1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Quảng Nam bất ngờ bị Bộ Tài chính "đòi nợ" hơn 550.000 USD

Công Bính

(Dân trí) - Bộ Tài chính cho rằng, Quảng Nam chưa nộp phí cam kết hơn 527.000 USD, lãi phạt chậm phát sinh gần 28.000 USD tại dự án Phát triển môi trường, hạ tầng đô thị để ứng phó với biến đổi khí hậu TP Hội An.

Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại Bộ Tài chính vừa có văn bản gửi UBND tỉnh Quảng Nam để "đòi nợ" về dự án Phát triển môi trường, hạ tầng đô thị để ứng phó với biến đổi khí hậu thành phố Hội An, Quảng Nam (sau đây gọi tắt là dự án).

Theo đó, tỉnh Quảng Nam chưa nộp phí cam kết hơn 527.000 USD và lãi phạt chậm phát sinh do chưa nộp phí cam kết từ ngày 1/11/2017 đến 31/12/2022 gần 28.000 USD.

Quảng Nam bất ngờ bị Bộ Tài chính đòi nợ hơn 550.000 USD - 1

Cầu Nguyễn Duy Hiệu bắc qua sông Cổ Cò là một trong những dự án thành phần của dự án nạo vét, thoát lũ khẩn cấp và chống xâm nhập mặn sông Cổ Cò, thành phố Hội An (Ảnh: Công Bính).

Dự án được UBND tỉnh Quảng Nam phê duyệt và phê duyệt điều chỉnh báo cáo nghiên cứu khả thi năm 2015 và 2018, với tổng mức đầu tư 88,5 triệu USD (hơn 1.858 tỷ đồng). Trong đó vốn vay 70 triệu USD, vốn đối ứng 15,5 triệu USD, vốn viện trợ 3 triệu USD.

UBND tỉnh Quảng Nam dẫn giải các quy định: Khoản 2, Điều 10, Nghị định số 78/2010/NĐ-CP ngày 14/7/2010 của Chính phủ; Khoản 1, Điều 2, Nghị định số 78/2010/NĐ-CP ngày 14/7/2010;

Hiệp định vay 3340-VIE ký ngày 25/3/2017 giữa Chính phủ Việt Nam và Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), lãi vay và phí cam kết được gốc hóa trong suốt thời gian thực hiện của dự án (bao gồm Quảng Bình và Quảng Nam. Khoản vay có tổng vốn 100 triệu USD (trong đó tỉnh Quảng Nam là 70 triệu USD, tỉnh Quảng Bình 30 triệu USD), trong đó, ADB có phân bổ 6,49 triệu USD (cả Quảng Nam và Quảng Bình) để trả tiền lãi và phí cam kết (gốc hóa).

Qua đó, UBND tỉnh Quảng Nam cho rằng, khoản phí cam kết đã được gốc hóa theo quy định của Hiệp định vay 3340VIE và thực tế từ năm 2017 đến 31/12/2022, vào các ngày 1/5 và 1/11 hàng năm, ADB đã trừ phí cam kết, lãi vay và ghi nợ cho khoản vay 3340-VIE (bao gồm Quảng Bình và Quảng Nam).

Theo yêu cầu của ADB, Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh (chủ đầu tư dự án) đã tạm tách phí cam kết, lãi vay của tỉnh Quảng Nam và ghi nhận vào báo cáo tài chính hàng năm của dự án.

Tuy nhiên, thỏa thuận cho vay lại số 32 ngày 30/3/2018 giữa Bộ Tài chính và UBND tỉnh Quảng Nam, lãi vay được gốc hóa nhưng phí cam kết không được gốc hóa trong thời gian thực hiện dự án. Điều này có sự khác nhau giữa Hiệp định vay và Thỏa thuận vay lại về trả phí cam kết của dự án.

UBND tỉnh Quảng Nam cho rằng, Bộ Tài chính là cơ quan cho vay lại. Từ khi ký thỏa thuận cho vay lại (30/3/2018 đến 31/12/2022), Bộ Tài chính không có văn bản nào gửi các ban, ngành, đơn vị liên quan đến việc UBND tỉnh Quảng Nam phải nộp phí cam kết của dự án ADB cũng như văn bản liên quan về lãi phạt chậm phát sinh do việc chậm nộp phí cam kết trong thời gian thực hiện dự án.

Đến khi làm thủ tục gia hạn thời gian thực hiện dự án Bộ Tài chính mới có công văn, trong đó có tính phí cam kết phải nộp của dự án từ 1/11/2017 đến 31/12/2022, lãi phạt chậm phát sinh do việc chậm nộp phí cam kết từ 1/11/2017 đến 1/5/2022 với tổng số tiền lên đến hơn 550.000 USD.

Từ những quy định và thực tế phát sinh này, UBND tỉnh Quảng Nam đề xuất Bộ Tài chính thống nhất nộp phí cam kết trong thời gian thực hiện dự án.

Về khoản lãi phạt phát sinh do chưa nộp phí cam kết từ 1/11/2017 đến 31/12/2022, Bộ Tài chính tính lãi phạt chậm trả từ ngày 1/11/2017 đến 1/5/2022, số tiền gần 28.000 USD.

Tuy nhiên, UBND tỉnh Quảng Nam cho rằng, qua rà soát hồ sơ, kỳ ngày 1/11/2017 chưa ký thỏa thuận cho vay lại (thỏa thuận cho vay lại số 32 ngày 30/3/2018) nên không có cơ sở để tỉnh Quảng Nam nộp phí cam kết ở kỳ 1/11/2017.

Do đó, tỉnh Quảng Nam đề nghị Bộ Tài chính tính toán lại số tiền lãi phạt chậm trả do chưa nộp khoảng phí cam kết từ 1/15/2018 đến 1/5/2022 là 21.427 USD.