Ngôi làng đá độc đáo ở Cao Bằng thoát nghèo nhờ du lịch cộng đồng

Khôi Vũ

(Dân trí) - Nằm cách thác Bản Giốc chỉ 2km và trên đường vào khám phá động Ngườm Ngao, làng đá Khuổi Ky đang dần trở thành điểm đến du khách không thể bỏ qua khi tới xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng.

Làng đá trải rộng khoảng 1ha, là nơi sinh sống của 14 hộ dân tộc Tày.  Nét độc đáo ở Khuổi Ky là những ngôi nhà sàn làm bằng đá, lợp ngói âm dương có tuổi đời hàng trăm năm, tựa lưng vào núi, hướng mặt về dòng suối Khuổi Ky trong xanh. Năm 2008, làng Khuổi Ky được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận là "Làng văn hóa truyền thống tiêu biểu của dân tộc ít người".

Ngôi làng đá độc đáo ở Cao Bằng thoát nghèo nhờ du lịch cộng đồng - 1

Làng đá Khuổi Ky đang dần trở thành điểm đến du khách không thể bỏ qua khi tới xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng.

Trùng Khánh là 1 trong 74 huyện nghèo của cả nước giai đoạn 2021 - 2025 theo Quyết định 353/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Những năm gần đây, huyện Trùng Khánh đang thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719). 

Để đạt được mục tiêu này, huyện đã có kế hoạch phát triển du lịch nhằm từng bước tạo sinh kế, thoát nghèo bền vững cho người dân. Xóm Bản Gun, Khuổi Ky là một mô hình thí điểm phát triển dịch vụ du lịch bền vững. Năm 2018, Khuổi Ky được chọn làm điểm trải nghiệm du lịch cộng đồng trong tuyến du lịch "Trải nghiệm văn hóa bản địa ở xứ sở thần tiên" của Công viên địa chất Non nước Cao Bằng.

Những năm qua cấp ủy, chính quyền địa phương đã tạo điều kiện thuận lợi, định hướng, cải thiện môi trường, cảnh quan cũng như mở các lớp tập huấn kỹ năng đón tiếp, phục vụ khách và dịch vụ homestay cho người dân. 

Hiện nay tại làng Khuổi Ky có 13 hộ cung cấp dịch vụ lưu trú homestay, nhiều gia đình đã thoát nghèo bền vững. Tiêu biểu trong số đó là gia đình chị Lý Thị Điệp, chủ homestay Yến Nhi.

Năm 2016, vợ chồng chị Điệp mạnh dạn đầu tư làm homestay. Qua các lớp tập huấn, chị Điệp đã thành thạo sử dụng mạng xã hội Zalo, Facebook để chia sẻ và quảng bá về homestay của mình. Người phụ nữ Tày cũng đang tìm hiểu về cách làm video, chia sẻ trên Tiktok. Homestay này hiện đã liên kết với các nền tảng du lịch lớn như Booking, Agoda...

"Trước đây vợ chồng mình chỉ làm nương, trồng rau, thu nhập không đáng kể. Sau ít năm làm du lịch, hai vợ chồng mạnh dạn mở thêm 1 homestay tại làng để phục vụ được lượng khách lớn hơn. Gia đình cũng có kinh tế ổn định để đầu tư cho con học hành", chị Điệp chia sẻ.

Trưởng phòng Văn hóa thông tin huyện Trùng Khánh - ông Lương Văn La cho biết, năm 2023, Trùng Khánh đón gần 1 triệu lượt khách, trong đó làng đá Khuổi Ky đón khoảng 5000 lượt với trên 20% là khách quốc tế.

Tháng 10/2023, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ban Quản lý Công viên địa chất Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng làm việc với Cơ quan Hợp tác Quốc tế Hàn Quốc (KOICA) về kế hoạch hỗ trợ du lịch sinh thái tại Làng đá Khuổi Ky, xã Đàm Thủy (Trùng Khánh).

Kế hoạch hỗ trợ du lịch sinh thái tại Làng đá Khuổi Ky, xã Đàm Thủy (Trùng Khánh) nằm trong Dự án "Hỗ trợ Kinh tế Tuần hoàn Xanh thông qua cải thiện chuỗi giá trị nông nghiệp tại khu vực miền Bắc Việt Nam" (tại tỉnh Cao Bằng và Bắc Kạn), với kinh phí 1 triệu USD (tương đương khoảng 24,4 tỷ đồng), dự kiến thực hiện từ năm 2024 - 2029. Đây là dự án có ý nghĩa quan trọng, góp phần xóa đói, giảm nghèo, nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống cho nông dân địa phương.

Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 gồm nhiều dự án và tiểu dự án thành phần.

Trong đó có Dự án 6: Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch. Dự án hướng tới mục tiêu hướng tới mục tiêu: Khôi phục, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, bồi dưỡng, đào tạo cán bộ văn hóa; hỗ trợ cơ sở vật chất, trang thiết bị văn hóa cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi để nâng cao mức thụ hưởng về văn hóa cho đồng bào các dân tộc gắn với phát triển du lịch cộng đồng, trong đó ưu tiên các dân tộc thiểu số rất ít người.