1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Chợ quê ngày Tết

(Dân trí) - Chợ Mai nằm ven con đường thiên lý 1A, đóng chân trên xã Hưng Thủy, lâu nay được giới làm ăn vùng huyện lẻ Lệ Thủy (Quảng Bình) coi là mảnh đất "năng động" nhất nhì chỉ sau đất huyện lỵ Kiến Giang.

Chợ Mai, đúng như tên gọi truyền thống của nó, họp từ khi gà gáy sớm, đến lúc mặt trời lên quá mái nhà là tan chợ.

Chẳng là dân cư quanh vùng chợ Mai đều thuần nông. Sáng sớm đi chợ, bán cân gạo, mua bó rau để về sớm ra đồng chăm lúa, bắt cá, trồng rau để mai có cái mà ra chợ bán. Đến nay vùng này đã thay đổi nhiều, nhưng cái nếp đó vẫn giữ xưa nay chưa đổi. Quá 9 giờ sáng, ai muốn đi chợ phải xuống Kiến Giang, còn buổi chiều thì phải đi chợ Hôm.

Chợ Mai không có cái gì nhưng không cái gì không có. Chỉ trong một cụm nhỏ như lòng bàn tay, mà cơ man hàng quá từ ăn nhậu, cà phê, bi-a, karaoke... đến nhiều thứ dịch vụ nói ra không tiện. Người phương xa tới, đi chợ Mai và nghe chuyện chợ Mai mới hiểu câu vè vui "Không đi không biết chợ Mai, Đi rồi mới biết lai rai... mai về"!

Cái thú chợ Mai nằm ở chỗ, những thú vui chơi hiện đại đều có và nhịp sống cũng dần nhanh lên nhưng cái cách làm ăn của các tiểu thương nơi đây vẫn rất chất phác. Cái chất phác có khi không thuần túy, nhưng lại rất dễ thương.

Người lạ bước chân vào chợ Mai là cả chợ biết. Chỉ cần ăn mặc trau chuốt một tí là dễ thành tâm điểm chú ý. Giá cả ở đây cũng tùy theo mặt người. Người quen mà "chặt chém" nhau một tí thì khó ăn khó nói, có khi còn bị cả chợ "tẩy chay" vì vài lời nói. Dải đất quanh chợ Mai bé xíu xiu, lời đồn loang nhanh như gió thổi.

Có bà đi chợ, mua nửa cân cá quả 30.000 đồng, đến chiều về kể với hàng xóm, nghe hàng xóm bảo sáng nay tôi cũng mua có 25.000 thôi. Thế là ra chuyện, sáng mai ra chợ cự nự, đòi lại bằng được 5.000 đồng mua hớ.

Còn khách lạ, có mua nửa cân 50.000 đồng cũng là chuyện thường tình. Càng ăn mặc đẹp thì khả năng mua hớ càng cao. Vì chợ Mai mỗi thứ một chút, mỗi thứ một hàng nên không có nhiều lựa chọn. Hơn nữa, tiểu thương đã thách giá tới 200% nhưng so với giá thực phẩm ở phố vẫn còn rất rẻ. Đến giá gửi xe máy, người trong vùng 1.000 đồng/xe, còn người lạ thì nghiễm nhiên phải 2.000 chẳng cần lời giải thích nào.

Chẳng là chợ Mai chủ yếu bán hải sản chở từ Ngư Thủy lên, bán gạo từ mấy xã lân cận xuống, bán rau và cá đồng từ Tân Thủy sang. Ngày trước, dân trong vùng thường đến vừa bán, vừa mua, thành ra mang tính đổi chác nhiều hơn là bán. Nay đã khác, khác mà vẫn giống.

Chợ Mai lắm tiểu thương, vì mỗi tiểu thương là một nông dân và nhà ai cũng có tí rau, tí cá, tí vịt, tí gà đem bán, bán cái mình thừa rồi mua cái mình thiếu. Thành thử ra mua nhiều, bán nhiều mà chẳng mấy ai giàu.

Đến Tết, chợ Mai cũng xôm hơn hẳn. Người dân quanh năm đầu tắt mặt tối, cuối năm cũng phải ra chợ mua quần sắm áo, tậu rượu thửa trà, đặt trầu điểm cau đón Tết. Ai có tiền thì mang tiền đi mua, ai không có thì lại bắt gà, trói vịt, nhổ rau, xúc gạo mang ra bán để mua rượu trà, kẹo bánh, áo quần cho cả nhà thưởng Tết. Giá cả vì thế mà cũng rục rịch tăng lên.

Rõ ràng hàng kẹo vừa hôm trước bán 20.000 đồng/ gói nay tăng lên 22.000 đồng. Cái áo thun đỏ vừa nói 50.000 hôm qua nay lại tăng lên 55.000 đồng. Nếu các tiểu thương ở phố có đủ lý do hợp lý giải thích cho sự tăng giá, từ phí vận chuyển tăng, đến "cháy hàng" hoặc hàng nhập vào cao, thì tiểu thương chợ Mai thường giải thích khá đơn giản: Tết mà.

Tết, con gà cũng lên giá, bơ đỗ cũng lên giá, mớ rau con cá cũng lên giá nên quần áo, bánh kẹo, rượu chè cũng lên là phải. Tết mà, mua đắt một tí vẫn vui. Vì trước khi mua đắt mình đã bán đắt.

Trước cửa chợ Mai có hàng cắt tóc anh Huy. Ngày thường anh cắt tóc nam (chẳng hiểu sao vùng này rất ít phụ nữ đi cắt tóc) 8.000 mỗi đầu. Nhưng Tết, cái gì cũng rục rịch tăng nên anh quyết định tăng giá lên 10.000 đồng/đầu. Tăng giá, nhưng ai cũng vui vẻ chấp nhận vì ai cũng muốn có đầu tóc mới đón Tết. Hơn nữa, mỗi năm cắt tóc có dăm lần, thêm 2.000 đồng chẳng mấy. Ai không có tiền, anh cho nợ ra giêng trả.

Nhưng chớ giữ cái đà lên giá đó đến ra giêng. Ra giêng là hết "Tết mà", bán đắt cho nhau thì mất mặt với cả chợ, bị tẩy chay như chơi. Ra Giêng, chợ Mai lại rẻ. Có đắt chăng thì là đắt với người lạ.
Chợ Mai là thế giới thu nhỏ của cả một vùng phía Đông Nam huyện Lệ Thủy. Người dân không chỉ mua bán sản vật, mà còn mua bán cái hồn quê tự nhiên chân chất.

Chợ Mai là thế, mua rẻ, bán rẻ. Đến Tết, chợ Mai lại mua đắt, bán đắt. Mua rẻ nhưng không ai giàu. Bán đắt, cũng chẳng nhà nào dư dả. Chẳng ai giàu nhưng cũng không thấy ai thiếu.

Thành thử, cái chợ bé xíu ở ven quốc lộ này vẫn tồn tại từ xưa nay, phục vụ nhu cầu mua bán đổi chác hàng ngày của cụm dân phía nam Lệ Thủy. Nó là một cái chợ có hồn.

Hồng Kỹ

Dòng sự kiện: Xuân Nhâm Thìn 2012