1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Nên bảo tồn di tích có trọng tâm

Đàn Nam Giao đã xuất lộ ngay tại nơi dự kiến sẽ xây dựng toà nhà HH1 nối liền với tháp đôi Vincom. Trước đó, Đàn Xã Tắc cũng được tìm thấy tại nút giao thông quan trọng giữa lòng Hà Nội. Nên ứng xử với các di chỉ này như thế nào để có thể dung hoà lịch sử và hiện tại? Nhà sử học Lê Văn Lan đã có cuộc trao đổi với báo giới về vấn đề này.

Thưa ông, Nam Giao, Xã tắc và sau này là nhiều di chỉ khác nữa, được tìm thấy tại những dự án xây dựng và giao thông trọng điểm... Làm sao đây?

 

Tôi không muốn nói đến tầm quan trọng cũng như sự linh thiêng của Nam Giao, Xã Đàn nữa, bởi điều đó dường như ai cũng đã nhận thức được.

 

Vấn đề là ta ứng xử với các di tích đó như thế nào? Những cuộc khai quật tốn kém, sức người sức của đổ ra không ít, rốt cuộc có ai nói được các di tích đó vuông tròn, méo dẹt, rộng dài thế nào hay không? Chắc chắn là không. Câu trả lời chỉ là những điều chúng ta đã biết, rằng ở đó có một Nam Giao.

 

Ngay từ thời Pháp thuộc, chúng ta đã tìm được một chiếc bia cổ thế kỷ XVII chứng minh rằng, ngay tại chố đang đào hiện nay chính là Nam Giao Thăng Long và hiện chiếc bia đó đang được trưng bày tại Bảo tàng lịch sử Việt Nam.

 

Rất nhiều ý kiến cho rằng, ở Hà Nội đào đâu chẳng thấy cổ vật, chẳng thấy di tích? Vậy nếu nơi nào cũng được phục dựng, cũng bảo tồn thì lấy đâu đất cho người đương thời sống?

 

Câu chuyện này thuộc về nguyên lý bảo tàng học. Đã có lần tôi phát biểu rằng, thật là phản khoa học nếu chúng ta đặt vấn đề bảo tồn nguyên vẹn tất cả những gì đào được. Những gì chúng ta tìm được hôm nay không phải để sử dụng, mà là để người đời sau hiểu được tầm vóc, lịch sử, văn hoá nước nhà. Việc bảo tồn Nam Giao chỉ là để dân Việt Nam được chiêm ngưỡng những tín ngưỡng xưa, chứ không phải là nơi để họ cúng tế, cầu xin trúng chứng khoán, trúng hợp đồng...

 

Tôi coi việc khảo cổ, phục dựng di tích hiện nay của ta như cách buôn hàng xén, gặp gì bán nấy. Lẽ ra chúng ta nên có phương án bảo tồn có trọng tâm những di tích quan trọng.

 

Nhưng cũng có ý kiến cho rằng, bây giờ có thể chúng ta tốn một vài nghìn tỷ đồng để bảo tồn, nhưng nếu không làm thì sau này, dù chúng ta có gấp trăm, gấp ngàn lần số tiền như thế cũng chẳng thể làm gì được nữa. Và như thế là có tội với lịch sử, với con cháu?

 

Đó chính là điều thứ 2 tôi muốn nói: Nguyên tắc dung hoà giữa lịch sử và hiện đại. Ngay tại nơi một công ty Vincom vươn lên làm ăn kinh tế vững mạnh - điều đang rất cần cho Hà Nội và cả nước; hay tại nơi tìm ra Xã Đàn – nút giao thông quan trọng, chúng ta nên chuyển hoá kiếp sống cho Nam Giao và Xã Đàn.

 

Bây giờ đã khác rất nhiều thời xưa, không còn chuyện vua tế lễ trời, đất hay thần ngũ cốc nữa. Muốn cây lúa cho nhiều thu hoạch, chúng ta tăng cường phân bón, thuỷ lợi, giống cây… chứ không phải chỉ cúng bái cầu xin. Đó chính là câu trả lời cho việc nên ứng xử với Nam Giao và Xã Đàn như thế nào.

 

Nhưng cụ thể, tại Nam Giao và Xã Đàn, theo ông, chúng ta phải bảo tồn như thế nào để không bị lịch sử quay lưng?

 

Theo tôi, chúng ta nên dùng hình thức lập bia bảng và các tờ rơi, thông báo cho mọi người biết rằng, đây là mảnh đất linh thiêng, có giá trị lịch sử quan trọng. Cũng có thể xây tại những nơi này một kiến trúc nhỏ - như một cách chuyển hoá kiếp sống cho di tích – nhân danh tổ tiên, nhân danh quá khứ và linh thiêng. Tất cả chỉ để người dân tham quan và cảm nhận, chứ không phải biến thành một nơi cầu cúng.

 

Nhiều ý kiến cho rằng, việc tiến hành khảo cổ học đang góp phần làm chậm tiến độ thi công, và mình như đang bị lạm dụng…

 

Tôi vừa sang Osaka Nhật Bản thì mới hay, người ta đang tiến hành khai quật ngay tại trung tâm Osaka để tìm diện mạo Hoàng cung.

 

Họ đã biết dưới lòng đất này có di tích Hoàng cung từ những năm 40 của thế kỷ trước. Nhưng hồi đó, nước Nhật còn nghèo, chưa có đủ phương tiện, kỹ thuật, con người và tiền bạc nên phải chờ đến bây giờ, khi tất cả đã sẵn sàng mới bắt tay để khai quật.

 

Chúng ta đang còn nghèo, chưa đủ điều kiện để phụng dựng, bảo tồn, hãy để đó chờ con cháu chúng ta. Lúc đất nước giàu hơn lên, thế hệ con cháu chắc chắn sẽ có thái độ đúng đắn với lịch sử.

 

Xin cảm ơn ông!

 

Theo Khoa học - Đời sống