1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Làng Vĩ cầm

Gọi làng Then (Thái Đào, Lạng Giang, Bắc Giang) là Làng Vĩ Cầm cũng chẳng ngoa bởi ngôi làng nhỏ bé này có tới cả trăm người biết sử dụng các loại nhạc cụ khác nhau, trong đó chủ yếu là Violon (Vĩ Cầm). Chúng tôi có mặt ở làng Then vào một ngày mưa ảm đạm cuối đông...

...Tiếng đàn réo rắt vẳng ra từ những nếp nhà, bên những ụ rơm đã phá tan sự ảm đạm, buồn tẻ của làng quê. Chúng tôi cảm thấy như đang sống trong một thế giới đầy âm hưởng đẹp đẽ về tình yêu cuộc sống, tình yêu quê hương.

 

Người giữ “lửa” cho làng

 

Làng Then nổi tiếng  khắp nơi về truyền thống yêu nghệ thuật, về “dàn giao hưởng làng”, về cái sự độc đáo của người nông dân chân chất, thật thà lại  biết và say mê loại hình âm nhạc được coi là “quí tộc” này. Và khi nói về  làng Then không thể không nhắc đến ông Nguyễn Hữu Đưa, người đã có công phổ biến và giữ cho “chất âm nhạc” phát triển ở nơi đây.

 

Chúng tôi đến nhà ông Đưa khi đã quá trưa, tiếp chúng tôi là ông lão đã bước vào tuổi “thất thập cổ lai hy” nhưng trông vẫn còn tráng kiện lắm. Ông  say sưa kể về những ngày chập chững bước vào con đường nghệ thuật: “Tôi biết chơi đàn từ những năm 1949-1950, lúc đó chủ yếu là chơi đàn Măngđôlin, Guitar. Đến năm 1956, mấy anh em trong làng ra Hà Nội, tìm mua đàn Violon để chơi vì thấy cấu tạo cũng hơi giống Măngđôlin. Lúc đó vì yêu, vì mê đàn mà chơi chứ chẳng có thày nào dạy cả. Mỗi khi có đoàn văn công đến biểu diễn là lại bám theo để học lỏm. Khoảng 30 anh em tự tập và đi biểu diễn chơi”. Gọi là “chơi” nhưng đội văn nghệ của làng cũng nổi tiếng khắp nơi và được tỉnh chọn đi hội thi toàn quốc.

 

Mặc dù toàn là “nông dân biểu diễn nghệ  thuật” nhưng do đội

Làng Vĩ cầm - 1
  

Cụ Đưa truyền nghề cho thế hệ sau.

chơi hay quá nên chẳng ai tin. Chính vì vậy mới xảy ra câu chuyện hài hước mà theo ông là “có một không hai”. Ông kể: “Lần đội văn nghệ của làng được chọn đi biểu diễn ở hội thi toàn quốc, nhiều đoàn bạn không tin chúng tôi là... đội văn nghệ làng. Một đêm, đại diện đoàn Phú Thọ về tận làng để kiểm tra, và để chứng minh sự “trong sạch” của mình, cả đội chẳng kịp mặc áo mà cứ mắt nhắm mắt mở,  cởi trần chơi đàn ở ngay sân Nhà văn hoá của xã. Năm 1959, lãnh đạo tỉnh mời chúng tôi ra thành lập đoàn Chèo Sông Thương”.

 

Câu chuyện về cá nhân ông, về con đường làm nghệ thuật của ông như đưa chúng tôi trở về một giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc. Từ những năm chống pháp, đánh Mỹ cho đến chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc... đâu đâu cũng có dấu chân ông.

