Bình Định:

Xây dựng đền thờ danh nhân văn hóa Đào Tấn

(Dân trí) - Ngày 5/11, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Mai Thanh Thắng vừa ký văn bản đồng ý chủ trương xây dựng đền thờ danh nhân văn hóa Đào Tấn tại xã Vinh Thạnh (xã Phước Lộc, huyện Tuy Phước, Bình Định).

Theo đó, đền thờ danh nhân Đào Tấn dự kiến xây dựng trên diện tích hơn 3.000m2 và hành lang quốc lộ 19 là gần 1.400 m2. Trong đó, quy mô đền thờ Đào Tấn dự kiến xây dựng là 396 m2 (22x18m), các công trình liên quan: sân hành lễ, hồ sen, học bộ đình, bãi đỗ xe…

Đường lên mộ Đào Tấn (ở thôn Huỳnh Mai, xã Phước Nghĩa, huyện Tuy Phước, Bình Định)
Đường lên mộ Đào Tấn (ở thôn Huỳnh Mai, xã Phước Nghĩa, huyện Tuy Phước, Bình Định)

Đền thờ sẽ được xây dựng quay mặt về hướng Nam để đáp ứng ý đồ phong thủy ngày xưa của Đào Tấn (Hương Thảo Thất quay mặt chính Nam nhìn về ngôi mộ của Đào Tấn ở núi Huỳnh Mai).

Quy mô đền thờ Đào Tấn tương ứng với quỹ đất dự kiến xây dựng, nằm cạnh lối vào chính Lý Môn do vậy đáp ứng được mặt cảnh quan cũng như ý nghĩa quần thể di tích (Nhà từ đường họ Đào - Đền thờ Đào Tấn - Đình làng Vinh Thạnh - Mộ Đào Tấn).

UBND tỉnh Bình Định giao cho UBND huyện Tuy Phước làm chủ đầu tư, đồng thời chủ trì, phối hợp với Sở Văn hóa thể thao và Du lịch Bình Định cùng các cơ quan liên quan triển khai xây dựng đền thờ Đào Tấn theo quy định.

Danh nhân Đào Tấn (1845 - 1907), quê ở thôn Vinh Thạnh, xã Phước Lộc, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định. Ông là vị quan thanh liêm của triều Nguyễn, đã từng giữ chức vụ Tổng đốc An - Tĩnh (Nghệ An - Hà Tĩnh), Công bộ Thượng thư. Đào Tấn là một nhà soạn tuồng nổi tiếng Việt Nam. Ông được mệnh danh là ông tổ hát bội và là vị tổ thứ 2 trong 3 vị tổ nghề sân khấu Việt Nam. Những vở tuồng xuất sắc ông soạn như: Tam nữ đồ vương, Sơn Hậu, Đào Phi Phụng… vẫn còn được diễn cho đến ngày nay.

Doãn Công