Long

(Dân trí) - Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 17/5 đã kết thúc chuyến thăm cấp nhà nước 2 ngày tới Trung Quốc với nhiều kết quả và thông điệp quan trọng.

Những thông điệp quan trọng từ chuyến thăm Trung Quốc của ông Putin - 1

Tổng thống Nga Vladimir Putin bắt tay Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong lễ đón chính thức ngày 16/5 (Ảnh: AFP).

Đây là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của Tổng thống Vladimir Putin kể từ khi nhậm chức tổng thống nhiệm kỳ 5 vào ngày 7/5 và là chuyến thăm Trung Quốc lần thứ 19 trên cương vị tổng thống, đồng thời là chuyến thăm Trung Quốc lần thứ 2 của ông Putin trong vòng 6 tháng.

Chuyến thăm được đánh giá là nhằm làm sâu sắc thêm mối quan hệ đối tác chiến lược đặc biệt giữa hai nước, nhất là trong bối cảnh các lợi ích song trùng về chính trị, kinh tế, quân sự đã và đang ngày càng thúc đẩy Nga - Trung sát lại gần nhau hơn.

Kể từ tháng 2/2022, Trung Quốc và Nga đã trở thành "đối tác không giới hạn", do đó, việc Tổng thống Nga Putin chọn Trung Quốc là điểm đến đầu tiên cho chuyến công du nước ngoài chỉ chưa đầy 10 ngày sau khi nhậm chức nhiệm kỳ 5 cho thấy các ưu tiên và thông điệp quan trọng về mối quan hệ đặc biệt giữa hai nước.

Thắt chặt quan hệ chiến lược

Việc ông Putin chọn Trung Quốc là điểm đến đầu tiên cho chuyến công du nước ngoài ngay sau khi nhậm chức không lâu không phải là điều bất ngờ nhưng gửi đi thông điệp sâu sắc về sự coi trọng đặc biệt của Nga đối với Trung Quốc. Chuyến thăm đồng thời cho thấy mong muốn của Nga về việc thúc đẩy hơn nữa "quan hệ đối tác không giới hạn" với Trung Quốc cũng như các ưu tiên và chiều sâu trong mối quan hệ giữa hai nước.

Trước chuyến thăm, Tổng thống Putin nói rằng việc ông chọn Trung Quốc là điểm đến nước ngoài đầu tiên sau khi tuyên thệ nhậm chức tổng thống nhiệm kỳ thứ 5 nhằm nhấn mạnh "mức độ quan hệ đối tác chiến lược cao chưa từng có" giữa hai nước cũng như tình bạn thân thiết của ông với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Trong cuộc hội đàm chính thức kéo dài 2 giờ với Chủ tịch Tập Cận Bình vào ngày 16/5, Tổng thống Putin đã nhấn mạnh, mối quan hệ giữa hai nước là "những yếu tố ổn định trên trường quốc tế" và đây là mối quan hệ "không mang tính cơ hội và không nhằm vào bất kỳ ai"; đồng thời hy vọng chuyến thăm sẽ tạo thêm động lực cho sự phát triển của quan hệ hợp tác song phương.

Đại sứ Trung Quốc tại Nga Trương Hán Huy cho biết, Trung Quốc và Nga kỳ vọng tiếp tục tăng cường hơn nữa hợp tác chiến lược, tạo động lực hợp tác mới và giúp đỡ nhau đạt được sự phát triển và thịnh vượng.

Giáo sư Vương Y Vĩ - Giám đốc Viện Quan hệ Quốc tế tại Đại học Nhân dân Trung Quốc nhận định, chuyến thăm chứng tỏ "sự tin tưởng lẫn nhau giữa Trung Quốc và Nga đã đạt đến đỉnh cao mới trong lịch sử"; đồng thời cũng mở ra cơ hội hợp tác phát triển kinh tế dọc khu vực Viễn Đông. Giáo sư Triệu Minh Hạo - Viện Nghiên cứu Quốc tế - Đại học Phúc Đán cho rằng, Nga đang tìm cách ổn định mối quan hệ của với Trung Quốc, bao gồm cả thương mại và năng lượng, nhất là trong bối cảnh Moscow đang triển khai các hoạt động tấn công mới ở Ukraine.

Trước áp lực của Mỹ và phương Tây, ông Putin phải tìm cách đảm bảo mối quan hệ đối tác chiến lược với Trung Quốc và mối quan hệ này cũng hết sức quan trọng với Bắc Kinh, nhất là trong bối cảnh Bắc Kinh cũng đang chịu áp lực cạnh tranh rất lớn từ Mỹ và phương Tây.

Hãng tin Reuters đánh giá, thông qua chuyến thăm, Tổng thống Nga muốn gửi thông điệp đến thế giới về ưu tiên của ông cũng như chiều sâu mối quan hệ cá nhân với Chủ tịch Tập Cận Bình. Theo AFP, chuyến thăm cho thấy quan hệ song phương Nga - Trung đang "tiến lên một cấp độ khác". Hãng tin Al Jazeera cho rằng mối quan hệ Nga - Trung là "sự ổn định giữa một thế giới hỗn loạn".

