PhotoStory

Độc đáo những loại củ quả "hóa rồng"

Thực hiện: Doãn Công

(Dân trí) - Hàng trăm sản phẩm nông nghiệp, trong đó nhiều đặc sản độc đáo của người nông dân ở thủ phủ hoa quả huyện Hoài Ân, Bình Định được trưng bày tại ngày hội nông sản.

Độc đáo những loại củ quả hóa rồng - 1

Ngày hội nông sản huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định lần thứ II, diễn ra từ 16 đến 18/5, thu hút sự quan tâm đông đảo nhân dân, du khách trong và ngoài địa phương này với việc trưng bày, quảng bá nhiều sản phẩm nông nghiệp độc đáo.

Độc đáo những loại củ quả hóa rồng - 2

Hoài Ân là một huyện trung du, thuần nông, được thiên nhiên ưu đãi với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng thuận lợi. Được bao bọc bởi hai dòng sông Kim Sơn và An Lão cùng 23 công trình hồ chứa nước, điều kiện và nền tảng vững chắc để phát triển nông nghiệp toàn diện, nhất là các loại cây ăn quả và chăn nuôi gia súc, gia cầm.

Độc đáo những loại củ quả hóa rồng - 3

Tại ngày hội đã trưng bày, giới thiệu, quảng bá 18 gian hàng với 105 loại sản phẩm nông nghiệp của địa phương và các đơn vị trong tỉnh Bình Định. 

Độc đáo những loại củ quả hóa rồng - 4

Bà con nông dân các địa phương chung tay làm nên "công trình" độc lạ từ những trái cây, rau củ, tạo ấn tượng cho người xem.

Ấn tượng là gian trưng bày của UBND xã Ân Hữu, với tác phẩm chủ đạo hình "con rồng" được tạo nên từ các loại trái cây, rau củ như: dứa, dừa, cà rốt, củ cải trắng, ớt, hạt sen…

Nông dân Đỗ Minh Dũng (36 tuổi, xã Ân Hữu, huyện Hoài Ân) cũng là thợ điêu khắc, cho biết chiều dài con rồng khoảng 9m, được ghép từ hơn 100 quả dứa. Để hoàn thành con rồng này, anh và 1 họa sĩ cùng nhiều bà con trong thôn làm liên tục trong 2 ngày đêm mới hoàn thiện.

Độc đáo những loại củ quả hóa rồng - 5
Độc đáo những loại củ quả hóa rồng - 6
Độc đáo những loại củ quả hóa rồng - 7

Phần vảy rồng được làm bằng vỏ quả dừa, thân được kết bằng những quả dứa và nhiều loại quả khác...

Độc đáo những loại củ quả hóa rồng - 8
Độc đáo những loại củ quả hóa rồng - 9

Những kén tằm là sản phẩm chủ lực của nông dân xã Ân Hảo Tây, được chính bàn tay các nông dân kết thành bản đồ Việt Nam; hay từ những quả hạt tiêu, quả ớt để tạo thành hình lá cờ Tổ quốc Việt Nam…

Độc đáo những loại củ quả hóa rồng - 10

Theo UBND huyện Hoài Ân, đến nay Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ đã công nhận nhãn hiệu cho 8 sản phẩm của huyện Hoài Ân gồm: trà Gò Loi, bưởi Da xanh, heo Hoài Ân, gà ta thả vườn, dừa xiêm, mít thái, tiêu hột, gạo hữu cơ.

Ngoài ra, 60 sản phẩm của địa phương này được đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm) và trên 100ha được chứng nhận tiêu chuẩn hữu cơ, VietGap...

Độc đáo những loại củ quả hóa rồng - 11

Trong khuôn khổ ngày hội, lãnh đạo UBND tỉnh Bình Định trao giấy chứng nhận của Cục Sở hữu trí tuệ về việc cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu sản phẩm cho lãnh đạo UBND huyện Hoài Ân (Ảnh: Kim Loan).

Ngày 17/5, chào mừng 134 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2024), tại công viên phố đi bộ huyện Hoài Ân, UBND huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định tổ chức lễ khai mạc Ngày hội Nông sản lần II năm 2024.

Ông Nguyễn Hữu Khúc, Chủ tịch UBND huyện Hoài Ân, cho biết diện tích các loại cây ăn quả có thế mạnh của địa phương phát triển mạnh với hơn 3.900ha. Đồng thời, từng bước hình thành vùng chuyên canh cây ăn quả tập trung tại các xã Ân Tường Đông, Ân Tường Tây, Ân Hữu, Ân Hảo Tây…

Bên cạnh đó, các tiến bộ khoa học được áp dụng rộng rãi trong quá trình sản xuất và chế biến; hàm lượng công nghệ trong các sản phẩm ngày càng được nâng cao.

Nhiều mặt hàng nông sản của địa phương như heo Hoài Ân, gà ta thả vườn, bưởi da xanh, trà nụ hoa hòe, mật ong dú, trứng chim trĩ, thịt heo thảo mộc, gạo hữu cơ được khách hàng trong và ngoài tỉnh ưa chuộng, có mặt trên một số hệ thống siêu thị các tỉnh thành như Quy Nhơn, Đà Nẵng, TPHCM...

Đặc biệt, sản phẩm trà nụ hoa hòe, dầu phộng, dầu mè của Công ty TNHH DULAH và bún khô, bún tươi của Công ty TNHH Spevi Food đã xuất khẩu sang Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc bằng đường chính ngạch.

Đây chính là bước ngoặt, đánh dấu ngành nông nghiệp huyện này hình thành nền nông nghiệp hàng hóa; tạo động lực, thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương ngày càng phát triển.