Thay quốc ca Mỹ bằng ca khúc đình đám của Miley Cyrus?

(Dân trí) - Bản hit “Party In The U.S.A.” của Miley Cyrus vừa được đề xuất là quốc ca mới của Mỹ. Đề xuất này đã gây bất ngờ trong dư luận bởi bài quốc ca hiện đang được sử dụng đã có lịch sử 200 năm và mang nhiều ý nghĩa lịch sử.

Ca khúc đình đám của Miley Cyrus được đề xuất làm quốc ca Mỹ


Mới đây, một câu chuyện “thật như bịa” vừa xảy ra trên chính trường Mỹ khi có một kiến nghị gây bất ngờ xuất hiện trên trang “We the People” - trang chủ của Nhà Trắng. Kiến nghị này nói rằng nhạc phẩm “Party in the U.S.A.” (Tiệc tùng ở Mỹ) nên được sử dụng làm quốc ca mới của Mỹ. Ý kiến đề xuất táo bạo này hiện đã nhận được gần 800 ý kiến ủng hộ.

Kiến nghị này xuất hiện trên trang chủ của Nhà Trắng chỉ 2 ngày trước Quốc khánh, được viết như sau: “Thưa ngài Obama, xin ngài hãy để bài hát Party in the USA của Miley Cyrus trở thành quốc ca của nước chúng ta. Đây là điều tuyệt vời nhất dành cho đất nước này”.

“Party In The U.S.A.” hiện đang có hơn 342 triệu lượt xem trên YouTube, là một trong những MV thu hút lượt người xem lớn nhất trên mạng Internet. MV của nhạc phẩm này thể hiện sự trẻ trung, sôi động, phóng khoáng, ưa “xê dịch”, thích tiệc tùng… một lối sống mang phong cách đường phố của những thanh niên Mỹ đương đại.

MV “Party In The U.S.A.”

Hiện tại, quốc ca Mỹ đang là bài “The Star Spangled Banner” (Cờ sao lấp lánh) được viết lời bởi nhà thơ Francis Scott Key vào năm 1814. Nhà thơ này sau khi chứng kiến cảnh quân Anh tấn công vào thành trì pháo đài McHenry của quân Mỹ đã rất xúc động bởi sau nhiều giờ chiến đấu ác liệt, quân Mỹ dù đã chịu nhiều tổn thất nhưng vẫn quyết giữ cho lá quốc kỳ tung bay trên pháo đài.

Ca khúc đình đám của Miley Cyrus được đề xuất làm quốc ca Mỹ

Bức tranh khắc họa cảnh nhà thơ Francis Scott Key đứng từ trên thuyền nhìn về phía đất liền, xúc động thấy lá quốc kỳ tung bay trên nóc pháo đài đang cố thủ.

Giai đoạn này nằm trong thời kỳ diễn ra cuộc chiến tranh Anh - Mỹ. Lúc này, nước Mỹ non trẻ muốn tách khỏi sự kiểm soát của nước Anh để thành lập nên một quốc gia độc lập. Nền nhạc của bài quốc ca là do nhạc sĩ người Anh John Stafford Smith viết vào năm 1780.

Tuy kiến nghị mới xuất hiện gây bất ngờ trong dư luận, thậm chí thu hút sự ủng hộ của một bộ phận người dân yêu thích bản hit sôi động, trẻ trung của Miley Cyrus nhưng khả năng để nó có thể trở thành sự thật còn rất xa vời bởi để nhận được một câu trả lời từ Tổng thống, mỗi đề xuất cần phải có đủ 100.000 phiếu ủng hộ của người dân.

Cho tới trước ngày 1/8, kiến nghị này vẫn còn cần hơn 99.000 lượt người ủng hộ nữa mới có thể được đưa ra xem xét.

Trước đó, hồi tháng 3, một kiến nghị tương tự cũng đã được đệ trình, yêu cầu để nhạc phẩm “Ignition” do nam ca sĩ R. Kelly thể hiện làm quốc ca Mỹ nhưng nó đã không nhận được phản hồi từ Nhà Trắng do không có được đủ số phiếu ủng hộ của người dân.

Về bài quốc ca Mỹ - “The Star Spangled Banner”, tuy có nhiều ý kiến trái chiều xung quanh việc có nên thay đổi quốc ca Mỹ hay không nhưng dựa trên số “phiếu thuận” ít ỏi mà những đề xuất táo bạo như thế này nhận được, có thể thấy người Mỹ vẫn ưa thích những gì cổ điển, đã gắn bó lâu dài với họ.

Trước đó, có một số dư luận từng cho rằng “The Star Spangled Banner” có giai điệu khó hát, lời thơ cổ khó thuộc, khiến ngay cả những ca sĩ nổi tiếng như Whitney Houston hay Beyonce Knowles cũng từng gặp lùm xùm vì hát nhép quốc ca tại những sự kiện lớn.

Quốc ca Mỹ được thể hiện bởi giọng ca Beyonce Knowles tại buổi lễ nhậm chức của Tổng thống Obama hồi năm 2012. Trong buổi biểu diễn này, Beyonce đã hát nhép.

 
Ngoài ra, bài hát “The Star Spangled Banner” cũng lấy chủ đề về chiến tranh khiến một số người Mỹ cho rằng nó không còn phù hợp với hoàn cảnh thời bình. Tuy vậy, đa số người dân Mỹ vẫn ủng hộ việc giữ nguyên quốc ca như hiện nay để nhắc nhở con cháu sau này nhớ về lịch sử tranh đấu của ông cha mình trong những ngày đầu tiên dựng nước để có được một nước Mỹ như ngày hôm nay.
 
 
Pi Uy
Theo Huffington Post