1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Tỷ phú Hoa kiều và triết lý kinh doanh

Không như giới thương gia phương Tây thích phô trương thanh thế qua những con số doanh thu hay lợi nhuận, các tỷ phú Hoa kiều gần như ém nhẹm tất cả thông tin dính dáng đến việc kinh doanh. Bí quyết cũng như kinh nghiệm chỉ được truyền thụ trong nội bộ gia tộc.

Xem kinh doanh như là nghệ thuật sống, các tỷ phú Hoa kiều có triết lý kinh doanh riêng của họ, dựa vào nền tảng triết học Nho giáo tồn tại từ bao thế kỷ qua. Bình tĩnh, quyết đoán, cần cù, thận trọng nhưng cũng rất liều lĩnh... là các yếu tố chính đem lại thành đạt cho các tỷ phú Hoa kiều

 

Patrick Wang - Giám đốc điều hành hãng Johnson Electric - đã tiếp thu những bài học kinh doanh đầu đời khi nghe bố mẹ bàn chuyện trong bữa ăn gia đình. Trước đây, khi thiết lập Johnson Electric, Wang Seng Liang - cha của Patrick - cũng chỉ giao chức Phó chủ tịch cho chính vợ của mình.

 

Cơ nghiệp đồ sộ của vua bất động sản Li Ka Shing hiện nay cũng đang được chuyển giao cho người con út Richard Li. Còn “vương quốc” hàng nhựa của Y.C. Wang hiện được cai quản bởi 8 người con, chưa kể em trai của Wang...

 

Thông thường, mọi quyết định cuối cùng do gia trưởng ban ra và được thực hiện cực nhanh, có khi chỉ trong vài giờ (so với hằng tháng trong các công ty phương Tây bởi các phiên họp hội đồng).

 

Kinh doanh là niềm đam mê dữ dội và cũng là niềm vui đối với họ. Kao Chin-yen, 68 tuổi, Phó chủ tịch Công ty President Enterprises có doanh thu 905 triệu USD/năm, từng nói: "Nếu doanh nghiệp chúng tôi sụp đổ, tôi sẽ tự tử".

 

Chẳng cần được đào tạo bài bản từ trường dạy kinh thương. Y.C. Wang - "vua" ngành nhựa người gốc Đài Loan - đã nghỉ học từ năm lớp 6, rồi sau đó lăn lộn ngoài trường đời để tự học phương pháp làm giàu. Bắt đầu làm ăn với khoản vay 670.000 USD vào năm 1957, Wang đã tạo dựng "đế quốc" hàng nhựa với doanh số bán 7 tỷ USD, tỷ lệ lợi nhuận trung bình hiện nay là 12%/năm.

 

Tự học làm giàu

 

Triết lý cơ bản của Wang: "Làm việc siêng năng và đừng bao giờ lãng phí tiền". Với quan niệm tương tự, vua bất động sản Hong Kong Li Ka Shing đang ngồi trên đống vàng nhưng vẫn đeo chiếc đồng hồ cũ kỹ giá chưa đến 100 USD.

 

Sự làm việc cần cù, liên tục học hỏi và niềm tin không lay chuyển vào mối ràng buộc gia đình là những nguyên tắc luôn được tôn trọng. Một điều rất khác biệt so với giới thương nhân phương Tây là các tỷ phú Hoa kiều rất tôn trọng lẫn nhau và luôn giang tay trợ giúp khi đồng nghiệp lâm vào cảnh khốn cùng. Họ tạo thành một cộng đồng chặt chẽ gồm những người chung ngôn ngữ, cùng nếp sống văn hóa và tinh thần say mê kinh doanh.

 

Kết nối và thắt chặt quan hệ kinh doanh bằng mối ràng buộc thông gia cũng là một trong những tập tục nổi bật trong cộng đồng Hoa kiều. Ông trùm Peter Woo của tập đoàn Wheelock chỉ thật sự tạo dựng cơ đồ từ sau khi cưới con gái vua hàng hải Y.K. Pao - người có đội tàu cho thuê lớn nhất thế giới trong thập niên 70.

 

Quyền lực chỉ nằm trong tay kẻ có tiền hoặc có thế lực chính trị. Các tỷ phú Hoa kiều biết rõ điều này và luôn tìm mọi cách vận dụng. Peter Woo hiện đóng vai trò cố vấn kinh tế cho chính phủ Bắc Kinh lẫn chính quyền Hong Kong. Woo còn quan hệ thân thiết với cựu Tổng thống Mỹ George Bush, hoàng tử xứ Wales của Vương quốc Anh và là ủy viên quản trị gốc Á đầu tiên của Đại học Columbia (Mỹ), nơi ông đã lấy bằng MBA.

 

Tìm người “nối ngôi”

 

Các tỷ phú Hoa kiều luôn nghĩ đến việc giao cơ nghiệp mà họ đã suốt đời tạo dựng lại cho con trưởng. Nhưng không chỉ tin vào lời đề nghị của đám cận thần (hội đồng quản trị), các ông vua không ngai thời nay thích thử thách khả năng kẻ nối ngôi bằng cách giao công việc cụ thể.

 

"Đó là phương pháp kiểm nghiệm chính xác nhất" - ông trùm bất động sản của Công ty Henderson Land ở Hong Kong Lee Shau Kee nói, khi chuẩn bị thử thách người con trưởng Peter K.K. Lee. Sứ mạng đầu tiên mà Peter được giao là tìm bất động sản tại Texas (Mỹ). Thay vì tìm khu đất nào đó, Peter lại mua và nâng cấp vài nghìn căn hộ rải rác tại Houston, Dallas và San Antonio.

 

Với số tiền đầu tư ban đầu 230 triệu USD, hiện nay Peter thu được 13 - 14% tiền lãi mỗi năm từ việc cho thuê. Khi thân chinh sang Mỹ kiểm nghiệm, ông vua Lee rất hài lòng với thành tích mà kẻ nối ngôi mình đạt được.

 

Phối hợp nhịp nhàng giữa các kỹ thuật kinh doanh phương Tây và sức mạnh truyền thống gia đình phương Đông cũng là một trong những triết lý mà giới cự phú Hoa kiều đang áp dụng.

 

Đại gia đình họ Fung là một ví dụ. Phát triển rộng lớn, có mặt tại châu Âu và Mỹ, với các ngành kinh doanh chủ yếu là đồ chơi, quần áo và hàng tiêu dùng, doanh nghiệp nhà họ Fung hoàn toàn nằm trong tay hàng chục thành viên gia tộc (được ông nội sáng lập năm 1905). Bất cứ ai trong gia tộc Fung muốn làm việc trong hệ thống doanh nghiệp đại gia này đều được chấp thuận, nhưng hoàn toàn không nhận được kế hoạch hỗ trợ tài chính cũng như không được chia bất cứ tiền lãi cổ phần nào. Tự thân mỗi người phải cố gắng.

 

Theo Người Lao Động