Trên thực tế, Nga và Trung Quốc chưa bao giờ đề cập đến khái niệm liên minh nhưng có thể thấy quan hệ song phương giữa hai nước chưa bao giờ phát triển như hiện nay. Việc Nga - Trung ngày càng thắt chặt quan hệ hợp tác, trong đó có những đồng thuận liên quan đến vấn đề Ukraine cũng như sự hỗ trợ của Trung Quốc đối với Nga đang đặt ra "một bài toán khó" cho cả Mỹ và châu Âu.

Tuyên bố chung giữa hai nhà lãnh đạo được mô tả là làm sâu sắc thêm mối quan hệ chiến lược, đồng thời đề cập đến các kế hoạch tăng cường quan hệ quân sự cũng như cách thức hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng giữa hai nước nhằm cải thiện an ninh khu vực và toàn cầu.

Tìm kiếm giải pháp cho xung đột với Ukraine

Những thông điệp quan trọng từ chuyến thăm Trung Quốc của ông Putin - 2

Trong cuộc gặp tại Bắc Kinh, ông Putin nói với ông Tập rằng Nga ủng hộ sáng kiến hòa bình của Trung Quốc về xung đột Ukraine (Ảnh: AFP).

Trong cuộc phỏng vấn với Tân Hoa Xã được công bố vào đêm ngày 15/5 ngay thềm chuyến thăm Trung Quốc, Tổng thống Putin nói rằng: "Chúng tôi sẵn sàng đối thoại về Ukraine, nhưng những cuộc đàm phán như vậy phải tính đến lợi ích của tất cả các quốc gia liên quan đến cuộc xung đột, bao gồm cả lợi ích của chúng tôi".

Xung đột với Ukraine là một trong những vấn đề trọng tâm mà hai nhà lãnh đạo Nga - Trung đã thảo luận trong cuộc hội đàm chính thức kéo dài 2 giờ vào ngày 16/5. Trong tuyên bố sau hội đàm, Chủ tịch Tập Cận Bình nói rằng, hai bên đã nhất trí về việc tìm giải pháp chính trị cho cuộc xung đột với Ukraine kéo dài hơn 2 năm qua.

Năm 2023, Trung Quốc đã đưa ra Sáng kiến 12 điểm cho hòa bình Ukraine bao gồm "việc tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của tất cả các nước, tôn trọng lo ngại an ninh chính đáng của các bên" và Sáng kiến đã được cả Moscow và Kiev hoan nghênh vào thời điểm đó cho dù một số nước phương Tây tỏ ra hoài nghi.

Giáo sư Vương Y Vĩ nói rằng, Trung Quốc có thể làm trung gian cho các cuộc đàm phán giữa Nga và Ukraine vì Bắc Kinh nhấn mạnh đế sự cần thiết của đàm phán song phương và việc chỉ đổ lỗi cho Nga hay Ukraine là không thể giải quyết được vấn đề. Báo Al Jazeera đánh giá, bất chấp sự hoài nghi sâu sắc, Trung Quốc vẫn muốn thể hiện mình là "trung lập" về xung đột Ukraine.

Trong khi đó, một số nhà phân tích phương Tây cho rằng, Moscow đang cân nhắc tất cả các mối quan hệ của mình dựa trên cuộc xung đột với Ukraine. Chuyên gia về Trung Quốc Alexander Gabuev - Trung tâm Á - Âu Carnegie Nga (trụ sở tại Đức) nhận định, xung đột đã trở thành nguyên tắc tổ chức chính sách đối ngoại của ông Putin và mọi mối quan hệ đều được đánh giá trên 3 nguyên tắc. Đó là có thể giúp ích trên chiến trường Ukraine hay không, có thể duy trì nền kinh tế Nga và phá vỡ các lệnh trừng phạt hay không và liệu có thể giúp Nga chống lại phương Tây và trừng phạt Mỹ cũng như đồng minh vì đã hỗ trợ Ukraine hay không? Và rõ ràng, Trung Quốc đáp ứng cả 3 tiêu chí này của Nga.

Thông điệp cứng rắn tới phương Tây

Thông qua chuyến thăm, Tổng thống Nga Putin muốn phát đi thông điệp rằng, Nga - Trung luôn đoàn kết và mối quan hệ đối tác "không giới hạn" giữa hai nước ngày càng bền chặt, nhất là trong bối cảnh trong vài tháng qua các nhà lãnh đạo phương Tây luôn cố gắng thuyết phục ông Tập rằng, sự ủng hộ của ông với Tổng thống Putin sẽ làm tổn hại đến lợi ích của Trung Quốc.

Trong Tuyên bố chung ký ngày 16/5, Tổng thống Vladimir Putin và Chủ tịch Tập Cận Bình nêu rõ: "Quan hệ Nga - Trung đã phát triển đến cấp độ hợp tác liên quốc gia cao hơn so với những hình thức liên kết quân sự - chính trị của kỷ nguyên Chiến tranh Lạnh, không mang bản chất liên minh theo khối hay nhằm mục tiêu đối đầu, không nhắm vào bên thứ ba nào". Tại cuộc họp báo ngày 17/5, Tổng thống Putin đã ca ngợi cuộc nói chuyện "ấm áp tình đồng chí" với ông Tập.