 

“Năm 1968, tôi chuyển sang đoàn ca múa kịch, chuyên đi phục vụ bộ đội ngoài chiến trường. Giai đoạn ác liệt nhất ở  Quảng Trị chúng tôi cũng  có mặt. Có lần lên chốt biểu diễn phục vụ bộ đội, hàng dây thép gai chia đôi quả núi, quân ta và địch mỗi bên giữ một nửa và chúng tôi biểu diễn ở ngay hàng rào, cả địch cũng xem rất đông” ông kể. Chiến tranh biên giới xảy ra, ông cùng các đồng nghiệp lại lên đường phục vụ chiến sĩ “Đoàn chúng tôi chia làm nhiều mũi xung kích biểu diễn phục vụ bộ đội, dân công. Bộ đội đánh nhau xong là chúng tôi lại đến biểu diễn, có  khi ngay trên chiến trường còn khét mùi thuốc súng”.

 

Năm 1982, ông về hưu và lại mang những kiến thức, sự hiểu biết âm nhạc của mình để truyền dạy cho thế hệ trẻ. Nói về lớp lớp  học trò của mình, ông tự hào khoe về lứa đầu tiên, về 13 học trò của ông đã được vinh dự chọn biểu diễn phục vụ đại biểu tham dự đại hội  Đảng toàn quốc lần thứ 4 và thứ 6, ông bảo chúng đã làm “mát” mặt ông và mát mặt cả cái làng Then còn nghèo khó này.  Và ngay cả bây giờ, khi tuổi đã cao nhưng ông vẫn say sưa truyền đạt tình yêu nghệ thuật cho con cháu, “tôi đang luyện cho 3 cháu, thi    huyện chúng đoạt giải nhất và hiện vẫn luyện tập để chuẩn bị đi thi trên tỉnh”.

 

Nửa chừng câu chuyện, ngẫu hứng ông mang cây đàn Violon đã theo ông 45 năm ra  chơi bản “Hoa thơm bướm lượn” (dân ca quan họ Bắc Ninh). Có lẽ tôi sẽ chẳng bao giờ quên được hình ảnh cụ bà tựa cửa chăm chú nghe ông chơi đàn giữa không gian tĩnh lặng của làng quê.

 

“Dàn giao hưởng làng”

 

Chúng tôi đi tìm những “nhạc công” của đội văn nghệ làng Then mà mọi người vẫn gọi đùa là  “dàn giao hưởng làng”. Điều bất ngờ thú vị đầu tiên mà chúng tôi gặp là hầu hết các nhạc công đều đang bận làm đồng và... gánh phân bón cây. Trong khuôn hình mà anh bạn phóng viên ảnh đi cùng ghi lại còn nguyên “sự kiện” nóng bỏng này. Anh Hà Văn Chính, một trong những nhạc công chủ chốt của đội văn nghệ làng bảo: “Bọn chúng tôi làm ra làm, chơi ra chơi. Ngày làm việc quần quật, tối lại say sưa chơi vài bản nhạc là niềm vui của chúng tôi. ở làng Then có cả trăm người biết chơi và sử dụng loại nhạc cụ này”.

 

Đội văn nghệ làng Then có ngót 20 thành viên với đủ nhạc cụ như Violon, Guitar,Violoncen, Trống, Organ... và họ vẫn thường xuyên chơi cùng nhau để thoả niềm đam mê nghệ thuật của mình. Nghe danh họ đã lâu, và để được “mục sở thị” chất văn nghệ của người dân nơi đây, chúng tôi lang thang khắp làng để chờ đến giờ “G”, đó là khoảng thời gian sau khi đã xong việc đồng áng, các anh lại gặp nhau để cùng chơi vài bản nhạc.

 

Và rồi cái gì đến cũng đến, trong áng chiều chạng vạng, chúng tôi được chứng kiến các anh Thuật, Chính, Nguyên... những người chỉ vài giờ trước đó còn tay cuốc, tay cày, chân lấm, tay bùn cùng nhau trải chiếu trước hiên nhà, bên chén rượu quê, các anh ôm đàn réo rắt những bản nhạc trữ tình của quê hương. Không gian như ngừng lại. Có lẽ “cảm” cái không khí đậm chất nghệ thuật đang diễn ra, chị Yến (vợ anh Thuật) liền bỏ dở công việc thu hoạch xu hào để “nhập bọn” và say sưa cất giọng hát bài “Em hát anh nghe điệu lý quê nhà”, “Ngồi tựa mạn thuyền”...

