Chuyên gia văn hóa: “Tôi thấy ăn thịt chó rất phản cảm…”

(Dân trí) - Nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu văn hóa cho rằng việc ăn thịt chó không chỉ có nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm mà còn rất phản cảm bởi đây là loài vật trung thành, quấn quýt với con người…

Mới đây, UBND TP Hà Nội có văn bản khuyến cáo người dân nên từ bỏ thói quen ăn thịt chó, mèo. TP Hà Nội cho rằng, những người tham gia giết mổ và sử dụng thịt chó, mèo còn có nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm như: bệnh dại, tả, xoắn khuẩn...

Việc kinh doanh, giết mổ, sử dụng thịt chó, mèo gây ra những hình ảnh phản cảm đối với du khách quốc tế và người nước ngoài đến làm việc, sinh sống tại Hà Nội, làm ảnh hưởng đến hình ảnh thủ đô văn minh hiện đại.

Khuyến cáo này ngay lập tức đã gây ra tranh cãi trái chiều trong dư luận. Bên cạnh những ý kiến ủng hộ thì nhiều ý kiến khác lại phản đối. Bởi họ cho rằng việc ăn thịt chó là quyền tự do, là nhu cầu của con người cũng giống như việc ăn thịt các loài vật khác.

Những chú chó bị nhốt trong lồng trước khi bị làm thịt đưa lên bàn nhậu. Ảnh: Phi Hùng
Những chú chó bị nhốt trong lồng trước khi bị làm thịt đưa lên bàn nhậu. Ảnh: Phi Hùng

Trao đổi với PV Dân trí, nhà nghiên cứu Hà Nội Nguyễn Ngọc Tiến cho rằng, ông hoàn toàn ủng hộ khuyến cáo này. Việc không ăn thịt chó không chỉ phù hợp với nếp sống văn minh, hiện đại mà dưới góc độ văn hóa, còn giúp người dân nhận thức thêm về lòng nhân ái, phù hợp với quy luật yêu vạn vật thiên nhiên, đặc biệt chó lại là con vật trung thành, quấn quýt với con người.

Theo ông Tiến, thực tế, việc cấm giết mổ, ăn thịt chó từng được người Pháp áp dụng ở Hà Nội những năm cuối thế kỷ 19. “Thời điểm đó, Hà Nội là thuộc địa của Pháp mà quy định của Pháp khi ấy là không được giết mổ, ăn thịt chó, bất cứ ai không tuân thủ đều phải chịu sự trừng phạt nghiêm của pháp luật”, ông Tiến nói.

Trước luật cấm gắt gao, người Hà Nội hầu hết từ bỏ thói quen ăn uống này. Các cửa hàng giết mổ, buôn bán thịt chó vì thế cũng đóng cửa.

Vào khoảng những 1936, phong trào Dân chủ Đông Dương, phát triển rầm rộ, nhiều điều khoản ở các nước thuộc địa trong đó có Việt Nam được nới rộng ra. Lúc này, ở Hà Nội việc ăn thịt chó cũng xuất hiện trở lại và chủ yếu được bán ở một số con phố như: Mã Mây, Hàng Lược... Tuy nhiên, số lượng người bán rất ít ỏi, người ăn cũng không phổ biến.

Đến những năm 1970, khi các quán bia mậu dịch quốc dân được mở bán đại trà, nhiều người dân ngoại thành Hà Nội (chủ yếu là dân vùng Nhổn) mang thịt chó chế biến sẵn vào các quán bia bán. Lúc này, việc ăn thịt chó vì thế cũng được nhiều người hưởng ứng.

Thực tế, việc cấm giết mổ, ăn thịt chó từng được người Pháp áp dụng ở Hà Nội những năm cuối thế kỷ 19. Ảnh: Phi Hùng
Thực tế, việc cấm giết mổ, ăn thịt chó từng được người Pháp áp dụng ở Hà Nội những năm cuối thế kỷ 19. Ảnh: Phi Hùng

Tuy nhiên, phải đến những năm đầu thập niên 90, phong trào ăn thịt chó mới phát triển rầm rộ, thành phong trào. Nổi tiếng nhất là phố Nhật Tân với khoảng 50 hàng, mở bán san sát từ sáng đến đêm khuya. Phố thịt chó này được người Hà Nội mệnh danh là “kinh đô thịt chó” và gọi với cái tên là Liên hiệp thịt chó Nhật Tân.

