1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Tại sao ngành đường sắt Mỹ lại "thở dài" khi lá thu rơi?

(Dân trí) - Mỗi khi những chiếc lá sồi đỏ bứt mình khỏi cành cây nhẹ nhàng đáp xuống mặt đất, báo hiệu mùa thu, thì cũng là lúc các kỹ sư ngành đường sắt Mỹ bắt đầu những tiếng thở dài.

Những chiếc lá nhỏ tưởng như vô hại ấy đã gây ra không biết bao nhiêu rắc rối cho ngành đường sắt, như làm trễ tàu, hỏng máy móc và gây thiệt hại hàng triệu đôla. Nước, dầu của lá cây và sức ép từ bánh tàu hỏa đã tạo thành một lớp bùn đen bám vào đường ray, gây trơn trượt.

 

“Cứ như thể là tàu đang chạy trên băng. Chúng tôi thà lái tàu giữa trời tuyết còn hơn”, một lãnh đạo ngành đường sắt ở bang Massachusetts, Mỹ, đã phàn nàn như vậy.

 

Mùa thu năm nay với thời tiết ấm và ẩm ướt kéo dài đặc biệt gây mệt mỏi cho ngành đường sắt ở đông bắc nước Mỹ. Các đoàn tàu phải chạy chậm lại 1/3 thời gian. Cần nhiều công nhân hơn để làm sạch đường ray và hành khách phải đợi tàu lâu hơn. Đây vẫn là một vấn đề nan giải cho dù ngành đường sắt đã áp dụng mọi biện pháp, từ công nghệ laze cho đến phun nước áp suất cao, để làm sạch đường ray.

 

Trong các vụ tai nạn do đường ray trơn trượt thì chính những đoàn tàu phải gánh chịu thiệt hại nhiều nhất do hỏng hóc.

 

Để tránh nguy hiểm và thiệt hại, ngành đường sắt phải chọn giải pháp giảm tốc độ của tàu. Tuy nhiên, điều này đã gây ra hiệu ứng dây chuyền vì ngành đường sắt phải theo tuân thủ lịch trình rất nghiêm ngặt. Sự chậm trễ trở thành điều khó tránh khỏi.

 

Nhưng có lẽ không có nơi nào trên thế giới bị thiệt hại do lá vàng mùa thu nhiều như ở Vương quốc Anh. Xứ sở sương mù thiệt hại gần 95 triệu USD mỗi năm chỉ vì một lý do tưởng chừng như đơn giản này.

 

Có đủ mọi giải pháp, từ đơn giản đến ứng dụng công nghệ cao, được đưa ra cho tình trạng trơn trượt đường ray. Rõ ràng nhất là biện pháp cắt tỉa cây ở quanh khu vực đường ray.

 

Sử dụng cát cũng là cách đơn giản và phổ biến nhất chống trơn trượt.

 

Ngoài ra, có thể áp dụng công nghệ laze và phun nước ở áp suất cao để đánh bật chất bẩn bám vào đường ray. Tuy nhiên, cách làm này khá tốn kém.

 

Sau khi sử dụng thiết bị phun nước ở áp suất cao, năm 2003, số tàu bị trễ trong 2 tháng 10 và 11 của hãng vận tải đường sắt New Jersey Transit của Mỹ đã giảm hẳn xuống còn 51 chuyến, so với con số 226 của một năm trước đó, và không tăng trở lại.

 

“Nếu được quyết định, chúng tôi sẽ bỏ qua mùa thu và đi thẳng từ mùa hè sang mùa đông”, lãnh đạo hãng vận tải Metro-North (Mỹ) hóm hỉnh.

 

Đặng Lê

Theo Wall Street Journal