DNews

UAV: Thú vui giải trí người giàu trở thành vũ khí đáng sợ trong chiến tranh

Nam Đoàn

(Dân trí) - Những cỗ máy bay công nghệ cao này từ vai trò ban đầu là công cụ giám sát, trở thành tài sản không thể thiếu trong các hoạt động quân sự, thực hiện các cuộc tấn công chết người với độ chính xác cao.

UAV: Thú vui giải trí người giàu trở thành vũ khí đáng sợ trong chiến tranh

Phương tiện giám sát hiệu quả

Việc sử dụng máy bay không người lái trong chiến tranh xuất hiện từ đầu thế kỷ XX, chúng chủ yếu được sử dụng cho mục đích trinh sát.

Tuy nhiên, phải đến năm 1920, máy bay không người lái mới bắt đầu đóng vai trò lớn hơn trong các hoạt động quân sự nhờ tiến bộ công nghệ, cho phép chúng có phạm vi hoạt động, độ bền và khả năng tải trọng lớn hơn.

Cuộc xung đột Kosovo năm 1990 đánh dấu một bước ngoặt trong việc sử dụng máy bay không người lái, khi Mỹ và các đồng minh NATO phụ thuộc rất nhiều vào phương tiện bay để thu thập thông tin tình báo và nhận dạng mục tiêu kẻ thù. 

UAV: Thú vui giải trí người giàu trở thành vũ khí đáng sợ trong chiến tranh - 1
UAV: Thú vui giải trí người giàu trở thành vũ khí đáng sợ trong chiến tranh - 2

Hai loại vũ khí bay của Mỹ có tên là Predator hay Reaper là minh chứng về sự thống trị về mặt công nghệ trong chiến trường và cuộc xung đột tại Ukraine, cho thấy mối đe dọa từ máy bay không người lái đã chuyển sang một chiều hướng khác.

Trở lại năm 2002, ở bầu trời Afghanistan, có một thứ vũ khí ám ảnh giống như những con cá mập săn mồi ngoài đại dương.

Những chiếc máy bay không người lái như Hale hay Male của Mỹ, chúng được ví giống như con mắt của Sauron (nhân vật trong bộ truyện Chúa tể của những chiếc nhẫn) có thể nhìn thấy mọi thứ, vừa là thanh kiếm Damocles (trong cuốn sách cổ Tusculanae Disputationes nổi tiếng) có thể tấn công bất kỳ kẻ thù nào.

Trong gần hai thập kỷ, những cỗ máy biết bay này đã thực hiện hàng chục nghìn cuộc tấn công bằng tên lửa. Nó được trang bị kết nối vệ tinh, điều khiển trong thời gian thực và bay hàng chục giờ liền trên bầu trời Afghanistan, Iraq hay Pakistan, trong khi buồng lái của chúng vẫn được đặt tại căn cứ quân sự ở Nevada, Mỹ.

UAV: Thú vui giải trí người giàu trở thành vũ khí đáng sợ trong chiến tranh - 3

Lợi ích kép này khiến chúng từ lâu trở thành một công cụ đáng gờm để tiêu diệt có chủ đích kẻ thù không có ưu thế mà không gây nguy hiểm đến tính mạng của binh lính.

Dĩ nhiên, các quốc gia để có thể sở hữu được những cỗ máy linh hoạt và đầy sức mạnh này, phải chi ra một mức giá không hề nhỏ, điển hình như chiếc máy bay Reaper, có giá từ 15-30 triệu đô la. 

Tuy nhiên, con người chỉ mất khoảng 15 năm để máy bay không người lái từ một trong những loại vũ khí mạnh nhất trở thành công cụ cơ bản của hầu hết các lực lượng quân đội và vũ trang trên toàn thế giới. Đặc biệt là do sự xuất hiện của máy bay không người lái giải trí.

Đại chúng hóa thị trường

Đầu thập kỷ thứ 10 của thế kỷ 21, những chiếc flycam đầu tiên, dễ điều khiển dần xuất hiện trên kệ hàng thương mại các thiết bị điện tử giải trí. 

Nhà nghiên cứu Léo Péria-Peigné, Trung tâm Nghiên cứu An ninh Pháp, nhấn mạnh: "Về mặt hiệu suất, việc so sánh flycam với máy bay không người lái quân sự thuộc loại Predator hoặc Reaper, giống như một chiếc xe nặng 38 tấn với một chiếc xe đẩy tay". 

Nhưng những chiếc xe đẩy tay này sẽ làm đảo lộn chiến trường. Bởi vì, các công ty máy bay không người lái ngày càng sản xuất ồ ạt để đáp ứng nhu cầu thị trường giải trí. Tính đến năm 2013, người ta có thể mua được một drone, UAV hay flycam rất tinh vi với giá vài nghìn đô la.

