Công nhận 3 điểm du lịch cộng đồng ở miền Tây xứ Nghệ

Nguyễn Duy

(Dân trí) - Ngày 29/1, Sở Du lịch Nghệ An cho biết, UBND tỉnh này vừa công nhận tiêu chuẩn 3 sao cho 3 điểm du lịch cộng đồng và đánh giá, phân hạng sản phẩm tham gia chương trình "Mỗi xã một sản phẩm năm 2020".

Công nhận 3 điểm du lịch cộng đồng ở miền Tây xứ Nghệ - 1

Điểm du lịch cộng đồng bản Khe Rạn, huyện Con Cuông.

Công nhận 3 điểm du lịch cộng đồng ở miền Tây xứ Nghệ - 2

Du khách đến du lịch tại điểm du lịch cộng đồng bản Khe Rạn được trưởng bản "làm lễ" chúc mừng và cầu may mắn.

Theo kết quả phê duyệt năm 2020, Nghệ An có 56 sản phẩm đạt OCOP hạng 3 sao, 11 sản phẩm đạt hạng 4 sao, 9 đơn vị được tặng cúp biểu tượng cho các sản phẩm 4 sao

UBND tỉnh Nghệ An cũng giao Sở Nông nghiệp và PTNT Nghệ An công bố công khai các sản phẩm được xếp hạng, kiểm tra định kỳ hàng năm về sản phẩm; đề xuất xử lý các chủ thể vi phạm quy chế sử dụng nhãn hiệu lô gô OCOP và các quy định khác của pháp luật.

Công nhận 3 điểm du lịch cộng đồng ở miền Tây xứ Nghệ - 3

Thác nước Khe Kèm, thuộc Vườn quốc gia Pù Mát cao hơn 100m là điểm du lịch cộng đồng thu hút khách du lịch.

Đặc biệt, UBND tỉnh Nghệ An công nhận trên địa bàn có 3 điểm du lịch cộng đồng đạt 3 sao OCOP lần này gồm: Bản Nưa, xã Yên Khê, huyện Con Cuông; bản Khe Rạn, xã Bồng Khê, huyện Con Cuông và bản Hoa Tiến, xã Châu Tiến, huyện Quỳ Châu.

Được biết, du lịch cộng đồng là loại hình du lịch gắn với các giá trị và không gian sống của cộng đồng nhằm đem lại cho du khách những trải nghiệm về sinh thái, bản sắc văn hóa cộng đồng tại địa phương. 

Công nhận 3 điểm du lịch cộng đồng ở miền Tây xứ Nghệ - 4

Vui nhảy sạp tại điểm du lịch cộng đồng bản Khe Rạn.

Trong loại hình du lịch này, cộng đồng địa phương tham gia trực tiếp vào hoạt động du lịch, được hưởng lợi ích kinh tế - xã hội từ hoạt động du lịch và có trách nhiệm bảo vệ tài nguyên, môi trường, bản sắc văn hóa của cộng đồng. 

Đây cũng là loại hình du lịch mang nhiều ý nghĩa kinh tế - xã hội và có tính bền vững cao. 

Theo thông tin từ Sở Du lịch Nghệ An cho biết, qua khảo sát thực tế, dự báo giai đoạn từ năm 2020 - 2025, đối với loại hình du lịch cộng đồng, lượng khách và doanh thu tăng 10 - 12% /năm. Hiện mỗi năm Nghệ An đang đón được khoảng 27.000 lượt khách.

Ông Nguyễn Hữu Bắc - Chủ tịch hệ thống Du lịch PhucGroup, người nhiều năm gắn bó, đồng hành với du lịch cộng đồng Miền Tây xứ Nghệ chia sẻ:

"Du lịch cộng đồng gắn với sinh thái được xem là một mô hình du lịch đầy tiềm năng trong việc thu hút khách và giúp xóa đói, giảm nghèo cho người dân địa phương trên địa bàn. 

Công nhận 3 điểm du lịch cộng đồng ở miền Tây xứ Nghệ - 5

Ngoài ra, du khách có thể tham quan điểm du lịch sinh thái tại khu rừng cây săng lẻ thuộc Vườn quốc gia Pù Mát.

Công nhận 3 điểm du lịch cộng đồng ở miền Tây xứ Nghệ - 6

Du khách cũng có thể di chuyển trên thuyền nhỏ theo sông Giăng ghé thăm các điểm du ở Vườn quốc gia Pù Mát.

Giai đoạn 2016-2020, du lịch cộng đồng ở Miền Tây xứ Nghệ đã có những bước khởi sắc; trở thành một phương thức du lịch hấp dẫn trong hành trình khám phá Miền Tây xứ Nghệ.

Các điểm du lịch cộng đồng ở đây còn mang nét hoang sơ, tự nhiên, thuần túy, ít bị biến đổi; được thiên nhiên ưu đãi có nhiều danh thắng đẹp hoang sơ, vô cùng đặc sắc. Tuy nhiên, hiện nay, hình thức du lịch cộng đồng này vẫn chưa được nhiều du khách biết đến, đó là những trăn trở về cách thức quảng bá và phát triển mà ngành du lịch Nghệ An cần tiếp tục phát huy hơn nữa".

OCOP (viết tắt theo tiếng Anh là one commune one product) là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị; là giải pháp, nhiệm vụ trong triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Trọng tâm của chương trình OCOP là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, do các thành phần kinh tế tư nhân (doanh nghiệp, hộ sản xuất) và kinh tế tập thể thực hiện.

Nhà nước đóng vai trò kiến tạo, ban hành khung pháp lý và chính sách để thực hiện; định hướng quy hoạch các vùng sản xuất hàng hóa, dịch vụ; quản lý và giám sát tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm; hỗ trợ các khâu: Đào tạo, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, ứng dụng khoa học công nghệ, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, tín dụng.