PhotoStory

Mùa thu hoạch "ngọc thực" trên lưng chừng trời

Thực hiện: Thái Bá

(Dân trí) - Lúa nếp nương được trồng trên những đồi núi có độ dốc lớn. Vào mùa thu hoạch, người dân vùng cao ở Hòa Bình phải trèo đèo, men theo mỗi mảnh ruộng để thu hái từng bông lúa no tròn.

Mùa thu hoạch ngọc thực trên lưng chừng trời - 1

Từ đầu tháng 10 Âm lịch đến nay, người dân xã Giáp Đắt, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình tất bật thu hoạch vụ lúa nếp nương mới. Khác với các giống lúa nước, lúa nếp nương mỗi năm chỉ cho thu hoạch một vụ.

Mùa thu hoạch ngọc thực trên lưng chừng trời - 2

Bà con dân tộc Tày ở vùng núi cao tỉnh Hòa Bình chia sẻ, lúa nếp nương được cấy từ tháng 5 Âm lịch và cho thu hoạch vào cuối tháng 9, đầu tháng 10. Lúa nếp nương phải thu hoạch 2 - 3 lần mới hết vì chín không đồng đều như các giống lúa khác.

Mùa thu hoạch ngọc thực trên lưng chừng trời - 3

Từ bao đời nay, lúa nếp nương được người Tày xem như sản vật quý giá trời ban. Hạt "ngọc thực" này không chỉ giúp người dân khỏi lo thiếu đói mà còn để làm ra nhiều món ăn ngon, dùng làm lễ vật cúng tiến, các loại đặc sản đậm đà bản sắc vùng cao.

Mùa thu hoạch ngọc thực trên lưng chừng trời - 4

Bà Nông Thị Cấu (65 tuổi) cho biết, gạo nếp bình thường hạt tròn, mập, còn lúa nếp nương thì có 3 loại là vàng hạt dài, vàng đen hạt tròn có lông và vàng hạt nhỏ.

"Người dân chúng tôi thường chế biến lúa nếp nương thành các món ăn ngon như: cốm, xôi nếp, bánh chưng, bánh dày, rượu nếp... Đây là những món ăn làm nên nét văn hóa đặc trưng của người Tày", bà Cấu chia sẻ.

Mùa thu hoạch ngọc thực trên lưng chừng trời - 5

Vào vụ thu hoạch lúa nếp nương, chị em phụ nữ dân tộc Tày đeo gùi sau lưng, dùng liềm thép (vật dụng dùng để cắt) hái, ngắt từng bông một. Bông lúa được bó lại với nhau, tuốt lấy hạt tại ruộng hoặc đem về nhà phơi cả bông với mục đích sử dụng được lâu dài.

Mùa thu hoạch ngọc thực trên lưng chừng trời - 6
Mùa thu hoạch ngọc thực trên lưng chừng trời - 7

Hầu hết ruộng lúa nếp nương nằm trên những đồi núi cao có độ dốc lớn, cách xa khu dân cư. Vì thế, vào vụ thu hoạch, bà con gặp nhiều khó khăn khi cắt lúa cũng như vận chuyển.

Chị Nông Thị Vui tâm sự: "Việc thu hoạch lúa nếp nương đòi hỏi sự tỉ mỉ và kỳ công. Những người đi hái lúa phải gom hái từng bông một, khác với việc gặt lúa nước, có thể dùng liềm khua theo chiều cong, mỗi lần khua, cắt được 15-20 bông, nhanh hơn rất nhiều".

Mùa thu hoạch ngọc thực trên lưng chừng trời - 8

Hạt lúa nếp nương sau khi thu hoạch được đưa về, tùy theo nhu cầu sử dụng của gia đình, thường mỗi hộ sẽ để dành lượng lúa phù hợp, số còn lại bán lấy tiền trang trải cuộc sống.

Giá lúa nếp nương cao hơn rất nhiều so với các giống lúa khác. Vì thế, nhà nào có nhiều ruộng, trồng nhiều lúa cũng có khoản thu nhập lớn hàng năm.

Mùa thu hoạch ngọc thực trên lưng chừng trời - 9

Trồng ra được những cây lúa nếp nương, người dân đỡ công chăm sóc hơn lúa nước. Tuy nhiên, vào mùa gieo lúa và thu hoạch lại tốn nhiều công sức hơn do cây lúa nằm rải rác ở nhiều khu đồi cao khác nhau.

Bà con dân tộc Tày quan niệm, mùa thu hoạch lúa nếp nương như đi nhặt "ngọc" trên lưng chừng trời, vì mỗi mảnh ruộng lại cheo leo trên những quả đồi có độ cao và dốc lớn.

Mùa thu hoạch ngọc thực trên lưng chừng trời - 10
Mùa thu hoạch ngọc thực trên lưng chừng trời - 11

Để thu được hạt "ngọc thực" trời ban, người nông dân phải dùng chiếc hái đặc biệt, được chế tạo dành riêng cho việc thu hoạch lúa nếp nương.

Các bông lúa sau khi được cắt đưa về, một gia đình vẫn còn đập lúa theo phương pháp thủ công truyền thống. Gần đây, được hỗ trợ mua sắm máy tuốt lúa, năng suất lao động đã cao hơn, việc thu hoạch nhanh gấp 3 lần, công việc vì thế cũng nhàn hơn trước rất nhiều.

Ảnh: Dần Thanh