Làm ăn “manh mún”, du lịch làng nghề Quảng Nam khó bền

(Dân trí) - Nhiều làng nghề truyền thống ở Quảng Nam đang ngày càng mai một dần. Việc phát triển du lịch làng nghề theo đó cũng khó bền, mà nguyên nhân tập trung vẫn là do cách làm ăn “manh mún”, quy mô sản xuất nhỏ lẻ, sản phẩm lại chưa có dấu ấn riêng.

Làm ăn “manh mún”, du lịch làng nghề Quảng Nam khó bền
Du lịch làng nghề khó phát triển bền vững nếu vẫn giữ lối làm ăn "manh mún", không có sản phẩm tinh xảo, có dấu ấn thương hiệu làng nghề 

Trên đây là kết quả khảo sát do VP Unesco Hà Nội phối hợp với UBND tỉnh Quảng Nam thực hiện tại một số làng nghề thủ công truyền thống ở tỉnh này như: làng gốm Thanh Hà, làng Mộc Kim Bồng, các cở sở sản xuất đèn lồng (Hội An), cơ sở gốm Đức Hạ (Điện Bàn), xưởng gốm Duy Quá (Duy Xuyên).

Kết quả này do Trung tâm nghiên cứu, liên kết và phát triển thủ công mỹ nghệ Craft Link - đơn vị được giao triển khai việc khảo sát trình bày tại Hội thảo về phát triển du lịch bền vững, nhằm tăng cường lợi ích cho cộng đồng. Hội thảo do 3 tổ chức của Liên hiệp quốc là UNESCO, ILO và FAO phối hợp với UBND tỉnh Quảng Nam đồng tổ chức ngày 23/11 vừa qua tại Hội An (Quảng Nam).

Kết quả khảo sát cho thấy: trong khi có tiềm năng rất lớn để phát triển du lịch làng nghề, thì hầu như các làng nghề, mà nói một cách đầy tiếc nuối là “một thời vang bóng” ở Quảng Nam đang ngày càng mai một.

Làm ăn “manh mún”, du lịch làng nghề Quảng Nam khó bền
phát triển du lịch làng nghề có tiềm năng rất lớn (ảnh: du khách học làm gốm ở làng Thanh Hà- Hội An)

Đánh giá chung về các làng nghề của đơn vị khảo sát là chất lượng sản phẩm của các làng nghề còn ở mức trung bình, chưa mang dấu ấn đặc trưng để người ta nhìn vào là biết ngay sản phẩm này của làng nghề truyền nào, ở đâu. Về chất, còn ít sản phẩm thủ công của các làng nghề tuyền thống ở đây đạt mức tinh xảo, chưa đáp ứng được yêu cầu khắt khe của thị trường. Về lượng, cách àm ăn của các làng nghề còn manh mún, quy mô sản xuất nhỏ lẻ…

Một nguyên nhân nữa, là do trước mắt chưa thấy được nguồn lợi kinh tế, một lớp thế hệ trẻ ở các làng nghề thủ công truyền thống không mặn mà kế nghiệp, đi xa làm ăn hay kiếm học nghề khác có thu nhập cao hơn.

Hoạt động khảo sát trên nằm trong Dự án hỗ trợ phát triển sản phẩm thủ công dấu ấn tại điểm Di sản thế giới, do Quỹ tín thác Hàn Quốc tài trợ. Qua đó, nhằm đánh giá thực trạng của các làng nghề, và hưới tới vệc phát triển sản phẩm của các làng nghề thủ công thành các sản phẩm có dấu ấn đặc trưng, hấp dẫn khách du lịch.

Đồng thời, định hướng sơ bộ về mạng lưới đầu ra cho các sản phẩm ở 2 điểm di sản văn hóa ở Quảng nam là Hội An và thánh địa Mỹ Sơn. Tham vọng hơn nữa, là kích cầu xuất khẩu. Đây là một trong những nội dung chính của Hội thảo nói trên.

