1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Nga giăng bẫy "răng rồng", chặn đà tiến của xe tăng Ukraine

Thành Đạt

(Dân trí) - Lực lượng phòng thủ của Nga đã cản đà tiến của quân đội Ukraine dọc tiền tuyến bằng hàng loạt rào cản, trong đó có phòng tuyến "răng rồng".

Nga giăng bẫy răng rồng, chặn đà tiến của xe tăng Ukraine - 1

Các khối bê tông tạo thành phòng tuyến "răng rồng" (Ảnh: Sputnik).

Chiến dịch phản công của Ukraine gặp nhiều khó khăn do mạng lưới công sự dày đặc được Nga dựng lên từ mùa thu năm ngoái, trong đó có phòng tuyến "răng rồng".

"Răng rồng" là gì?

Răng rồng, đôi khi còn được truyền thông phương Tây gọi là "răng quỷ", là chướng ngại vật phòng thủ chống tăng bằng bê tông hình kim tự tháp. Chiều cao của một "răng" là từ 90 đến 120cm.

"Răng rồng" có hiệu quả chống lại xe tăng không?

Hệ thống "răng rồng" đã nhiều lần chứng minh được tính hiệu quả cao trong việc chống lại xe tăng. Mặc dù vậy, những chướng ngại vật phòng thủ này được sử dụng như một phần của cấu trúc phức tạp quy mô lớn hơn và phải được lắp đặt đúng cách và đúng chỗ.

"Răng rồng" không phải là hàng rào, mà là bẫy chống tăng đặc biệt. Chúng không chỉ cản trở cuộc tấn công của xe tăng đối phương mà còn tạo ra ảo tưởng rằng chướng ngại vật này có thể dễ dàng vượt qua.

Nếu "răng rồng" được chế tạo và lắp đặt chính xác, xe tăng đối phương sau khi vượt qua tuyến phòng thủ bê tông đầu tiên sẽ không thể tiến hoặc lùi. Các xe tăng sẽ bị mắc kẹt và trở thành mục tiêu dễ dàng của pháo binh và các loại vũ khí chống tăng khác.

"Răng rồng" hoạt động như thế nào?

Nga giăng bẫy răng rồng, chặn đà tiến của xe tăng Ukraine - 2

"Răng rồng" được dựng gần biên giới Ukraine (Ảnh: Sputnik).

Các nhà quan sát quân sự Nga đã liệt kê 5 điều kiện để sử dụng thành công phòng tuyến "răng rồng".

Đầu tiên, các chướng ngại vật phải được làm bằng bê tông cốt thép đặc biệt.

Thứ hai, cần phải lựa chọn cẩn thận địa điểm lắp đặt "răng rồng": đó phải là một cái bẫy thực sự, tức là một nơi mà xe tăng không thể đơn giản vượt qua từ hai bên sườn.

Thứ ba, việc lắp một hàng "răng rồng" sẽ không có ý nghĩa gì. Các khối bê tông phải được xếp thành nhiều hàng và theo thứ tự đặc biệt để xe tăng đối phương khó vượt qua. Hơn nữa, các "răng" có thể có hình dạng khác nhau tùy thuộc vào vị trí lắp đặt của chúng.

Thứ tư, những chướng ngại vật chống tăng này thường được che giấu và được ngụy trang cẩn thận. Kịch bản lý tưởng là xe tăng đối phương bất ngờ vấp phải "răng rồng" trước mặt và không còn lựa chọn nào khác ngoài việc cố gắng vượt qua chướng ngại vật này.

Thứ năm, việc lắp đặt "răng rồng" mới chỉ là một nửa quá trình, khoảng trống giữa các hàng "răng rồng" cũng phải được khai thác. Tọa độ chính xác của "răng rồng" phải được chuyển trước cho các đơn vị chống tăng để họ có thể ngay lập tức tấn công xe tăng đối phương khi chúng chạy chậm lại trong lúc tìm cách vượt qua "răng rồng".

Nga đã triển khai những công sự nào khác ở Ukraine?

Truyền thông phương Tây trích dẫn hình ảnh vệ tinh cho thấy nhiều lớp công sự của Nga, đôi khi sâu 20km và dài khoảng 2.000km, chạy từ biên giới Nga với Belarus đến đồng bằng Dnepr.

Giới quan sát phương Tây gọi những công sự này là công trình phòng thủ rộng lớn nhất ở châu Âu kể từ Thế chiến hai. Hệ thống phòng thủ của Nga bao gồm một mạng lưới chiến hào, bãi mìn, dây thép gai, rào chắn chống tăng bằng kim loại được gọi là "nhím", "răng rồng" và các vị trí pháo binh.

Theo các nhà quan sát phương Tây, khu vực được triển khai công sự kiên cố nhất là vùng Zaporizhia, tiếp theo là Kherson, Donetsk và Lugansk. Bán đảo Crimea cũng được củng cố phòng thủ.

Theo Sputnik