Tuy nhiên, con phố này cũng chỉ tồn tại trong khoảng 5-6 năm rồi tàn lụi. “Nguyên nhân tan rã của phố thịt chó nức danh Hà Nội là do nhận thức của người dân thay đổi, nhu cầu thị trường giảm, dẫn đến các cửa hàng thịt chó này cũng phải tự đóng cửa, giải thể”, ông Tiến lý giải.

Hiện nay, theo ông Tiến ở Hà Nội việc ăn thịt chó đã thay đổi rất nhiều. Trong các con phố cổ, nội thành rất khó để tìm được các quán nhậu, nhà hàng bán món ăn này.

“Nhiều người hiện nay không thích ăn thịt chó bởi họ nhận ra việc ăn thịt một con vật quấn quýt, trung thành với mình là rất tội nghiệp, chứ không phải do người phương Tây không thích. Qua nghiên cứu tôi thấy rằng, những người ở nông thôn, ngoại thành có xu hướng ăn thịt chó nhiều hơn những người ở nội thành”, ông Tiến nói.

Cũng theo nhà nghiên cứu này, việc ăn thịt chó không phải là tục lệ mà chỉ là thói quen, được truyền từ đời này, sang đời khác. Thịt chó cũng không phải là đặc sản như nhiều người bao biện. Bởi đặc sản để chỉ những cái quý, hiếm còn thịt chó thì dễ chế biến, ai cũng có thể làm và mua được. Hiện nay việc ăn thịt chó trong khu vực nội thành đã giảm rõ rệt, nên kể cả có quy định cấm theo ông Tiến vẫn có thể thực hiện được.

“Việc thuê các cửa hàng làm quán thịt chó trong nội thành rất khó vì thịt chó rất mùi, giá lại cao, nên kể cả không cấm thì các cửa hàng này cũng tự phải đóng cửa”, ông Tiến khẳng định.

Trong khi đó, Giáo sư Hoàng Chương, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu văn hóa truyền thống cũng cho rằng, mong muốn của Hà Nội trong việc hạn chế người dân ăn thịt chó là rất đúng đắn. Bởi theo ông Chương, hiện nay chúng ta đã hội nhập. Hà Nội có rất nhiều du khách nước ngoài đến tham quan, du lịch do đó hình ảnh và ẩm thực cũng phải thay đổi theo hướng văn minh hơn để gây thiện cảm với họ, một trong số đó chính là bỏ thói quen giết, mổ và ăn thịt chó.

“Thịt chó mặc dù được nhiều người gọi là món ẩm thực đặc sản có từ lâu đời, thậm chí ở Hà Nội có hẳn một làng nổi tiếng về thịt chó như Nhật Tân nhưng đây không phải món ăn hay ẩm thực truyền thống mà chúng ta không thể bỏ”, ông Chương nhấn mạnh.

Giám đốc Trung tâm nghiên cứu văn hóa truyền thống cũng cho rằng, việc ăn thịt chó, mèo không đơn thuần gây phản cảm mà còn có nguy cơ lây nhiễm nhiều bệnh tật. “Trong văn hóa phương Đông và Việt Nam, chó được coi là con vật trung thành với chủ, thậm chí ở một số đền miếu người ta còn thờ chó đá để giữ cửa.

Ở phương Tây, chó được coi như người bạn thân cận, khi chết người ta đem đi chôn, đối xử như người thân. Do đó khi thấy người dân chúng ta ăn thịt chó họ thấy rất phản cảm và cho rằng chúng ta ăn thịt ngay cả bạn của mình”, Giáo sư Hoàng Chương chia sẻ.

Hiệp Nguyễn