Thừa Thiên Huế:

Không có chuyện muốn bán bún bò phải đến Huế xin phép

(Dân trí) - Ngày 8/8, PV Dân trí đã có cuộc trao đổi với ông Đinh Mạnh Thắng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế - đơn vị quản lý nhãn hiệu Bún bò Huế do UBND tỉnh Thừa Thiên Huế làm chủ sở hữu.

Hiện nhãn hiệu bún bò Huế đã được tỉnh Thừa Thiên Huế trình hồ sơ cho Cục Sở hữu Trí tuệ, Bộ Khoa học & Công nghệ xem xét. Trước đó UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, Hiệp hội Du lịch tỉnh qua nhiều cuộc họp, làm việc với các cơ quan chức năng đã ban hành quy chế quản lý và sử dụng nhãn hiệu “Bún bò Huế” do ông Phan Ngọc Thọ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh ký ngày 13/7/2016.

Nhãn hiệu này bao gồm logo bún bò Huế (chữ bún bò Huế màu xanh và tím, riêng chữ "Ú" được cách điệu thành tô bún bò Huế với đôi đũa gắp) và các tiêu chí theo quy định về nguyên liệu, về cách thức chế biến, diện tích hàng quán, chất lượng an toàn thực phẩm... để bún bò Huế được đúng chuẩn.

Logo của Nhãn hiệu Bún bò Huế
Logo của Nhãn hiệu Bún bò Huế

Theo ông Thắng, chỉ những đơn vị, cá nhân muốn sử dụng logo của nhãn hiệu Bún bò Huế mới phải đăng ký và hoạt động theo tiêu chí của quy chế ban hành. Còn những người đã kinh doanh hoặc chuẩn bị kinh doanh bún bò Huế, nếu không sử dụng logo nhãn hiệu của UBND tỉnh thì vẫn hoạt động bình thường, không cần đăng ký hay phải về Huế xin phép như một số báo thông tin không đúng.

“Mục đích của việc tạo dựng nhãn hiệu Bún bò Huế nhằm nâng tầm Bún bò Huế - một đặc sản đã có từ lâu tại cố đô Huế thành một thương hiệu đạt chuẩn trên nhiều mặt. Cũng như các chuỗi thương hiệu café Trung Nguyên, Phở 24… thì nhãn hiệu Bún bò Huế theo chúng tôi, nó cần một chỗ đứng đúng với vị trí của nó với du khách, bạn bè quốc tế.

Một tô bún bò Huế bình dân bán buổi sáng cho người dân lao động
Một tô bún bò Huế bình dân bán buổi sáng cho người dân lao động
Gánh bún bò mệ Kéo lâu đời tại TP Huế (ảnh: Internet). Việc nhãn hiệu Bún bò Huế ra đời không bắt buộc những quán bún, gánh bún hay nhà hàng bún bò Huế trong và ngoài nước phải đăng ký, mà mục đích là để giữ thương hiệu cho tỉnh Thừa Thiên Huế. Chỉ những cá nhân, đơn vị sử dụng logo của nhãn hiệu Bún bò Huế thì mới phải đăng ký, còn không thì vẫn kinh doanh bình thường
Gánh bún bò mệ Kéo lâu đời tại TP Huế (ảnh: Internet). Việc nhãn hiệu Bún bò Huế ra đời không bắt buộc những quán bún, gánh bún hay nhà hàng bún bò Huế trong và ngoài nước phải đăng ký, mà mục đích là để giữ thương hiệu cho tỉnh Thừa Thiên Huế. Chỉ những cá nhân, đơn vị sử dụng logo của nhãn hiệu Bún bò Huế thì mới phải đăng ký, còn không thì vẫn kinh doanh bình thường

Sẽ yên tâm và đảm bảo hơn khi vào những quán, nhà hàng có nhãn hiệu Bún bò Huế của tỉnh Thừa Thiên Huế. Điều này cũng không phải cứng nhắc khi hoàn toàn chỗ nào nếu sử dụng nhãn hiệu trên cũng giống nhau, mà chỉ cần có logo Bún bò Huế, còn lại thêm tên quán đã có từ trước trong bảng hiệu ví dụ như O Hoa, O Bé, Mụ Rớt… là được.

Chúng tôi khẳng định lại là chỉ những ai dùng logo nhãn hiệu Bún bò Huế như trên mới phải đăng ký. Còn ai không dùng nhãn hiệu đó mà để chữ Bún bò Huế theo các thiết kế riêng của họ thì vẫn kinh doanh bình thường, hoàn toàn không có chuyện muốn bán bún bò thì phải đến Huế xin giấy phép” – ông Thắng giải thích rõ.

Video:

Ông Đinh Mạnh Thắng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế trao đổi về nhãn hiệu Bún bò Huế

Ông Phan Ngọc Thọ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế trao đổi, việc tỉnh đăng ký nhãn hiệu chứng nhận Bún bò Huế nhằm xây dựng một sản phẩm Bún bò Huế đúng chuẩn, được pháp luật bảo hộ, đề phòng mất thương hiệu, nhãn hiệu đặc trưng của địa phương chứ không phải để tỉnh sở hữu riêng nhãn hiệu đó. Các cá nhân, đơn vị ở trong và ngoài nước Việt Nam nếu không sử dụng nhãn hiệu Bún bò Huế thì không phải đăng ký, xin phép với chủ sở hữu nhãn hiệu này (là UBND tỉnh Thừa Thiên Huế - PV). Việc quản lý, sử dụng nhãn hiệu Bún bò Huế trước mắt tỉnh giao cho Hiệp hội Du lịch tỉnh. Thời gian tiếp theo khi cho ra đời Hiệp hội Bún bò Huế sẽ giao cho tổ chức này quản lý.

Đại Dương