Tại Hội thảo, đại diện của các làng nghề thủ công truyền thống đã cùng nhau bàn cách hợp sức cùng phát triển du lịch làng nghề. Trước hết là tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm, gắn liền việc sáng tạo mẫu mã sản phẩm với ý tưởng thương hiệu “không đụng hàng” của mỗi làng nghề thủ công.

Làm ăn “manh mún”, du lịch làng nghề Quảng Nam khó bền
một số gợi ý thiết kế sản phẩm thủ công làm bằng gốm của Trung tâm nghiên cứu, liên kết và phát triển thủ công mỹ nghệ Craft Link trưng bày tại Hội thảo

Bên cạnh đó là định hướng kế hoạch marketing, tuyên truyền, cập nhật thông tin về làng nghề, sản phẩm của làng nghề, làm sao để khách du lịch muốn tìm đến, vui lòng bỏ tiền mua vé tham quan và muốn mua sản phẩm của làng nghề.

Một số ý kiến đề xuất được ghi nhận tại Hội thảo như ý tưởng về bộ sản phẩm thủ công “mang dấu ấn di sản thế giới” của Quảng Nam. Theo đó, chọn lọc một số sản phẩm đậm nét văn hóa địa phương, cải tiến thiết kế chi tiết, họa tiết, quy chuẩn màu sắc, kích cỡ. Trong điều kiện di chuyển nhiều, khách du lịch thường chọn những sản phẩm có kích cỡ vừa phải; và với thị hiếu sản phẩm vừa có dấu ấn văn hóa đặc trưng vùng miền, vừa ý nghĩa vừa thiết thực, gới ý sản xuất những sản phẩm như chân nến, chậu hoa, hình con giống nhỏ…

Việc thiết kế bao bì đóng gói, ghép bộ sản phẩm, minh họa chi tiết sản phẩm cùng với thông tin giới thiệu cũng cần được chú trọng để nâng cao giá trị của sản phẩm.

Các đại diểu tham gia Hội thảo cũng đã thảo luận về các giải pháp thiết kế nâng cấp và các chức năng mới của Điểm bán vé: kết hợp bán vé với hỗ trợ cập nhật thông tin du lịch đến du khách; trưng bày và bán các sản phẩm thủ công truyền thống của địa phương; thảo luận về các gói sản phẩm dịch vụ du lịch mới, bao gồm gói tour STAMP/MAP, hộ chiếu di sản và các bước tiếp theo.

Tham gia Hội thảo, đại diện của đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch, các khách sạn, cửa hàng lưu niệm cũng nhất trí  cam kết hỗ trợ mạng lưới đầu ra cho sản phẩm của các làng nghề thủ công truyền thống của địa phương.

Thông tin tại Hội thảo, tổ chức Lao động quốc tế (ILO) và tổ chức Nông nghiệp thế giới (FAO) cho biết thêm 2 tổ chức này đang phối hợp hỗ trợ tỉnh Quảng Nam triển khai các dự án phát triển sản phẩm của các cộng đồng dân tộc thiểu số và nông nghiệp tại khu vực miền núi phía Tây Quảng Nam, đặc biệt thông qua lĩnh vực du lịch để mang lại lợi ích cho cộng đồng.

Hiện tại, đã hình thành một số điểm du lịch khu vực như: điểm du lịch thác Grăng huyện Nam Giang, làng du lịch BhoHoong huyện Đông Giang,… Mục tiêu của các dự án này nhằm thay đổi, hoàn thiện, phát triển thêm nhiều điểm đến hấp dẫn tại khu vực miền núi tỉnh này. Qua đó, hấp dẫn du khách đến tham quan, khám phá những nét đẹp văn hóa cộng đồng của đồng bào dân tộc thiểu số, mang lại lợi ích kinh tế cho cộng đồng

 Khánh Hiền