Tâm điểm
Nguyễn Văn Đáng

Ẩm thực cầy tơ thoái trào?

Nhân đọc bản tin "Đệ nhất phu nhân Hàn Quốc gây tranh cãi khi kêu gọi ngừng ăn thịt chó" trên báo Dân trí, tôi chợt nghĩ đến xu hướng dần quay lưng với món cầy tơ của người Việt. Đây chắc chắn vẫn là chủ đề gây tranh cãi trong xã hội chúng ta, nhưng việc người Việt ăn thịt chó ít dần đi là một xu hướng khá rõ trong hơn ba thập kỷ qua.

Thế hệ chúng tôi lớn lên trong thời bao cấp với những ám ảnh về sự thiếu thốn từ miếng ăn đến cái mặc. Vì thế, đến tận giữa những năm 1990 khi đi học đại học, việc được quây tụ bên mâm thịt chó vẫn là chuyện rất hiếm hoi mà chúng tôi thường chỉ có thể thực hiện mỗi khi ai đó trong nhóm bạn chơi cùng nhau được nhận học bổng. 

Bước qua những năm đầu tiên của thế kỷ 21, thịt chó vẫn là món ăn khá thịnh hành, minh chứng là sự đông đúc, làm ăn phát đạt của các cửa hàng thịt chó trên con phố Nhật Tân nổi tiếng ở Hà Nội. Khách hàng ăn thịt chó rất đa dạng, bất kể người giàu hay người nghèo, cán bộ lãnh đạo hay nhân viên, nghệ sỹ hay lao động tự do…Tất cả đều trở nên rôm rả hơn, vui vẻ hơn, bình dân hơn mỗi khi ngồi quanh mâm thịt chó, khác hẳn những bữa ăn với các loại thực phẩm khác. 

Ẩm thực cầy tơ thoái trào? - 1

Những chú chó bị nhốt trong lồng trước khi bị làm thịt đưa lên bàn nhậu. Ảnh: Phi Hùng

Ở một số địa phương thì thịt chó còn trở thành món ăn phổ biến, mà tên gọi đã gắn liền với địa danh cụ thể. Thậm chí có những nơi, cỗ bàn ngày hiếu hay giỗ chạp đều phải có món thịt chó để mời khách. Cách đây gần 20 năm, tôi đã từng hỏi một đồng nghiệp khi về viếng đám tang bố anh ở một tỉnh phía Bắc là sao lại mời anh em ăn thịt chó vào hôm nay? Anh trả lời rằng tục lệ ở đây như vậy, không làm không được.

Tôi chưa đọc một nghiên cứu cụ thể nào lý giải về thói quen và ý nghĩa của việc ăn thịt chó, cũng như những khác biệt địa phương liên quan đến ẩm thực thịt chó ở Việt Nam. Chỉ biết rằng, mọi người hay rủ nhau đi ăn thịt chó vào dịp cuối tháng, nhất là khi trời mưa để giải xui và lấy hên cho tháng mới. Chính tôi cũng đã từng nghĩ như thế, bên cạnh niềm hứng khởi xả láng "chất đạm", mỗi dịp đi ăn thịt chó cách đây hai thập kỷ.

Nhưng "ẩm thực cầy tơ" đã trải qua những biến đổi đáng kinh ngạc trong khoảng một thập kỷ gần đây. Những con phố chuyên thịt chó trở nên đìu hiu, gần như không còn được ai nhắc đến. Hiện nay, đi trên đường, rất hiếm khi nhìn thấy quán chuyên thịt chó và xu hướng này không chỉ diễn ra ở các thành phố lớn. Không ít lần, tôi cố tình để ý thì thấy những mâm thịt chó chặt ở các chợ dân sinh tại các địa bàn đô thị cũng rất thưa vắng khách.

Số liệu thống kê từ các cơ quan quản lý thú y địa phương, Hội chăn nuôi cho thấy từ năm 2018 trở lại đây, số lượng các cửa hàng kinh doanh thịt chó ở nước ta đã giảm rất mạnh. Còn theo báo cáo tình hình "Tiêu thụ thịt chó mèo năm 2021" của tổ chức phúc lợi động vật toàn cầu Four Paws, có đến 91% người tham gia khảo sát bày tỏ quan điểm ủng hộ chính sách cấm hoặc không khuyến khích buôn bán thịt chó, mèo; 88% người Việt ủng hộ cấm hẳn nạn buôn bán loại động vật này.

Sự thoái trào của "ẩm thực cầy tơ" là một biểu hiện điển hình về biến đổi xã hội mạnh mẽ ở Việt Nam trong khoảng hai thập kỷ gần đây. Tiến trình công nghiệp hóa, đô thị hóa, và hội nhập quốc tế sâu rộng đã dẫn đến những thay đổi về lối sống, quan niệm sống, hệ giá trị và chuẩn mực chi phối hành vi của mỗi cá nhân, trong đó có thói quen ẩm thực. Dễ thấy, cùng với sự suy giảm nhanh chóng của các quán thịt chó là sự phai nhạt, dần biến mất của những giá trị, quan niệm xã hội, thói quen hành vi vốn gắn với thịt chó. 

