1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. TPHCM "khát" cây xanh
  4. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai

Những vành khăn xô trên đỉnh Trường Sơn

Men theo đường Hồ Chí Minh, chúng tôi vượt dòng lũ, đến vùng rừng núi xã Thanh Hoá, Tuyên Hoá, Quảng Bình. Những chiếc khăn tang, những người vợ, người mẹ, những đứa trẻ ngất lên ngất xuống, những ngôi nhà chỉ còn trơ lại nền đất, những cụ già vượt rừng đi nhận mì tôm cứu trợ,…<br><a href='http://dantri.com.vn/event-1585/Mua-lu-o-mien-Trung.htm'><b>&nbsp;>>&nbsp;Mưa lũ ở miền Trung</b></a>

 
Những vành khăn xô trên đỉnh Trường Sơn - 1
Những ngày qua, trên đỉnh Trường Sơn, người dân phải sống trong nước mắt và đói khát do lũ. Trong ảnh, người thân của Trần Văn Bình đã khóc ngất khi vĩnh biệt anh. Ảnh: Bình Minh

 

Giọng nói yếu ớt, ánh mắt vô hồn, hoảng loạn, Trần Mã Lương, 28 tuổi, ở xóm 1, vẫn chưa hết bàng hoàng về đêm lũ chết người trên đỉnh Trường Sơn trước đó một tuần: “Cả tốp thợ ngủ trong lán bỗng nghe mưa lớn, nước kèm theo đá trên rừng đổ xuống, cuốn cả năm anh em mỗi đứa một nơi, tỉnh dậy em mới biết mình đang nằm dưới gốc cây, bốn anh em cùng lán đều chết cả…”.

 

Đêm kinh hoàng

 

Trước khi mưa lũ lớn đổ về, Lương cùng với hai người anh ruột là Trần Văn Diễn, Trần Văn Lý và hai người anh em họ là Trần Văn Bình, Nguyễn Văn Dũng cùng mang cơm gạo vào rừng Khe Son tìm gỗ. Đêm 2/10, “Cả tốp thợ chưa kịp hiểu chuyện chi thì trời đất như rung chuyển bởi hàng trăm phiến đá, khúc gỗ khổng lồ từ trên núi trôi xuống. Mấy anh em nắm chặt tay nhau nhưng không thoát được dòng nước lũ”, Lương kể lại.

 

Thời điểm mà dòng nước hung tợn cuốn trôi năm anh em Lương cũng là lúc cả xã Thanh Hoá bị ngập chìm trong nước. Trưa 3/10, những người thân của Diễn kinh hồn khi thấy xác anh trôi dạt về phía khe suối trước nhà, thi thể bầm giập vì va vào đá. Hai ngày sau, người dân xóm 1, xã Thanh Hoá lần lượt tìm thấy xác của ba người còn lại trên các khe suối trong tình trạng biến dạng, bùn đất bám đầy… Chỉ còn anh Trần Mã Lương là không thấy đâu.

 

Sáng 4/10, xã Thanh Hóa huy động gần 100 thanh niên cắt rừng, tìm xác anh Lương. Đến cuối buổi chiều, khi đi ngang qua một gốc cây khổng lồ ở rừng Khe Sến, người ta bất ngờ nhìn thấy Lương đang nằm ngất lịm bên gốc cây. “Sau khi bị một khúc gỗ cuốn và đè lên người, tui nghĩ rằng mình đã chết”, Lương kể.

 

Ngày 5/10, làng làm đám tang tập thể cho những người xấu số, trời mưa tầm tã, nước lũ chưa rút, đám tang của bốn người thợ rừng không kèn, không trống, không cờ quạt cứ đi nhấp nhô, nhấp nhô sau những ngọn đồi, không ai cầm được nước mắt,… Ngồi bần thần bên di ảnh đứa con trai, nhìn ra căn nhà đổ sập hoàn toàn, bà Cao Thị Khoa, mẹ Nguyễn Văn Dũng, khóc đến cạn nước mắt: “Mấy ngày tới chưa biết lấy chi mà ăn đây”.

 

Rời đỉnh Trường Sơn khi trời chạng vạng tối, những ngôi nhà ướt sũng của bà con xã Thanh Hoá vẫn chưa thể lên đèn, những em bé ngơ ngác ngồi trước thềm nhà ngóng người thân, thỉnh thoảng dưới những mái đồi bạc phếch lại xuất hiện những vành khăn tang trắng muốt lủi thủi đi nhận mì tôm mà thương đến nao lòng…

 

Gạt lệ trở về eo Lau Mắt

 

Khe Vực Táp, nước đục ngầu. Con đường chính vào Tân Hoá sau một tuần nước ngập vẫn là khe nước này. Người dân các thôn Yên Thọ, Cổ Liêm, Rì Rì… bắt đầu rời hang đá. Những khuôn mặt thất thần, áo quần tả tơi lem luốc bì bõm trong bùn non của ngày nắng mới. Tân Hoá đang trở thành thung lũng chết…

 

Giữa trưa nắng chang chang, Đinh Văn Ân theo thuyền cứu hộ chạy xuống thôn Yên Thọ. Quần cộc, mình trần, tóc tai bù xù bê bết bùn, Ân bươn bả như điên dọc bờ khe Vực Táp. “Em đi tìm nhà của em!” Ân nói - “Đã tìm được chưa?” - “Vừa thấy rồi, nhưng chỉ còn mấy cây cột”.

