1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Du hành gia đổ bộ thành công xuống Hành tinh Đỏ giả tưởng

(Dân trí) - Sau 257 ngày ở trong khoang tàu thép, không cửa sổ và bị khóa kín, các nhà nghiên cứu trong dự án Mars500 ngày 14/2 đã đổ bộ xuống sao Hỏa giả tưởng, là một phòng phủ cát cấu tạo gần như sao Hỏa thật, cắm những lá cờ đầu tiên của nhân loại!

 

Du hành gia đổ bộ thành công xuống Hành tinh Đỏ giả tưởng - 1
Chuyến đổ bộ xuống "sao Hỏa" của các du hành gia ngày 14/2.

Đội du hành gia gồm toàn nam giới với 3 người Nga, 1 người Pháp, 1 người Italia – Colombia cùng 1 người Trung Quốc đã vào hệ thống module (khoang tàu) ở một trung tâm nghiên cứu vũ trụ tại Mátxcơva vào tháng 6 năm ngoái để bắt đầu chuyến du hành kéo dài 520 ngày và để nghiên cứu xem họ đối phó với điều kiện tách biệt, khắc nghiệt trong chuyến du hành vũ trụ thực như thế nào. Tuy nhiên, có một điều khác biệt là họ vẫn được sống trong tình trạng có trọng lực.

 

Vào ngày 14/2, các nhà nghiên cứu trong bộ đồ du hành nặng 30kg đã có chuyến đổ bộ xuống “sao Hỏa”, được mệnh danh là hành tinh Đỏ, nhưng thực chất là một khoang tàu được lắp kế cận. Họ cắm cờ Nga, Trung Quốc và Cơ quan vũ trụ châu Âu, lấy “mẫu” từ bề mặt “sao Hỏa” và tiến hành những cuộc thử nghiệm khoa học giả tưởng.

 
Du hành gia đổ bộ thành công xuống Hành tinh Đỏ giả tưởng - 2
Đông đảo phóng viên dõi theo sự kiện này qua một màn hình lớn ở Trung tâm điều khiển sứ mệnh không gian Korolev, bên ngoài Mátxcơva.
 

“Tất cả các hệ thống đang hoạt động bình thường. Phi hành đoàn đều cảm thấy ổn”, Vitaly Davydov, phó giám đốc cơ quan vũ trụ Nga cho hay.

 

Davydov cho rằng cuộc thử nghiệm đóng vai trò rất quan trọng để chuẩn bị cho chuyến bay tới sao Hỏa trong tương lai, dự đoán được sứ mệnh thực sự có thể diễn ra như thế nào trong vòng khoảng 20 năm nữa. Tuy nhiên, sứ mệnh đổ bộ sao Hỏa thực chỉ được thực hiện nếu có sự hợp tác quốc tế.
 
 
Du hành gia đổ bộ thành công xuống Hành tinh Đỏ giả tưởng - 3
Hình ảnh về cơ sở cách ly của Mars500
 

Cuộc thử nghiệm đang được tiến hành ở Viện các vấn đề y học và sinh vật học ở Mátxcơva, cùng phối hợp với Cơ quan vũ trụ châu Âu và trung tâm huấn luyện vũ trụ của Trung Quốc.

 

Martin Zell, một quan chức thuộc Cơ quan vũ trụ châu Âu giám sát cuộc thử nghiệm, gọi sứ mệnh giả tưởng này “là một tài sản lớn lao cho các cuộc khám phá vũ trụ của nhân loại trong tương lai, cho tham vọng của con người cuối cùng có thể bay tới hành tinh Đỏ”.

 

Cơ sở ở tây Mátxcơva bao gồm các ngăn sinh hoạt lớn bằng một chiếc xe buýt, được kết nối với nhiều khoang khác để thử nghiệm và luyện tập. Hình ảnh video về cuộc đổ bộ được trình chiếu trên một màn hình lớn ở Trung tâm điều khiển sứ mệnh không gian của Nga ở Korolyov bên ngoài Mátxcơva, được dùng để điều khiển các sứ mệnh không gian có người lái lên trạm vũ trụ quốc tế.

 
Du hành gia đổ bộ thành công xuống Hành tinh Đỏ giả tưởng - 4
Các thành viên của nhóm du hành gia Mars500 trước khi bắt đấu chuyến "du hành" hồi tháng 6 năm ngoái.
 

Các nhà điều hành cho biết cuộc thử nghiệm có thể bị dừng vì lý do y tế hoặc kỹ thuật, hoặc nếu một số người tham gia yêu cầu dừng. Song cho đến nay nhóm tham gia vẫn chống chọi được. Họ liên lạc với các nhà điều hành và gia đình qua internet, song cũng bị gián đoạn và ngắt quãng y như một cuộc du hành thực sự. Ngoài ra, họ ăn thực phẩm đóng hộp giống như các nhà du hành vũ trụ trên Trạm vũ trụ quốc tế (ISS). Được biết, mỗi người tham gia sứ mệnh sẽ được trả khoảng 97.000USD.

 

Giám đốc chương trình thử nghiệm Igor Ushakov cho hay các thành viên tham gia hiện đang học ngôn ngữ của nhau, xem phim và chơi cờ trong thời gian rảnh.

 

 

Một cuộc thử nghiệm tương tự vào năm 1999-2000 cũng tại học viện trên đã bị thất bại do một phụ nữ Canada tham gia chương trình phàn nàn bị trưởng nhóm người Nga hôn. Cô cũng cho biết 2 thành viên người Nga đã đấm nhau khiến máu vấy lên các bức tường. Tuy nhiên giới chức Nga cho rằng những vụ việc trên là do khác biệt văn hóa và stress khi bị cách ly quá lâu.

  

Chuyến bay tới sao Hỏa thực sự vẫn còn xa tầm với của nhân loại nhiều thập niên nữa, do nguồ chi phí khổng lồ dành cho nó và những thách thức kỹ thuật vô cùng lớn, đặc biệt là việc tạo ra một tấm khiên để có thể bảo vệ được các nhà du hành khỏi những tia bức xạ chết người trong vũ trụ.

 

Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Obama tháng trước cho biết ông ước đoán sẽ đưa được du hành gia tới quỹ đạo sao Hỏa vào giữa những năm 2030.

 

Phan Anh

Theo AP