Quy trình bầu, phụ cấp mới nhất của trưởng thôn, tổ trưởng dân phố

Lê Thanh Xuân

(Dân trí) - Quy trình bầu, cho thôi làm trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố theo Nghị định 59/2023/NĐ-CP ngày 14/8/2023 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Thông báo cho nhân dân 7 ngày trước bầu cử

Chính phủ mới ban hành Nghị định số 59/2023/NĐ-CP hướng dẫn Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, trong đó có quy định quy trình bầu trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố. 

Về công tác chuẩn bị, Chủ tịch UBND cấp xã ban hành quyết định tổ chức bầu trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố.

Đơn vị này cùng với Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã xây dựng kế hoạch, hướng dẫn nghiệp vụ, tổ chức triển khai kế hoạch chậm nhất 20 ngày trước ngày tổ chức cuộc họp của cộng đồng dân cư để bầu trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố.

Ban hành quyết định thành lập Tổ bầu cử chậm nhất 10 ngày trước ngày tổ chức cuộc họp của cộng đồng dân cư để bầu trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố sau khi thống nhất với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã.

Các quyết định phải được thông báo đến nhân dân ở thôn, tổ dân phố, niêm yết tại nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng của thôn, tổ dân phố và thông báo trên hệ thống truyền thanh… chậm nhất 7 ngày trước ngày bầu cử.

Trưởng ban công tác Mặt trận ở thôn, tổ dân phố tổ chức cuộc họp Ban công tác Mặt trận ở thôn, tổ dân phố dự kiến danh sách người ứng cử trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố.

Đơn vị này báo cáo cấp ủy chi bộ thôn, tổ dân phố để thống nhất giới thiệu ít nhất 1 người ra ứng cử trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố.

Tổ chức cuộc họp Ban công tác Mặt trận ở thôn, tổ dân phố sau khi có ý kiến của chi ủy chi bộ thôn, tổ dân phố để quyết định danh sách chính thức những người ứng cử (ít nhất 1 người).

Tổ bầu cử triệu tập và chủ trì cuộc họp bầu trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố.

Người chủ trì cuộc họp tuyên bố lý do, giới thiệu đại biểu; thông qua chương trình cuộc họp; giới thiệu người làm thư ký cuộc họp.

Đại diện Ban công tác Mặt trận ở thôn, tổ dân phố giới thiệu danh sách người ứng cử do Ban công tác Mặt trận ở thôn, tổ dân phố đã thống nhất với cấp ủy chi bộ thôn, tổ dân phố và đề nghị đại diện hộ gia đình tham dự cuộc họp tự ứng cử/đề cử người có đủ tiêu chuẩn để tham gia bầu.

2 hình thức biểu quyết

Lựa chọn biểu quyết bằng hình thức giơ tay hoặc bỏ phiếu kín để người tham dự biểu quyết lựa chọn.

Khi biểu quyết giơ tay, kết quả biểu quyết được kiểm đếm ngay tại thời điểm biểu quyết và được ghi vào biên bản cuộc họp.

Biểu quyết bằng bỏ phiếu kín, người chủ trì cuộc họp đề xuất số lượng và danh sách Ban kiểm phiếu từ 3 đến 5 người (gồm Trưởng ban và các thành viên) để đại diện hộ gia đình tham dự cuộc họp biểu quyết bằng hình thức giơ tay.

Ban kiểm phiếu hướng dẫn thể lệ, cách ghi phiếu, bỏ phiếu và tiến hành phát phiếu. Sau khi kết thúc bỏ phiếu, Ban kiểm phiếu tiến hành kiểm phiếu và lập biên bản kiểm phiếu. Trưởng ban kiểm phiếu công bố kết quả kiểm phiếu tại cuộc họp.

Người chủ trì cuộc họp công bố kết quả biểu quyết đối với từng nội dung biểu quyết và kết luận cuộc họp. Quyết định của cộng đồng dân cư được thể hiện bằng các hình thức văn bản: Nghị quyết, biên bản cuộc họp, bản ghi nhớ, bản thỏa thuận của cộng đồng dân cư trong đó thể hiện rõ nội dung quyết định của cộng đồng dân cư.

Ngay sau khi cuộc họp kết thúc, người chủ trì cuộc họp có trách nhiệm hoàn thiện hồ sơ cuộc họp, chậm nhất 5 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc cuộc họp, quyết định đã được cộng đồng dân cư biểu quyết thông qua phải được gửi đến UBND cấp xã, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã.

Chế độ phụ cấp ra sao?

Tại Khoản 2 Điều 34 Nghị định 33/2023/NĐ-CP, Chính phủ quy định chi tiết chế độ phụ cấp dành cho người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố từ ngày 1/7.

Theo đó, tại thôn, tổ dân phố có không quá 3 chức danh gồm Bí thư chi bộ, trưởng thôn hoặc tổ trưởng tổ dân phố, Trưởng Ban công tác Mặt trận.

Ba chức danh này được hưởng phụ cấp hàng tháng. Ngoài ra, người trực tiếp tham gia hoạt động ở thôn, tổ dân phố cũng sẽ được hưởng hỗ trợ hàng tháng.

So với quy định cũ, Nghị định 33/2023/NĐ-CP không chỉ tăng mức khoán quỹ phụ cấp cho người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố (từ 1,0 - 1,5 lần tùy vào từng địa bàn) mà còn bổ sung thêm hai địa bàn được hưởng mức khoán phụ cấp là 6 lần với tổ dân phố có từ 500 hộ gia đình trở lên và thôn từ 350 hộ gia đình trở lên chuyển thành tổ dân phố do thành lập đơn vị hành chính đô thị cấp xã.

Đây chỉ là mức khoán quỹ phụ cấp chung cho các chức danh trong đó có chức danh trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố. Để biết chính xác, mỗi trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố được hưởng bao nhiêu tiền phụ cấp trong quỹ khoán này thì cần phải xem xét quyết định của Hội đồng nhân dân cùng cấp.

Tuy nhiên, việc quyết định mức phụ cấp cho từng đối tượng phải đảm bảo tương quan với mức lương bậc 1 của công chức cấp xã có cùng trình độ đào tạo.