1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Thợ chụp ảnh dạo “điêu đứng” vì... ế khách

Thúy Hằng

(Dân trí) - Người dân đều có điện thoại "xịn", máy ánh kỹ thuật số thịnh hành... là nguyên nhân khiến nghề chụp ảnh dạo ngày càng ít khách. So với những năm trước, thu nhập của các thợ chụp ảnh dạo giảm trên 50%.

Thợ chụp ảnh dạo “điêu đứng” vì... ế khách - 1

Các thợ chụp ảnh dạo có mặt tại trường Đại học Sài Gòn (cơ sở chính, đường An Dương Vương, quận 5).

Nhu cầu giảm, thợ chụp vẫn tăng 

Như thường lệ, vào mỗi “mùa” tốt nghiệp, chị Võ Thị Nga (ngụ tại phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức, TPHCM) lại tìm đến các trường đại học, cao đẳng để mưu sinh.

Chị Võ Thị Nga theo nghề chụp ảnh đã gần 20 năm và coi nó như một phần cuộc sống của mình. 

Hôm rồi, được biết trường Đại học Sài Gòn tại cơ sở chính đường An Dương Vương (quận 5, TPHCM) có tổ chức lễ tốt nghiệp cho sinh viên tốt nghiệp, chị Võ Thị Nga cũng mang theo “đồ nghề” đến.

Khác với những năm trước, hôm nay chị Võ Thị Nga nhìn thấy rất nhiều thợ chụp ảnh khác đã đến từ trước mình.

Thợ chụp ảnh dạo “điêu đứng” vì... ế khách - 2

Chị Võ Thị Nga đang ngồi chờ khách tới chụp ảnh

Khi dạo quanh sân trường, chị thấy phụ huynh năm nay cũng ít hơn hẳn và dường như ai cũng mang theo điện thoại thông minh hay máy ảnh kỹ thuật số.

“Những năm gần đây thu nhập từ việc chụp ảnh dạo giảm đi đáng kể. Tôi đã theo nghề này được gần 20 năm, nhưng ngày càng thấy nghề này ngày càng khó sống. Thợ chụp ảnh dạo này càng nhiều, ai cũng có điện thoại thông minh nên đa số toàn tự chụp”, chị Võ Thị Nga buồn rầu chia sẻ.

Chị Võ Thị Nga và chồng chị đều làm nghề chụp ảnh. Hôm nay, chồng chị cũng đến một trường đại học khác trên địa bàn thành phố để chụp hình tốt nghiệp. Sau khi thấy tình hình bên này không khả quan, chị gọi điện thoại cho chồng rồi thở dài “nghề này hết thời thật rồi”.

Thợ chụp ảnh dạo “điêu đứng” vì... ế khách - 3

Anh Đặng Văn Minh - thợ chụp ảnh dạo tại TPHCM

May mắn hơn do đến trường từ sáng sớm, anh Đặng Văn Minh - thợ chụp ảnh dạo tại TPHCM - chia sẻ: “Mấy ngày nay, tôi chạy khắp nơi cũng không ăn thua. Sáng nay tới trường sớm nên cũng chụp được 2-3 người. Nhìn xung quanh thấy thợ chụp còn đông hơn khách hàng thì sáng giờ được vậy cũng xem như kha khá”.

Những bức hình sau khi chụp xong, chọn ra bức đẹp sẽ được rửa ra khung A4 với giá trung bình là 50.000 đồng/tấm. Tùy vào loại khung, kích cỡ khác nhau sẽ có thêm những mức giá khác.

Thợ chụp ảnh dạo “điêu đứng” vì... ế khách - 4

Anh Nguyễn Hữu Tiến chờ khách tới đăng ký chụp hình

Đem theo khá nhiều “đồ nghề”, sau nhiều lần mời chào, anh Nguyễn Hữu Tiến vẫn nhận được những cái lắc đầu liên tục. Anh Nguyễn Hữu Tiến lần lượt bỏ hoa, những bức ảnh mẫu, khung ảnh và túi đựng máy ảnh xuống dãy ghế đá trong sân trường.

“Hôm nay chưa mời được khách nào. Ai cũng có máy ảnh, điện thoại thông minh hết rồi. Nhiều người chấp nhận thuê hoa và các phụ kiện để chụp hình, ai cũng có máy nên không để mình chụp”, anh Nguyễn Hữu Tiến tâm sự.

Thợ chụp ảnh dạo “điêu đứng” vì... ế khách - 5

Nhiều thợ chụp còn chuẩn bị sẵn bìa tốt nghiệp, hoa cho khách hàng là tân cử nhân. 

Nghề “hết thời”

Thu nhập giảm, nghề chụp ảnh dạo ngày càng “hết thời”, chị Võ Thị Nga cũng tìm cho mình thêm nhiều phương án khác để đảm bảo mức sống. Hiện tại, sau thời gian vay mượn họ hàng, chị Võ Thị Nga cũng mở thêm cho mình một cửa tiệm chuyên chụp hình, rửa hình và photocopy. 

Cửa tiệm vào hoạt động được gần 3 tháng, thu nhập khá ổn định nhưng chị Võ Thị Nga vẫn duy trì công việc chụp ảnh dạo. Chị tâm niệm “thêm được đồng nào hay đồng đó”.

Đối với anh Đặng Văn Minh, thay vì trước kia mỗi ngày anh di chuyển từ hai đến ba địa điểm để chụp ảnh. Giờ đây, mỗi ngày anh cũng cố gắng di chuyển thêm nhiều địa điểm hơn để mong tìm được thêm nhiều khách có nhu cầu chụp ảnh dạo.

Thợ chụp ảnh dạo “điêu đứng” vì... ế khách - 6

Một khách hàng hiếm hoi nhận chụp ảnh kỷ niệm. 

“Hàng ngày tôi thường di chuyển đến các khu vực trung tâm, các khu vui chơi du du lịch, các sự kiện,... cố gắng di chuyển nhiều hơn để đảm bảo thu nhập. Công việc chụp ảnh dạo này ngày càng ít khách, thu nhập của tôi cũng giảm đi đáng kể”.

Những năm gần đây, giá thành của những tấm hình được rửa ra từ những người chụp ảnh dạo trên đường dường như không tăng. Mọi chi phí sinh hoạt đều tăng cao hàng ngày. 

Khách hàng giảm, giá thành dịch vụ không tăng làm thu nhập của những người làm nghề chụp ảnh dạo giảm đi đáng kể. Nhiều người đã phải gác máy ảnh và tìm cho mình công việc khác đảm bảo thu nhập hơn.

Thợ chụp ảnh dạo “điêu đứng” vì... ế khách - 7
Nhiều người không chỉ lắc đầu mà còn kéo nhau đến khu vực khác để từ chối thợ chụp ảnh dạo.

“Công việc chụp ảnh dạo không thể đủ chi tiêu hàng ngày cho gia đình. Làm nghề được gần 20 năm tôi cũng không muốn bỏ. Một năm gần đây tôi phải làm thêm  nhiều công việc khác để đảm bảo thu nhập. 

Thỉnh thoảng có sự kiện gì lớn hoặc khi rảnh rỗi tôi mới tiếp tục công việc chụp ảnh dạo này. Tôi nghĩ rằng đây là công việc tôi làm một phần vì yêu thích, chứ hoàn toàn vì tiền thì tôi đã bỏ hẳn từ lâu”, anh Nguyễn Hữu Tiến tận tình chia sẻ.