Lạng Sơn:

Đại lễ tưởng niệm 703 năm Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập niết bàn

(Dân trí) - Sáng ngày 23/11 tại chùa Thành, trụ sở Phật giáo tỉnh Lạng Sơn, đã diễn ra lễ tưởng niệm 703 năm ngày Đức vua Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập niết bàn và lễ huý nhật cố đại lão Hoà thượng Thích Xuân Lôi, nguyên trụ trì chùa Thành.

Chứng minh và tham dự đại lễ có: Thượng toạ Thích Thanh Nhiễu - Phó Chủ tịch HĐTS Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam (TW GHPGVN); Thượng tọa Thích Quảng Tùng - Phó Chủ tịch HĐTS kiêm Trưởng Ban Từ thiện xã hội TW GHPGVN - Trưởng Ban Đại diện Phật giáo tỉnh Lạng Sơn; Thượng toạ Thích Thanh Giác - Uỷ viên HĐTS kiêm Phó Ban Hướng dẫn Phật tử TW GHPGVN; Đại đức Thích Quảng Truyền - Uỷ viên HĐTS TW GHPGVN - Phó Trưởng ban Thường trực Phật giáo tỉnh Lạng Sơn; ông Nguyễn Quang Tuấn - Phó Chủ tịch HĐND TP Lạng Sơn… cùng hàng nghìn Chư Tôn Đức Tăng ni và nhân dân địa phương.

Đại lễ tưởng niệm 703 năm Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập niết bàn - 1
Thượng tọa Thích Quảng Tùng tuyên đọc văn tưởng niệm 703 năm Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập niết bàn.

Tại buổi Đại lễ, Thượng tọa Thích Thanh Nhiễu tuyên đọc tiểu sử Phật hoàng Trần Nhân Tông: Khi còn tại vị, vua Trần Nhân Tông đã trực tiếp chỉ đạo cuộc kháng chiến chống giặc Nguyên Mông. Ông đã cùng vua cha Trần Thánh Tông, mở hội nghị quân sự Bình Than, phân công các tướng lĩnh đi đóng giữ những nơi hiểm yếu để chuẩn bị đỡ các mũi tiến công của địch (1282).

Ông lại cùng với cha tổ chức hội nghị Diên Hồng (1284) để cùng nhất trí trẻ già, một lòng quyết đánh. Chưa bao giờ tinh thần đánh giặc ở nước ta được phát triển mạnh như dưới thời vua Trần Nhân Tông. Cả nước sục sôi chuẩn bị, quân sĩ tỏ thái độ quyết không đội trời chung với địch. Và quả nhiên quân ta đã ra quân là chiến thắng còn địch thì thất bại thảm hại. Trận Bạch Đằng (9/4/1288) đại thắng đã đè bẹp ý đồ bành trướng của đế quốc Nguyên Mông. Trong cả 2 lần kháng chiến chống quân Nguyên Mông hai ông đã trở thành ngọn cờ đoàn kết toàn dân lãnh đạo nhân dân Đại Việt vượt qua bao khó khǎn gian khổ, đưa cuộc kháng chiến đến thắng lợi huy hoàng.

Đại lễ tưởng niệm 703 năm Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập niết bàn - 2
Hàng nghìn tăng ni phật tử và nhân dân địa phương tham dự đại lễ.

Sau 14 nǎm làm vua, Trần Nhân Tông nhường ngôi cho con là Anh Tông, về làm Thái thượng hoàng và đi tu trở thành thủy tổ phái Thiền Trúc Lâm Yên Tử, một phái Thiền để lại dấu ấn đặc sắc trong lịch sử tư tưởng Việt Nam. Nhân Tông thực sự là một triết gia lớn của Phật học giúp triết học Phật giáo Việt Nam phát triển rực rỡ thể hiện đầy đủ trí tuệ, bản lĩnh Việt Nam.

Đại lễ tưởng niệm 703 năm Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập niết bàn - 3
Chư Tôn Đức và Quý vị đại biểu đã thành kính dâng hương tưởng niệm Đức vua Phật hoàng Trần Nhân Tông.

Bắt đầu những ngày nhường ngôi, ông để tâm vào Phật giáo nghiên cứu những lẽ huyền vi để hệ thống các quan điểm. Từ nǎm 1298, ông khoác áo nhà sư đi thuyết pháp các nơi. Lý thuyết của phái Trúc Lâm do ông khởi xướng là không kêu gọi tín đồ lìa bỏ cuộc sống trần tục, không ép xác khổ hạnh, mà đề cao nhân nghĩa, giáo dục lòng nhân đạo, không phân biệt giàu sang, luôn luôn nhớ đến cội nguồn.

Ngay sau khi Thượng tọa Thích Quảng Tùng tuyên đọc văn tưởng niệm 703 năm Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập niết bàn của Trung ương GHPGVN, Chư Tôn Đức và Quý vị đại biểu đã thành kính dâng hương tưởng niệm Đức vua Phật hoàng Trần Nhân Tông và lịch đại chư vị Tổ Sư tiền bối đã cống hiến trọn vẹn cho sự nghiệp hoằng pháp lợi sinh, làm rạng rỡ lịch sử Phật giáo Việt Nam suốt 2000 năm đồng hành cùng dân tộc.

Anh Thế - Quốc Đô