1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Tương lai Boeing 787 Dreamliner là... chất dẻo

Trong trung tâm phát triển của hãng Boeing ở Seattle (Mỹ), tương lai của ngành sản xuất máy bay dân dụng đang hình thành. Đó là chất dẻo. Hãng chế tạo máy bay Boeing tin rằng chiếc 787 Dreamliner có thể thay đổi ngành công nghiệp hàng không và giúp họ cạnh tranh được với đối thủ truyền kiếp Airbus.

Nằm ngay giữa tòa nhà được bảo vệ cẩn mật này là 3 thân máy bay khổng lồ – toàn bộ được làm bằng một chất tổng hợp gọi là chất dẻo sợi carbon được gia cố.

Các kỹ sư đang vây quanh thân máy bay, tìm kiếm những khiếm khuyết có thể làm suy yếu vật liệu rất mỏng nhưng vô cùng rắn chắc này. Tại một góc của tòa nhà, một số kỹ sư khác đang chế tạo chiếc cánh máy bay lớn nhất thế giới làm bằng chất dẻo tổng hợp nói trên.

Chưa từng bao giờ mà chất dẻo tổng hợp được sử dụng nhiều trong việc chế tạo máy bay như ở chiếc 787 Dreamliner. Dù được sử dụng rộng rãi trong việc chế tạo máy bay quân sự và máy bay nhỏ, nhưng chất dẻo tổng hợp chưa xuất hiện nhiều trong máy bay dân dụng lớn.

Chiếc 777 của Boeing chỉ có 11% bộ phận làm bằng chất dẻo tổng hợp, phần lớn nằm ở phần đuôi. Tuy nhiên, với chiếc 787, chất dẻo tổng hợp dự kiến sẽ chiếm 50% toàn bộ vật liệu dùng để chế tạo nó.

Alan R. Mullaly, Tổng Giám đốc Boeing, nói: “Chúng tôi luôn muốn dùng chất dẻo tổng hợp trong việc chế tạo máy bay. Nhưng mãi đến gần đây, giá cả của loại vật liệu này mới trở nên cạnh tranh hơn với nhôm”. James C. Seferis, giáo sư vật liệu tại Đại học Washington, nhận định rằng vật liệu tổng hợp đang thay đổi bộ mặt của ngành công nghiệp hàng không, vốn đang dựa nhiều vào nhôm.

Sau 4 năm thua sút đối thủ truyền kiếp Airbus về mặt doanh số, Boeing nhận thấy rằng họ phải áp dụng công nghệ mới trong việc sản xuất máy bay để có thể thu hút sự chú ý của các hãng hàng không đang gặp khó khăn về tài chính. Cho đến nay, chiến lược táo bạo trên của Boeing có vẻ đang đi đúng hướng.

Đầu tuần này, Boeing đến tham dự triển lãm hàng không Paris ở Pháp với 266 đơn hay cam kết đặt hàng chiếc 787 của 21 khách hàng, khiến chiếc máy bay này trở thành một trong những chiếc máy bay thương mại được tiêu thụ nhanh nhất trong lịch sử.

Có nhiều lý do khiến chiếc 787 được bán nhiều đến thế, trong đó có yếu tố giá cả. Chỉ với khoảng 120 triệu USD – tương đương với giá của một chiếc Boeing 767-300 vào đầu những năm 1980 - khách hàng có trong tay một chiếc máy bay hoàn toàn mới, bay nhanh hơn các đối thủ trong khi tiêu thụ nhiên liệu ít hơn do chất dẻo tổng hợp nhẹ hơn nhôm.

Các máy bay được làm bằng chất dẻo tổng hợp đòi hỏi ít bộ phận hơn nhiều nên công việc lắp ráp cũng nhẹ hơn. Ngoài ra, theo Boeing, chiếc 787 sẽ khiến hành khách cảm thấy thoải mái hơn do khoang hành khách có khả năng chịu được áp suất cao nên việc điều khiển nhiệt độ, độ ẩm và sự thông gió trở nên dễ dàng hơn.

Trong khi đó, các cuộc kiểm tra định kỳ máy bay làm bằng vật liệu tổng hợp - vốn bền hơn nhôm – có thể sẽ ít đi, giúp các hãng hàng không tiết kiệm một khoảng thời gian và chi phí đáng kể.

Vấn đề lớn hiện nay là liệu Boeing có thể sản xuất hàng loạt những bộ phận máy bay làm bằng chất dẻo tổng hợp để có thể giao hàng đúng thời hạn đã cam kết hay không. Hãng này đang phải đối mặt với một số vấn đề nảy sinh kể từ khi việc sản xuất thử nghiệm bắt đầu từ 6 tháng qua.

Chẳng hạn như việc chế tạo một bộ phận làm bằng vật liệu tổng hợp thường là một quá trình thủ công và diễn ra chậm, trong khi chất lượng phụ thuộc vào trình độ của những công nhân lành nghề.

Tuy nhiên, phần lớn công việc chế tạo những bộ phận của chiếc 787 phải hoàn toàn tự động. Điều này khiến một số đối tác sản xuất và nhà cung cấp vật liệu của Boeing lo ngại về vấn đề chất lượng.

Dù vậy, Micheal B. Blair, Phó Chủ tịch của chương trình 787, vẫn tỏ ra lạc quan: “Việc sản xuất đúng thời hạn số lượng 787 theo đơn đặt hàng là một thách thức lớn nhưng chúng tôi tin rằng mình sẽ làm được”.

Người lao động (Theo BusinessWeek)