Tư duy hiện đại khiến người ta thật khó tin là ăn thịt chó có thể giúp giải xui, giúp gặp may mắn trong cuộc sống hay công việc. Việc tụ tập, bù khú bên mâm thịt chó mỗi khi trời mưa cũng trở nên kém hấp dẫn với nhiều người, vốn luôn phải vật lộn trong một xã hội ngày càng trở nên cạnh tranh và bận bịu. 

Không gian những quán thịt chó xôm tụ và ồn ã cũng dần bị xa lánh bởi những người đã quen với tác phong công nghiệp, ưa thích sự gọn gàng và trật tự. Trên tất cả, hình ảnh mâm thịt chó với một màu xám xỉn, đỏ tối thẫm dần đi kèm với những thông điệp không tích cực. Dù không ai nói ra nhưng chắc hẳn nhiều người sẽ không còn hứng thú với món thịt chó để tránh bị liên tưởng đến hình ảnh các bợm nhậu, thú vui lạc hậu, và kém nhân văn.

Ở chiều hướng ngược lại, trào lưu nuôi thú cưng đang lan rộng mạnh mẽ ở nước ta, nhất là  tại các đô thị. Trong danh sách thú cưng thì những chú cún đáng yêu luôn là đội hình chủ lực. Không thể tính nổi số lượng những hội, nhóm yêu thú cưng, mê cún, nghiện cún… được thành lập để chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc loại động vật dễ thương này. 

Những buổi "gặp mặt thú cưng" được tổ chức rôm rả, nơi trẻ em được thỏa sức nô đùa cùng những chú cún đủ giống, chủng loại, kích cỡ, màu sắc. Các bậc phụ huynh không chỉ được dịp thư giãn, tán gẫu mà còn có thể trực tiếp truyền cảm hứng cho con em họ về tính nhân văn, lòng yêu thương động vật, và còn hơn thế là ý thức và tình yêu thương giữa con người với con người. 

Trên bình diện kinh tế, cả một lĩnh vực kinh doanh chó cảnh đang ngày càng phát triển ở nước ta. Những cửa hàng thú cưng, thức ăn và phụ kiện, bệnh viện thú cưng… xuất hiện ngày càng nhiều. Dư luận xã hội trở nên phẫn nộ hơn mỗi khi có thông tin về các vụ trộm chó. Nếu các chủ lò mổ chó thất nghiệp hàng loạt thì một thực tế hiển nhiên là bác sỹ thú cưng ngày càng trở thành một công việc hái ra tiền. Tất cả mọi biểu hiện nêu trên đều cho thấy xu hướng "quay lưng với thịt chó" ở nước ta là không thể đảo ngược.

"Con không chê cha mẹ khó. Chó không chê chủ nghèo" - câu nói cửa miệng của người Việt để răn dạy con cái nhưng cũng đồng thời phản ánh vị thế đặc biệt của chó, với tư cách là loại động vật đặc biệt gần gũi với con người. 

Ám ảnh hơn, hiếm người Việt nào hiện nay không biết đến hình ảnh "Cậu Vàng" trong tác phẩm văn học kinh điển "Lão Hạc" của nhà văn Nam Cao. Nỗi day dứt của lão Hạc sau khi bán con chó yêu quý, người bạn bao năm bên mình, đã chuyển tải thông điệp về ứng xử nhân văn không chỉ trong quan hệ giữa con người với các loại vật nuôi gần gũi, mà hơn thế là giữa con người với con người.

Ăn thịt chó là một thói quen văn hóa ẩm thực đã hình thành từ lâu không chỉ ở nước ta. Bởi thế, sẽ không phù hợp để chúng ta đứng từ góc nhìn văn hóa này để phê phán một biểu hiện thuộc về nền văn hóa khác. Tuy nhiên, từ góc nhìn phát triển xã hội hướng đến văn minh thì sớm chấm dứt việc giết mổ chó, mèo và ăn thịt những động vật gần gũi, tình cảm đặc biệt với con người là việc nên làm. 

Chúng ta cần minh định rõ ràng loại động vật nào được dùng làm thực phẩm cho con người và những loại động vật nào thì cần phải được tôn trọng, bảo vệ. Làm như thế, chúng ta sẽ từng bước xóa bỏ được nỗi ám ảnh "gì cũng ăn được" của thời đói kém, để hướng đến hình ảnh xã hội đầy đủ hơn và văn minh hơn.

Giảm thiểu, tiến tới từ bỏ được thói quen ăn thịt chó cũng sẽ góp phần đẩy lui những lập luận rằng chỉ ăn thịt "chó cỏ". Nhờ đó, những lò giết mổ chó đầy ám ảnh hay nạn trộm chó cũng sẽ giảm thiểu và thói quen nuôi chó thả rông tiềm ẩn nhiều nguy cơ sẽ từng bước được hạn chế.

Tác giảÔng Nguyễn Văn Đáng có bằng tiến sĩ Quản trị công và chính sách từ trường Quản lý nhà nước Mark O. Hatfield, Đại học Portland State, Mỹ. Hiện ông công tác tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!