1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. TPHCM "khát" cây xanh
  4. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai

Sự cố Cửa Đạt chưa thể kết luận!

(Dân trí) - Sau khi Dân trí đăng tải loạt bài về sự cố Cửa Đạt, chiều 15/10, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã chủ trì cuộc họp nghe báo cáo của đơn vị tư vấn thiết kế, thi công và các đơn vị liên quan để xác định rõ nguyên nhân cũng như đưa ra hướng khắc phục.

>> Công trình Cửa Đạt có chịu sức ép tiến độ?

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Ngọc Thuật đã có cuộc trao đổi với Dân trí.

Cuộc họp hôm nay có kết luận thay cho tổ công tác kiểm tra, đánh giá sự cố Cửa Đạt do Bộ NN&PTNT lập trước đó, thưa ông?

Những việc được nói trong cuộc họp này thì đã lường hết cả rồi, chúng tôi nghĩ rằng, nếu thực sự các nhà khoa học của mình còn chưa giải đáp hết tất cả thì có thể mời chuyên gia bên ngoài vào.

Những thông tin đưa ra tại cuộc họp này không phải là ý kiến kết luận, mà chỉ là buổi đầu tiên để triển khai, tập trung mà làm. Phải qua hội đồng thẩm tra, đơn vị tư vấn, hội đồng nghiệm thu Nhà nước mới có kết luận chính thức và đưa ra các phương án tiếp theo.

Khi chúng ta có sự cố và chưa xác định được rõ nguyên nhân nhưng vẫn tập trung người và phương tiện vào thực hiện thì có vội vàng không, thưa ông?

Tất cả những việc nêu ra đây đã rõ rồi, ví dụ cần phải phải đắp đá sắp tới như thế nào, cần phải làm bản mặt như thế nào…

Đến bây giờ chúng ta vẫn chưa thấy nhắc đến trách nhiệm của cá nhân trong trường hợp này?

Điều đó do tổ công tác có ý kiến. Trong quyết định của mình Bộ NN&PTNT cũng nêu rõ đơn vị này sẽ xác định nguyên nhân và trách nhiệm những người liên quan.

Theo ghi nhận ban đầu của ông thì sự cố vừa rồi có lỗi của con người không hay chỉ do thiên nhiên gây ra?

Cái này để tổ công tác xác định.

Ngày 28/9/2007, Bộ mới phê duyệt phương án phòng chống lụt bão đối với công trình Cửa Đạt, việc phê duyệt chậm như vậy có liên quan gì đến sự cố không, thưa ông?

Không ảnh hưởng gì, việc này chuẩn bị từ trước và các phương án đã có sẵn. Xe máy thiết bị có sẵn ở công trường rồi, nhưng ở đây chủ yếu là lũ quá lớn nên giả sử có phương án thực hiện cũng không chống nổi.

Thưa ông, việc dự trù phòng lũ như của Bộ NN&PTNT đối với công trình Cửa Đạt là rõ ràng là không có hiệu quả?

Việc xác định tần suất phải theo quy trình quy phạm. Nếu xác định theo quy phạm 285 thì tần suất chỉ là 10%, nhưng đây là công trình quan trọng nên phải nâng lên 5%. Tuy nhiên nâng tần suất lũ 5% thì vẫn chưa đáp ứng được. Nếu thực sự nâng lên 1% thì đầu tư vào công trình quá lớn, do đó phải thực hiện theo quy phạm đã quy định.

Việc xói lở vừa qua có ảnh hưởng như thế nào đến toàn công trình, thưa ông?

Bên tư vấn đã tính cả rồi, cả việc khắc phục những điểm xói và ảnh hưởng như thế nào đến kết cấu công trình. Chi tiết như thế nào thì tư vấn đã tính.

Đây là mặt đập lần đầu tiên thực hiện ở Việt Nam, do vậy chúng ta chưa có một tiêu chuẩn nào cho những công trình tương tự, thưa ông?

Đúng, và do chưa có tiêu chuẩn nên chúng ta áp dụng tiêu chuẩn tương tự của Trung Quốc.

Có căn cứ nào để khẳng định nếu áp dụng tiêu chuẩn của Trung Quốc vào công trình Cửa Đạt thì sẽ thành công?

Chắc chắn thành công.

Nhưng sự cố xói lở vẫn xảy ra?

Bởi do lũ quá lớn. Theo quy phạm chỉ được tính 5%, còn vượt nếu vượt quy phạm thì phải chấp nhận xói. Đây là công trình được xây dựng vào năm thứ ba.

50 tỷ đồng từ sự cố xỏi lở ở công trình Cử Đạt, với số tiền này ông có nghĩ rằng đây là sự cố nghiêm trọng?

Quy ra tiền thì con số này nghiêm trọng, nhưng đơn vị bảo hiểm sẽ thanh toán.

Nhưng nếu xác định nguyên nhân gây ra sự cố là do con người thì bảo hiểm sẽ không có trách nhiệm thanh toán, thưa ông?

Chuyện này tôi chưa thể phát biểu vội, đi sâu vào chuyện này tôi chưa nắm rõ.

Xin cám ơn ông!

Trần Hưng (thực hiện)