Các nhà quan sát đánh giá, Trung Quốc đang ngày càng trở thành đối tác quan trọng của Nga, nhất là trong bối cảnh Moscow bị bủa vây bởi các lệnh trừng phạt của Mỹ và đồng minh còn Bắc Kinh cũng chịu sức ép không nhỏ từ cạnh tranh với Mỹ và phương Tây. Trong 2 năm qua, nền kinh tế Nga - Trung ngày càng liên kết chặt chẽ với nhau hơn với thương mại đạt mức kỷ lục 240 tỷ USD, tăng hơn 64% kể từ năm 2021. Năm 2023, Trung Quốc đã trở thành đối tác thương mại hàng đầu của Nga, trong khi Moscow trở thành đối tác thương mại lớn thứ 6 của Bắc Kinh và trở thành nhà cung cấp dầu thô hàng đầu của Trung Quốc.

Trong thời gian tới, Nga và Trung Quốc cũng sẽ tiếp tục tăng cường hợp tác về quân sự, thúc đẩy giao lưu nhân dân và hợp tác trên nhiều lĩnh vực khác. Các kết quả đạt được trong chuyến thăm gửi đi một thông điệp lớn đến Mỹ và phương Tây về mối quan hệ ngày càng bền chặt giữa Nga và Trung Quốc.

Thúc đẩy trật tự thế giới mới

Ngay trước thềm chuyến công du Trung Quốc, Tổng thống Putin đã ca ngợi Chủ tịch Tập Cận Bình và Trung Quốc vì đã chia sẻ tầm nhìn của ông về một "trật tự thế giới đa cực". Đây là thuật ngữ mà ông Putin thường dùng để chỉ những thất bại của trật tự thế giới do Mỹ dẫn đầu, đồng thời là cách để huy động sự ủng hộ từ Trung Quốc và các cường quốc tầm trung "phía nam toàn cầu" như Brazil và Argentina cho vị thế thống trị địa chính trị.

Trong cuộc hội đàm với Chủ tịch Tập Cận Bình, Tổng thống Putin cho biết, Moscow sẵn sàng hợp tác với Bắc Kinh và các nước phía Nam toàn cầu khác hướng tới "một thế giới đa cực", trong khi ông Tập nói hai nước cam kết điều hành quản trị toàn cầu "theo đúng hướng".

Tổng thống Vladimir Putin khẳng định Nga và Trung Quốc "hợp tác để hình thành một trật tự thế giới đa cực công bằng và dân chủ hơn, dựa trên vai trò trung tâm của Liên Hợp Quốc và Hội đồng Bảo an cũng như luật pháp quốc tế".

Một số nhà phân tích đánh giá, hai nhà lãnh đạo đang cố gắng nhấn mạnh rằng, mối quan hệ đối tác chặt chẽ giữa Bắc Kinh và Moscow là một lực lượng có lợi cho hệ thống toàn cầu. Nhà phân tích Philipp Ivanov, đồng thời là người sáng lập một ông ty tư vấn của Australia đánh giá, cả hai nhà lãnh đạo đều muốn cho thấy họ đang tạo ra một môi trường bình đẳng hơn và hệ thống kinh tế và chính trị toàn cầu toàn diện hơn.

Khái niệm về một "trật tự thế giới mới" đang nổi lên không phải là một ý tưởng xa vời khi một châu Âu đang rạn nứt và khả năng ông Donald Trump có thể trở lại Nhà Trắng sắp tới đang có tác động sâu sắc đến các thể chế và chuẩn mực vốn đã chi phối nền kinh tế toàn cầu từ thế kỷ 20.

Ở cấp độ địa chính trị, mối quan hệ đối tác "kỷ nguyên mới" Trung Quốc - Nga cho thấy thế giới đang thắt chặt thành các khối địa chính trị với mối quan hệ ngày càng tăng giữa các đồng minh và đối tác.

Việc Tổng thống Nga Vladimir Putin chọn Trung Quốc là điểm đến đầu tiên của chuyến công du nước ngoài ngay sau khi nhậm chức tổng thống nhiệm kỳ mới là minh chứng cho thấy các ưu tiên đối ngoại và những kỳ vọng của Nga trong việc thúc đẩy quan hệ đối tác "không giới hạn" với Trung Quốc, nhất là trong bối cảnh tình hình địa chính trị thế giới đầy biến động, thách thức với những đối đầu giữa càng cường quốc cũng như các xung đột địa chính trị ngày càng gia tăng.

Tổng thống Putin muốn gửi đi thông điệp rằng, mối quan hệ Nga - Trung đang ngày càng phát triển, thậm chí còn "vượt lên trên ý thức hệ và liên tục được tăng cường dù phải đối mặt tình hình quốc tế nghiêm trọng".