 

Nhạc cụ của những nhạc công nơi đây cũng khá ấn tượng, hầu hết chúng đều rất cũ và đựng trong những chiếc hộp gỗ được cuốn bằng dây chun. Có lẽ với những người thực sự có lòng đam mê âm nhạc thì dụng cụ để chơi chỉ là thứ yếu. Anh Thuật khoe: “Hôm vừa rồi lên tỉnh biểu diễn, thấy các nhạc công của “dàn giao hưởng làng” ăn mặc lôm côm quá nên ông Giám đốc Sở Văn hoá - Thông tin của tỉnh quyết định may cho mỗi người một bộ comple trị giá... 500.000đ/bộ”. Giá mà nhạc cụ cũng được trang bị mới thì tuyệt làm sao! Anh Thuật xuýt xoa.

 

Phải  giữ được truyền thống âm nhạc của làng

Làng Vĩ cầm - 2
  

Giàn "giao hưởng" làng Then.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Đó là mong muốn của hầu hết người dân làng Then. Nhưng để thực sự giữ gìn và phát huy được truyền thống của làng ở thời buổi bây giờ là điều không  mấy dễ dàng. So với những thế hệ trước, lớp trẻ bây giờ cũng chẳng còn mấy đứa đam mê những loại nhạc cụ này.

 

Khi đi tìm hiểu về đội văn nghệ của làng, chúng tôi tìm đến gia đình anh Nguyễn Quang Khoa, đương kim đội trưởng. Anh Khoa đi vắng, ở nhà chỉ còn cô bé Thuý Hà, đứa con gái thứ ba của anh năm nay đang chuẩn bị thi vào đại học. Hà “chào” chúng tôi bằng bản nhạc “Thư gửi  Elisa” êm dịu. Chỉ tiếc một điều, không phải em thể hiện bằng đàn Violon truyền thống của làng mà bằng chiếc đàn Organ hiện đại để ở góc nhà. Trả lời câu hỏi vì sao  không thích chơi loại nhạc cụ Violon truyền thống như bố, Hà bảo vì chơi loại đàn đó... đau  ngón tay lắm. Ngay cả ông cụ Đưa cũng nhận thấy điều đó và ông vẫn đang cố truyền lại lòng say mê âm nhạc truyền thống của làng cho những đứa cháu ruột đang ở quanh ông trên ngọn núi Gốm gần làng Then.

 

 Trời đã xập tối từ lúc nào, rẽ qua ngọn đồi nơi cụ Đưa đang sống để chào cụ, tình cờ chúng tôi được chứng kiến hình ảnh đầy xúc động khi “dàn giao hưởng gia đình” gồm 8 đứa trẻ cháu ruột cụ Đưa, đứa lớn nhất học lớp 11 và nhỏ nhất mới học lớp 1 đang tay đàn, tay sáo say sưa thể hiện bài: “Em là búp măng non”. “Tôi đang làm hết sức mình để giữ cho truyền thống âm nhạc của làng không bị mai một”, ông cụ Đưa rưng rưng khẳng định như vậy khi tiễn chúng tôi.

 

Trở về trên con đường làng mấp mô, dưới ánh đèn pha loang loáng thấp thoáng  những mái ngói rêu phong. Tiếng mõ trâu lóc cóc, tiếng trẻ khóc ời ời cộng với âm thanh réo rắt, trầm bổng của Vĩ cầm khiến chúng tôi thấy thư thái lạ lùng. Tôi bỗng nhớ đến câu nói: “Hạnh phúc chẳng đâu xa, hạnh phúc là những điều tưởng chừng như đơn giản nhất ở quanh ta”. Và có lẽ với người dân làng Then, hạnh phúc là được sống và đắm mình trong niềm đam mê nghệ thuật, bỏ lại phía sau những toan tính đời thường.

 

Đức Hoà- L.A.Tuấn