1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Hàng không vào cuộc đua vé giá rẻ

(Dân trí) - Bắt nhịp cùng các doanh nghiệp trong cuộc đua hội nhập, ngành hãng hàng không trong nước cũng lao vào cuộc đua khai thác thị trường. Việc Vietnam Airlines (VNA) công bố chính sách đa dạng hoá giá vé mới đây là minh chứng rõ nhất cho cuộc đua đang ngày càng khốc liệt này.

Từ ngày 15/3, VNA áp dụng thêm các loại giá mới trên một số đường bay địa phương như Đà Lạt, Phú Quốc, Nha Trang… Với chính sách này, thay vì chỉ có một mức giá hành khách có 3 loại giá để lựa chọn (giá phổ thông linh hoạt – L, giá phổ thông – M, giá tiết kiệm – R). Mức giá cao nhất không có điều kiện hạn chế, hành khách có thể thay đổi hành trình, đổi ngày bay, chuyến bay mà không phải trả thêm bất cứ khoản lệ phí nào.

Điều đáng lưu ý nhất trong chính sách đa dạng hoá giá vé vừa được VNA công bố là “thượng đế” có thể mua nhiều loại giá tiết kiệm được giảm tới 25% so với loại giá phổ thông linh hoạt.

Các mức giá tiết kiệm này đòi hỏi khách phải mua vé sớm ít nhất 5 ngày trước ngày khởi hành. Tổng cộng VNA mở bán 26.000 chỗ đối với mức giá tiết kiệm (không áp dụng vào các giai đoạn cao điểm 30/4 và 1/5). Động thái này được nhìn nhận như “đáp lại” giá vé siêu rẻ mà Pacific Airlines (PA) vừa công bố cách đây chưa lâu.

Chạy đua giá vé rẻ

Trước đó cú nước rút đầu tiên trên thị trường vé giá rẻ các tuyến nội địa thuộc về PA, từ 13/2, PA bán vé qua mạng và trở thành hãng hàng không giá rẻ đầu tiên của Việt Nam với năm mức giá vé khác nhau cho các đường bay. Tuyến TPHCM-Hà Nội sẽ có các mức vé từ 150.000 đồng - 250.000 đồng/vé, tới 1,1-1,5 triệu đồng/vé và không ít vé bay giá dưới 20.000 đồng/vé.

Động thái của PA cho thấy đây là một bước đi thích hợp trong quá trình tái cơ cấu hãng hàng không này. Tuy nhiên, bước đi này có vẻ hơi chậm khi ngay tại thị trường Việt Nam, các hãng hàng không châu Á khác như Tiger Airways hay AirAsia đã “dạn dày” từ một vài năm nay.

Tiger Airways bắt đầu khai thác các đường bay giá rẻ ở châu Á từ tháng 9/2004 và đầu tháng 2/2005 chính thức mở đường bay Việt Nam-Singapore với giá vé 25 USD (tương đương với 375.000 đồng). Thai AirAsia chậm chân hơn một chút khi có mặt ở Việt Nam, vào khoảng tháng 10/2005 nhưng cũng đưa ra mức giá vé là 25 USD/vé cho các chuyến bay Hà Nội-Băng Cốc và ngược lại.

Kỳ phùng địch thủ

Gần như ngay khi PA tuyên bố sẽ bán những chiếc vé tuyến nội địa giá rẻ đầu tiên, VNA cũng lập tức tiết lộ về một việc thực hiện chiến lược đa dạng hoá giá vé trên tất cả các đường bay nội địa thay vì chỉ áp dụng trên các tuyến Hà Nội-TPHCM - Đà Nẵng.

Trong cuộc tiếp xúc với báo chí những ngày cuối năm Bính Tuất, ông Nguyễn Sỹ Hưng - Tổng Giám đốc VNA cho biết: Hãng cũng đã kiến nghị Chính phủ cho phép nâng giá trần lên 2 triệu đồng/một chiều thay cho mức 1,5 triệu đồng như hiện nay. Như vậy, giá vé một chiều thấp nhất tuyến Hà Nội-TPHCM và ngược lại có thể chỉ là 800.000 đồng.

Để khẳng định quyết tâm “ăn thua” trên thị trường hàng không trong nước, một vị lãnh đạo của VNA một mặt khẳng định, hãng này không có kế hoạch trở thành một hãng hàng không giá rẻ, tuy nhiên vẫn để ngỏ khả năng hình thành một công ty con khai thác hàng không giá rẻ.

Theo thông tin mới nhất từ VNA, từ 1/4/2007 giá vé Hạng Thương gia trên các đường bay trục nội địa của hãng này sẽ gồm 2 loại giá: giá hạng Thương gia linh hoạt (CVN) và giá hạng Thương gia có điều kiện (DVN), tuy hưởng cùng một hạng dịch vụ nhưng giá CVN có khả năng đáp ứng về chỗ sát ngày bay, không có điều kiện hạn chế, còn giá DVN (thấp hơn giá CVN khoảng 18%) dành cho các hành khách có kế hoạch mua sớm, khi đổi hành trình sẽ nộp lệ phí 100.000 đồng.

Phúc Hưng