UAV: Thú vui giải trí người giàu trở thành vũ khí đáng sợ trong chiến tranh - 4

UAV được sử dụng trong cuộc xung đột tại Ukraine (Ảnh: NPR).

Hầu hết, chúng hoạt động theo một nguyên tắc giống nhau, điều khiển bằng sóng vô tuyến, những cỗ máy này hoàn toàn có khả năng thực hiện các hoạt động trinh sát trong bán kính hơn một km, thực hiện tuần tra hoặc điều phối các hoạt động di chuyển của quân đội. 

Theo thời gian, công nghệ máy bay không người lái được tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI) và thuật toán học máy, đã cách mạng hóa cách sử dụng máy bay không người lái trong chiến đấu.

Những hệ thống tiên tiến này có thể phân tích lượng lớn dữ liệu trong thời gian thực, cho phép máy bay không người lái xác định mục tiêu, đánh giá các mối đe dọa và đưa ra quyết định một cách tự động.

Điều này không chỉ làm tăng hiệu suất và hiệu quả của hoạt động bay không người lái mà còn giảm nguy cơ sai sót của con người, có thể dẫn đến thương vong cho dân thường và những hậu quả không lường trước được khác.

Chính vì thế, máy bay không người lái nhanh chóng được các nhóm vũ trang trải nghiệm. 

Giám đốc Trung tâm Phân tích và Dự báo Rủi ro Quốc tế (CAPRI), Joseph Henrotin, nhớ lại: "Kể từ năm 2016, Boko Haram, tổ chức Hồi giáo có nguồn gốc từ Nigeria, đã đi trước một cách có hệ thống tất cả các cuộc tấn công này bằng việc trinh sát bằng máy bay không người lái". 

Về phần Nhà nước Hồi giáo (IS), máy bay không người lái được sử dụng để dẫn đường cho các phương tiện tự sát của họ, giúp vượt qua các rào chắn, đến các tòa nhà mà chúng muốn tấn công. 

Cái gai đối với quân đội các quốc gia

Hezbollah, nhóm Hồi giáo Shiite có trụ sở tại Lebanon, nhanh chóng sửa đổi và tích hợp vũ khí vào các máy bay bốn cánh thương mại để tham gia vào hoạt động chống lại những kẻ thù ở Syria. Từ đây, việc biến máy bay không người lái giải trí thành vũ khí lan rộng. 

Cuối năm 2016, Đảng Công nhân người Kurd, thả một quả lựu đạn vào hai binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ từ một máy bay trực thăng. 

Đây cũng chính là loại phương tiện, được lực lượng Hamas sử dụng để vô hiệu hóa các tháp an ninh ngăn cách Dải Gaza với phần còn lại của Israel, trong cuộc tấn công ngày 7/10 vừa qua.

UAV: Thú vui giải trí người giàu trở thành vũ khí đáng sợ trong chiến tranh - 5

Các mảnh vỡ của máy bay không người lái nằm rải rác trên mặt đất gần căn cứ không quân Ain al-Asad ở tỉnh Anbar, phía tây Iraq, ngày 4/1/2022 (Ảnh: AP).

Những cỗ máy này khó phát hiện và tiếp cận, ngay lập tức trở thành cái gai đối với quân đội thông thường.

Vào năm 2017, Tướng Mỹ Raymond Thomas bày tỏ: "Ở Iraq, chúng lang thang ngay bên trên khu vực căn cứ quân sự của Mỹ đặt tại nước này và phản ứng duy nhất của chúng tôi là bắn hạ bằng vũ khí hạng nhẹ".

Cho dù đó là một chiếc máy bay bốn cánh bỏ túi hay một chiếc máy bay không người lái có sải cánh khoảng chục mét, việc vô hiệu hóa chúng bằng vũ khí hạng nhẹ không phải là một điều dễ dàng. 

Quân đội Mỹ hiển nhiên có nhiều cách khác để đánh bại chúng, điển hình như hệ thống đất đối không rất hiệu quả, có thể phát hiện UAV từ màn hình radar và tiêu diệt chúng bằng tên lửa. 

Nhưng một trở ngại lớn chính là chi phí phát sinh. 

Theo các chuyên gia quân sự, việc bắn một loại đạn đắt tiền như vậy chống lại máy bay chiến đấu của đối phương là hợp lý, nhưng nếu sử dụng chúng để bắn UAV có giá vài nghìn đô, thậm chí ít hơn sẽ gây tốn kém cho quân đội rất nhiều. 

Điều này thậm chí còn tồi tệ hơn khi mối đe dọa mang hình thức một chiếc máy bay bốn cánh nhỏ có giá một trăm đô la. 