 

Nhà Ân trên eo Lau Mắt, bên cạnh khe Cái. Đêm ngày 2/10 nước lên, vợ con Ân vào được trong núi. Ân ở lại nhà cùng ông Thương hàng xóm. Hai người leo lên nóc nhà ngồi. Nửa đêm, nước lên tới nóc chới với. Ân nói, em biết bơi nhưng ông Thương bị cụt chân. Em không thể cõng ổng bơi được, phải ở lại, chết thì cùng chết. Hai giờ sáng đêm đó, ba người ở thôn Lạc Thiện là ông Bến, ông Ân và anh Hương kết hai cái ruột ôtô thành bè bơi ra đưa Ân và ông Thương lên lèn đá. Ngôi nhà nhỏ của hai vợ chồng trẻ này đã chu du hơn năm cây số từ eo Lau Mắt tới thôn Yên Thọ và cuối cùng đọng lại đó khi nước rút. Tôi hỏi Ân sắp tới vợ chồng em sẽ tính ra sao? Ân nhìn dòng nước đỏ quạch, khuôn mặt vô hồn: “Em không biết nữa! Mấy bữa nay em muốn khóc lắm nhưng không khóc được”.

 

Tân Hoá đang trở thành thung lũng chết khi lũ rút. Sau đúng bảy ngày sống như người nguyên thuỷ trong hang đá trở về, cuộc sống của bà con người Nguồn ở đây là con số không.

 

Tình cảnh của Ân cũng là tình cảnh của 650 hộ dân ở trong thung lũng Tân Hoá. Tương lai của họ được tính từng ngày, nhờ vào hàng cứu trợ. Giữa trưa nắng chang chang, em Trương Việt Dũng 11 tuổi nấu một nồi cơm nhỏ mang vào cho mẹ bị ốm ở trong trạm xá của xã. Đây là bữa cơm đầu tiên sau tám ngày trú trong hang đá trở về nhờ gạo cứu trợ. Cơm được ăn với muối trong gói mì tôm chan nước suối cứu trợ.

 

Tại trạm xá này, trên trần nhà tôn nóng hầm hập, bốn sản phụ khác cũng ăn mì tôm hoặc cơm chan nước suối. Những đứa trẻ mới ra đời thiếu sữa, không khóc nổi. Tân Hoá đang trở thành thung lũng chết khi lũ rút ra. Sau đúng bảy ngày sống như người nguyên thuỷ trong hang đá trở về, cuộc sống của bà con người Nguồn ở đây là con số không. Tương lai mờ mịt. Những em bé như em Dũng, không biết ngày nào được trở lại trường.

 

Tân Hoá có 650 hộ dân thì có tới trên 400 con thuyền độc mộc. Những ngôi nhà pè truyền thống luôn luôn có những cái tra (giống cái gác của nhà người Kinh) có cửa thoát trên mái, dùng trú lũ. Vậy mà năm nay, ông Cao Văn Dương, 65 tuổi ở thôn Cổ Liêm nói, không thể lường trước được.

 

Hai giờ sáng ngày 2/10, ông Dương mặc quần đùi, chèo thuyền độc mộc đi trong mưa từ Cổ Liêm lên uỷ ban huyện, kêu lên: “Huyện phải xuống cứu bà con tôi với! Chết hết rồi!”.

 

Người dân Tân Hoá nói, nguyên nhân của trận lũ lịch sử tại đây có thể do mưa quá lớn cuốn trôi cây gỗ từ thượng nguồn trôi về chèn lấp miệng hang, làm tắc rục Cái. Tương tự như trường hợp ở thuỷ điện Hố Hô. Rục Cái bị tắc là thảm hoạ lâu dài cho cả vùng Tân Hoá và Minh Hoá.

 

Đi giữa điêu tàn Tân Hoá trong những ngày này, đâu đâu cũng gặp cảnh thương tâm. Những chén cơm bồi ngô ngâm nước lụt lem luốc trên miệng trẻ con. Những dòng nước mắt lặng lẽ trên má người lớn. Những nét âu lo trên khuôn mặt người già. Rục Cái bị tắc - vị giang thần bản mệnh của người Nguồn không còn phò trợ bà con nữa… Cuộc sống rồi đây biết sẽ ra sao?

 

Theo Bình Minh - Nguyễn Minh Sơn

 Sài Gòn tiếp thị