1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Iran: Sách giáo khoa “cổ xúy” hành động tử vì đạo?

(Dân trí) - Sách giáo khoa dùng trong các trường học ở Iran đang truyền cho học sinh sinh viên lòng thù hận với phương Tây, đặc biệt là Mỹ; và khuyến khích họ có hành động “tử vì đạo” trong cuộc chiến tôn giáo chống lại các nước được coi là kẻ thù của người Hồi giáo.

Đây là kết quả nghiên cứu do Trung tâm theo dõi ảnh hưởng của hoà bình (Center for Monitoring the Impact of Peace - CMIP) đặt tại Israel thực hiện. Nhà hoạt động nhân quyền người Iran, Ghazal Omid, cũng đồng tình với ý kiến cho rằng những người có tư tưởng cực đoan ở Iran đang dùng sách vở để biến trẻ em thành những chiến binh tử vì đạo trong tương lai.

 

Bản thân bà Omid đã chạy khỏi đất nước Iran và viết cuốn tự truyện “Sống trong địa ngục”, nói về những gì bà đã trải qua ở đây. Bà ủng hộ việc thay đổi nội dung của các cuốn sách giáo khoa ở Iran và một số nơi khác ở Trung Đông. Bà hiện đang sống ở Canađa.

 

“Tôi là một người Iran, một phụ nữ theo đạo Hồi, và tự thấy mình phải có trách nhiệm lên tiếng phản đối việc những người Hồi giáo cực đoan dùng tôn giáo để “tẩy não” trẻ em, đặc biệt là trẻ em Iran,” bà nói tại một buổi họp báo vừa diễn ra tại London hồi đầu tháng 2 cùng với tác giả của nghiên cứu trên, ông Aron Groiss, Giám đốc CMIP.

 

Ông Groiss cho biết sách giáo khoa dùng trong các trường tiểu học của Iran có những câu chuyện và bài thơ ngợi ca các liệt sỹ như những người tử vì đạo trong cuộc chiến tranh Iran-Iraq (1980-1988). Một cuốn sách ảnh dùng cho học sinh 10 tuổi còn cung cấp kiến thức cơ bản về các loại vũ khí, thuốc nổ và chiến thuật quân sự.

 

Nghiên cứu còn trích nguyên văn một số đoạn trong các cuốn sách giáo khoa. Trong đó có một đoạn trong cuốn sách dành cho học sinh lớp 8 nói, Chúa đem “Thiên đường đến cho những ai trở thành cảm tử quân chiến đấu vì Chúa. Tử vì đạo là một chiến thắng vĩ đại”.

 

Trong khi đó, một viện sĩ người Mỹ chuyên nghiên cứu về Iran và Hồi giáo và một người Iran từng là giáo viên cho rằng sách giáo khoa chính là sự phản chiếu của lịch sử Iran và một chút gì đó của lịch sử phương Tây chứ không định cố biến học sinh thành những kẻ khủng bố.

 

Các cuốn sách giáo khoa tập trung vào việc giảng dạy về cố Giáo chủ Ayatollah Ruhollah Khomeini - người đã lãnh đạo cuộc cách mạng Hồi giáo lật đổ chế độ Shah do Mỹ hậu thuẫn tại Iran năm 1979. Ngoài ra, các cuốn sách nhiều lần gọi Mỹ là “Quỷ Satan lớn” (Great Satan), là “Kẻ phá hoại thế giới”, “Kẻ ngạo mạn” và gọi Israel là “chế độ chiếm cứ Jerusalem - Vùng đất thánh”.

 

Hiện chưa có phản ứng hay bình luận gì của các quan chức Iran về kết luận nghiên cứu trên.

 

Công trình nghiên cứu đã phân tích 95 cuốn sách giáo khoa và 20 cuốn giáo án phục vụ công tác giảng dạy tại các trường công ở Iran. Ông Groiss cho biết chương trình giảng dạy “phản ánh sự hiếu chiến của Iran nên sẽ là hồi chuông cảnh báo cho những ai ưa chuộng hòa bình và ổn định”.

 

Tuy nhiên, nghiên cứu cũng khẳng định rằng về cơ bản các cuốn sách không phủ nhận văn hóa phương Tây, không có thái độ thù địch đối với các tín ngưỡng khác (ngoài đạo Hồi) và cũng không nói rằng mọi người nên cải đạo thành người Hồi giáo.

 

Bà Shireen T. Hunter, một chuyên gia nghiên cứu đạo Hồi và Iran của Trung tâm nghiên cứu Hồi giáo-Cơ đốc giáo, thuộc Đại học Georgetown ở Washington, Mỹ, cho rằng thật là sai lầm khi mô tả các cuốn sách giáo khoa của Iran là “giáo trình đào tạo khủng bố”. “Theo một khía cạnh nào đó, các cuốn sách chỉ đơn thuần phản ánh sự ngờ vực đối với chính sách và động cơ của các cường quốc thuộc Thế giới thứ ba - những nước mà họ coi là hiện thân của chủ nghĩa thực dân mới.

 

Tehran, Mostafa Mirzaian, một nhà nghiên cứu chính trị tự do đã làm giáo viên trung học ở  Iran từ những năm 80, cũng đồng tình với ý kiến này. “Việc một chính phủ, hình thành sau cuộc cách mạng chống phương Tây và đã trải qua cuộc chiến tranh kéo dài 8 năm với Iraq, đưa những nội dung như vậy vào giảng dạy trong trường học là hết sức bình thường,” ông nói. Ông khẳng định rằng các cuốn sách giáo khoa chẳng gây hậu quả gì nghiêm trọng và dẫn chứng bằng việc các đô vật người Mỹ đã được thanh thiếu niên Iran nhiệt liệt chào đón khi họ đến Iran thi đấu hồi tháng 1. Thêm nữa, không hề có cuộc tấn công nào đối với cộng đồng 25.000 người Do thái ở Iran.

 

Việc công bố kết quả nghiên cứu này là động thái mới nhất trong nỗ lực kêu gọi thay đổi nội dung sách giáo khoa ở các nước Hồi giáo. Kế hoạch này đang trong quá trình triển khai tại các nước Ai Cập, Jordan và Cô-oét nhằm chấm dứt việc nói xấu các tôn giáo khác ngoài đạo Hồi hay việc khuyến khích chủ nghĩa cực đoan và chủ nghĩa khủng bố. Hệ thống sách giáo khoa của Israel cũng đã được cải cách từ những năm 90 nhằm xóa bỏ thành kiến chống lại người Ảrập và thể hiện thái độ khách quan hơn đối với Palestin.

 

Nhật Linh

Theo AP