Suy nghĩ từ những chiếc xe biển xanh đi lễ hội

(Dân trí) - Mặc cho Thủ tướng có những chỉ đạo về thực thi tiết kiệm, bỏ qua tất cả các quy định về sử dụng xe công, những ngày sau Tết, ở các địa điểm lễ hội, xe công vẫn ngông nghênh đầy đường.

 (Minh họa: Ngọc Diệp)

 (Minh họa: Ngọc Diệp)

 

 

Tại hội xuân Yên Tử, phóng viên các báo chụp hình nhiều xe biển số xanh từ Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Bắc Giang, Hải Dương… Xe biển xanh tất nhiên là chở cán bộ, các sếp đi dự lễ hội. Đơn giản là vì chỉ có thủ trưởng mới đủ tiêu chuẩn sử dụng xe công.

 

Xe công chỉ sử dụng việc công, còn chở sếp và gia đình đi chùa, đi lễ hội là vi phạm quy định. Người vi phạm là quan chức của nhà nước, là lãnh đạo của các cơ quan. Vậy thì, khó có thể bắt buộc cấp dưới tuân thủ các quy định, không chỉ về thực hành tiết kiệm, sử dụng tài sản công, mà còn nhiều quy định khác.

 

Người đứng đầu cơ quan chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật, đó chính là tiêu chí đầu tiên của năng lực lãnh đạo điều hành. Bản thân người đứng đầu mà coi thường pháp luật hoặc những quy định của Chính phủ, thì sẽ tác động tiêu cực đến hành vi và suy nghĩ của toàn bộ cơ quan.

 

Cấp trên “tư túi” một chuyến xe công cho gia đình đi lễ hội, cấp dưới  “ăn cắp” một vài giờ làm việc để chở vợ đi chợ, đưa con đi học, thì thiệt hại không chỉ là của cải vật chất, giờ làm việc, mà tạo nên một hệ thống hành chính thiếu chuyên nghiệp và không lành mạnh.

 

Chưa kể, những hành vi đó là coi thường chỉ đạo về thực hành tiết kiệm của Thủ tướng Chính phủ.

 

Ở các điểm lễ hội, đền miếu, người dân chứng kiến không ít quan chức đạo cao đức trọng, cán bộ có “máu mặt” ở khoong ít cơ quan, địa phương, khấn vái, cầu xin theo kiểu mê tín dị đoan. Bản thân ông quan cũng như vợ con xin cho thăng quan tiến chức, xin cho phúc lộc dồi dào, xin cho giàu sang phú quý, rồi cũng rải tiền,nhét tiền vào tay Phật, chân Thánh, thì nói làm sao được với dân.

 

Những việc làm đó của người dự lễ hội  “đi xe biển số xanh” sẽ tác động đến cộng đồng. Nhà nước kêu gọi chống lại các hoạt động mê tín dị đoan, phản văn hóa, nhưng cán bộ nhà nước lại tham gia các “loại hình” mê tín rất… tích cực.

 

Muốn chống các tệ nạn mê tín trong các lễ hội, không chỉ bằng hình thức tuyên truyền, mà bằng chính thái độ của lực lượng cán bộ công chức, trí thức khi tham gia lễ hội.

 

 

Lê Chân Nhân

 

BLOG rất mong nhận được bình luận của các bạn xung quanh các đề tài mà chúng ta cùng quan tâm. Xin hãy bấm vào link GỬI BÌNH LUẬN phía dưới bài, viết ý kiến của mình, rồi nhấn phím ĐỒNG Ý. Sau đó, điền thông tin theo một trong hai cách mà hệ thống hướng dẫn. Mọi ý kiến của các bạn đều được chúng tôi đón đợi và quan tâm.

Cám ơn các bạn!