"Trong nhiều năm, chúng tôi nghĩ rằng, tên lửa đất đối không sẽ đủ để bảo vệ chúng tôi khỏi các mối đe dọa từ trên không, nhưng ngày nay chúng tôi nhận ra rằng, một khẩu pháo nhanh tầm ngắn có khả năng bắn đạn máy rẻ hơn nhiều với độ chính xác cao đã giúp bù đắp cho sự mất cân bằng này", ông tiếp tục.

Do đó, hệ thống đánh chặn trên không tầm ngắn, Gepard, bị coi là lỗi thời vào đầu những năm 2000, đã tìm thấy ứng dụng mới trong cuộc xung đột Nga-Ukraine như một vũ khí hiệu quả chống UAV.

Bởi vì, trong cuộc xung đột tại Ukraine, mối đe dọa từ máy bay không người lái đã chuyển sang một chiều hướng khác.

Xung đột Ukraine: Minh chứng sức mạnh 

Máy bay không người lái chưa bao giờ được sử dụng ồ ạt như hiện nay ở Ukraine, quốc gia này có thể mất tới 10.000 chiếc mỗi tháng.

Các số liệu từ báo cáo của Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh Hoàng gia Anh, ước tính có 25-50 UAV hoạt động đồng thời trong phạm vi 10km, dọc tuyến đường trong khu vực xung đột. 

UAV: Thú vui giải trí người giàu trở thành vũ khí đáng sợ trong chiến tranh - 6
UAV: Thú vui giải trí người giàu trở thành vũ khí đáng sợ trong chiến tranh - 7
UAV: Thú vui giải trí người giàu trở thành vũ khí đáng sợ trong chiến tranh - 8

Các biện pháp đối phó điện tử như gây nhiễu tín hiệu, hack khiến UAV rơi như ngả rạ. Nhưng do chúng quá rẻ và mang lại lợi thế chiến thuật đến mức việc mạo hiểm sử dụng chúng trên chiến trường vẫn có lợi.

UAV trợ giúp đáng kể cho các đội xạ thủ điều chỉnh phát bắn của họ tốt hơn và nhanh hơn, do đó tiết kiệm được loại đạn hiếm, có giá đắt gấp đôi so với máy bay không người lái đơn lẻ.

Bên cạnh đó, những hình ảnh từ các cuộc tấn công chống lại quân đội Nga, được UAV ghi lại rất cần thiết cho quân đội Ukraine trong việc tuyên truyền hay hướng dẫn kẻ thủ đầu hàng đi về căn cứ của mình. 

UAV còn gây ảnh hưởng tâm lý lớn tới đối phương khi "bầy chim máy" chết người liên tục quấy rối ngày đêm.

Joseph Henrotin giải thích: "Ukraine là một cường quốc đang ngủ quên về mặt máy bay không người lái, bởi vì nước này thừa hưởng lượng lớn UAV từ Liên Xô (ngày nay là Nga) như Tupolev Tu-141, sử dụng động cơ phản lực được chuyển đổi có thể mang theo tên lửa.

UAV: Thú vui giải trí người giàu trở thành vũ khí đáng sợ trong chiến tranh - 9

Máy bay không người lái trinh sát từ thời Liên Xô, Tupolev Tu-141 (Ảnh: Aviations Militaires).

Nhưng quốc gia này có một kỹ thuật hàng không vững chắc, cho phép Ukraine nhanh chóng có thể cải tiến, sản xuất các thiết bị bay hiệu quả khi cuộc xung đột nổ ra.

Ngoài ra, nước này đã duy trì mối quan hệ công nghiệp chặt chẽ với Thổ Nhĩ Kỳ trước cuộc xung đột, đặc biệt là về sản xuất động cơ cho máy bay không người lái Bayraktar, một cỗ máy được trang bị vũ khí đơn giản, nhưng lại tỏ ra hiệu quả khi bắt đầu cuộc chiến chống lại quân đội Nga.

Kiev đã tìm cách phát triển ngành công nghiệp máy bay không người lái của riêng mình, đặc biệt là R18, một cỗ máy với 8 cánh quạt có khả năng thả thuốc nổ xuống kẻ thù hoặc tiếp tế cho quân đội trong trường hợp bị cô lập.

UAV: Thú vui giải trí người giàu trở thành vũ khí đáng sợ trong chiến tranh - 10

UAV R18 mang theo thuốc nổ (Ảnh: Drone DJ).

Ngày nay, Ukraine trở thành phòng thí nghiệm, trong đó hàng chục hệ thống máy bay không người lái khác nhau ra đời. Nga cũng không chịu thua kém, quốc gia đã vận hành hàng nghìn phương tiện với hàng chục hệ thống máy bay không người lái khác nhau. 

