1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Sông Mekong đổi sang màu lạ vì cạn nước

(Dân trí) - Một số đoạn của sông Mekong gần đây đã chuyển sang màu xanh lục lam bất thường nghi do mực nước xuống ở mức quá thấp.

Sông Mekong đổi sang màu lạ vì cạn nước - 1

Ảnh chụp ngày 4/12 tại một đoạn sông Mekong ở đông bắc Thái Lan cho thấy nước sông đã đổi sang màu xanh thay vì màu nâu đặc trưng (Ảnh: AP)

Straits Times dẫn thông báo ngày 9/12 của Ủy hội Sông Mekong (MRC) cho biết nước sông Mekong đổi màu ở khu vực tỉnh Nakhon Phanom, Thái Lan và Thakhek, Lào có thể là vì “dòng chảy cực thấp, dòng chảy trầm tích của sông chảy chậm và sự xuất hiện của tảo trên cát và đáy sông”. MRC cũng cảnh báo những hậu quả nghiêm trọng có thể xảy ra nếu mực nước tiếp tục ở mức thấp.

“Phân tích cho thấy dòng chảy cực thấp ở sông Mekong hiện tại, trong bối cảnh khu vực đang trải qua một trong những đợt hạn hán tồi tệ nhất, đã làm thay đổi màu nước”, thông báo của MRC kết luận.

“Những trầm tích mịn thường được tìm thấy khi nước chảy xiết và mực nước sâu mang lại cho nước sông màu nâu đã biến mất, khiến nước sông Mekong trở nên trong hơn”, thông báo cho hay.

Những điều kiện như vậy cho phép các thực vật siêu nhỏ hoặc tảo mọc trên cát hoặc lòng sông khiến cho con sông biến thành màu xanh lục. Thông thường, sóng lớn sẽ đánh bật tảo đi, tuy nhiên, nó đang tích tụ ở phần sông tại khu vực Nakhon Phanom vì không đủ nước.

“Điều kiện có thể trở nên tồi tệ hơn nếu phân bón dùng trong nông nghiệp chảy xuống sông và khiến tảo phát triển”, MRC cho hay, cảnh báo hiện tượng tảo độc nở hoa có thể xảy ra.

Khu vực xung quanh sông Mekong là một trong những khu vực đa dạng sinh học nhất thế giới và hàng triệu nông dân và ngư dân đang phụ thuộc vào con sông này để kiếm sinh kế hàng ngày. Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo rằng con sông có thể bị đe dọa bởi các công trình đập thủy điện xây trên phía thượng nguồn.

Thông báo của MRC còn nhận định rằng tình trạng hiện tại ở phần bị ảnh hưởng của sông Mekong có thể làm giảm lượng thức ăn cho côn trùng và cá nhỏ, ảnh hưởng tới năng suất đánh bắt cá và các cộng đồng địa phương sống xung quanh.

“Nếu tình trạng nước trong vẫn xảy ra, tảo nở hoa có thể tạo nên một lớp dày màu xanh lục. Thảm này sẽ thối rữa và bốc mùi khó chịu. Trong tình huống tệ hơn, các loại tảo này có thể sản sinh ra chất độc làm ảnh hưởng tới các loài động, thực vật khác”, MRC cho hay.

Tiến sĩ So Nam, người đứng đầu cuộc nghiên cứu của MRC, cho biết tình trạng này có thể được cải thiện nếu “lượng nước lớn được xả từ các đập thượng nguồn Mekong và các đập phụ lưu để đưa trầm tích xuống và trả lại cho Mekong màu nâu vốn có”.

Đức Hoàng

Theo Straits Times