Bên cạnh đó, cuộc xung đột này, cho thấy tầm quan trọng của các chùm vệ tinh có khả năng cung cấp truy cập internet nhanh chóng trong các khu vực chiến sự, đặc biệt hệ thống Starlink của SpaceX.

Ngoài việc cho phép quân đội duy trì mạng lưới liên lạc quan trọng để điều phối quân đội của họ, các liên kết vệ tinh này cũng rất cần thiết để truyền nhanh các hình ảnh từ trên không về khu vực tác chiến đến các trung tâm chỉ huy.

Chiến thuật mới

Việc sử dụng số lượng lớn máy bay không người lái trên chiến trường đã dẫn đến những thay đổi đáng kể về mặt chiến thuật, đặc biệt do sự hiện diện khắp nơi của cỗ máy này có thể giám sát các khu vực rộng lớn hơn nhiều trong thời gian thực với chi phí thấp. 

Quân đội có thể xoay xở các điểm xung đột được theo dõi bởi máy bay không người lái giúp pháo binh có thể bắn nhanh trong trường hợp phát hiện sự xâm nhập. Xe bọc thép của kẻ thù phải chơi trò trốn tìm để hy vọng sống sót, chỉ một chuyển động nhỏ cũng dễ dàng bị phát hiện ngay lập tức.

UAV: Thú vui giải trí người giàu trở thành vũ khí đáng sợ trong chiến tranh - 11

UAV Phantom của Trung Quốc có thể dễ dàng mua trên thị trường hiện nay (Ảnh: Digital Trends).

UAV từ vũ khí pháo đài đến công cụ du kích, nó giờ đây đã trở thành một phương tiện thiết yếu trên chiến trường. 

Máy bay không người lái giờ đây còn có nhiều lợi ích khác nhau phục vụ cho mục đích chính trị.

Năm 2013, một tổ chức ở Đức đã cho máy bay bay gần cựu Thủ tướng Angela Merkel trong cuộc họp ở Dresden, để phản đối sự giám sát của cảnh sát. Năm 2015, tại Tokyo (Nhật Bản), một chiếc "Phantom" do DJI sản xuất, chở cát phóng xạ thu thập gần nhà máy điện hạt nhân Fukushima, đáp xuống nóc nhà của cố Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe.

Hay vào năm 2018, UAV Greenpeace đã bay qua nhà máy điện Bugey, gần Lyon (Pháp), nó cố tình đâm vào tường của một tòa nhà để chứng minh tính dễ bị tổn thương của những cơ sở này.

Năm sau, trong trận đấu bóng đá Europa League ở Luxembourg, một đội bóng đến từ Azerbaijan đang thi đấu, đã bị gián đoạn do sự xuất hiện của một máy bay không người lái mang cờ của khu vực ly khai Nagorno-Karabakh, một lãnh thổ tranh chấp giữa Armenia và Azerbaijan.

Cùng năm đó, các nhà hoạt động môi trường từ Extinction Rebellion đe dọa sẽ cho bay máy bay không người lái gần sân bay Heathrow ở London (Anh) để tố cáo tác động môi trường của giao thông hàng không, buộc sân bay phải đóng cửa trong một ngày.

Tuy nhiên, sự phụ thuộc ngày càng tăng vào máy bay không người lái trong chiến tranh hiện đại cũng làm nảy sinh một số lo ngại về đạo đức.

Các nhà phê bình cho rằng, việc sử dụng UAV cho các vụ ám sát có chủ đích là giết người phi pháp và sự thiếu minh bạch xung quanh các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái khiến chính phủ khó có thể chịu trách nhiệm về hành động của mình.

Cũng có nhiều lo ngại liên quan đến phạm vi hoạt động ngày càng tăng của UAV có thể dẫn đến mất quyền kiểm soát của con người trong việc sử dụng máy bay không người lái gây chết người để lại hậu quả nghiêm trọng. 

Bất chấp những lo ngại này, rõ ràng máy bay không người lái đã trở thành một phần không thể thiếu trong chiến tranh hiện đại và ảnh hưởng của chúng sẽ chỉ tăng lên khi công nghệ tiếp tục phát triển.

Khi các quốc gia trên thế giới vật lộn với những thách thức và cơ hội do kỷ nguyên chiến tranh mới này mang lại, điều cần thiết là họ phải tham gia vào cuộc tranh luận có ý nghĩa về mặt đạo đức, pháp lý và chiến lược trong việc sử dụng máy bay không người lái trên chiến trường.

Chỉ bằng cách này, chúng ta mới có thể đảm bảo rằng những vũ khí mạnh mẽ này được sử dụng một cách có trách nhiệm và hiệu quả nhằm theo đuổi một thế giới an toàn và hòa bình hơn.