1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Loại cây gợi sự nghèo đói một thời giờ giúp bà con thu trăm tỷ đồng

Hạnh Linh

(Dân trí) - Với gần 3.000ha sắn, toàn huyện Mường Lát ước thu 100 tỷ đồng. Đây là điều chưa từng có ở huyện vùng biên xứ Thanh.

Sáng sớm trên những sườn đồi tại bản Xa Lung, xã Mường Lý, huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa đã tất bật không khí lao động hăng say. Hàng chục người cuốc đất, nhổ sắn, rồi khuân vác sắn để vận chuyển ra điểm tập kết, cân bán cho thương lái.

Cõng bao tải sắn vượt qua những sườn đồi dốc, Thào A Pao ướt đẫm mồ hôi, nói: "Mệt thì mệt nhưng bao năm trồng sắn năm nay mới được mùa, lại được giá, Pao vui, quên cả mệt nhọc".

Loại cây gợi sự nghèo đói một thời giờ giúp bà con thu trăm tỷ đồng - 1

Sắn được mùa, được giá, bà con vùng biên phấn khởi, vui mừng (Ảnh: Hạnh Linh).

Nhà A Pao trồng 2ha sắn, đã thu hoạch được 1ha, cho sản lượng 20 tấn. Với giá bán 2.100 đồng/kg, gia đình A Pao thu về hơn 40 triệu đồng. Trên đồi của gia đình còn khoảng 20 tấn sắn chưa thu hoạch.

Theo A Pao, năm nay sắn được mùa, giá cao hơn, dự tính nhà Pao sẽ có 40 tấn sắn củ và thu về hơn 80 triệu đồng.

Loại cây gợi sự nghèo đói một thời giờ giúp bà con thu trăm tỷ đồng - 2

Những bao tải màu trắng đầy sắn trên những khoảnh đồi ở huyện vùng biên Mường Lát (Ảnh: Hạnh Linh).

"Sắn được mùa, giá cao, gia đình A Pao có đồng ra đồng vào từ bán sắn, bữa cơm có thịt, vợ Pao đi chợ mua áo ấm cho các con. Tết năm nay nhà Pao sẽ no ấm hơn Tết trước", A Pao cười khoái chí.

Anh Sùng Seo Sểnh, Bí thư kiêm Trưởng bản Xa Lung, cho biết, bà con Xa Lung rất vui khi giá sắn tăng gấp đôi so với những năm trước.

Bản Xa Lung có 60 hộ và hầu hết các hộ trồng sắn. Sắn là cây trồng lâu năm, mang lại nguồn thu ổn định cho các hộ dân.

Loại cây gợi sự nghèo đói một thời giờ giúp bà con thu trăm tỷ đồng - 3

Nhờ hợp thổ nhưỡng, khí hậu sắn ở Mường Lát củ to, nhiều tinh bột (Ảnh: Hạnh Linh).

Theo anh Sểnh, đồng bào Mông ở Xa Lung xuống giống trồng sắn từ tháng 2, tháng 3 và bắt đầu thu hoạch vào tháng 10, 11 âm lịch. Sắn là loại cây dễ trồng, không tốn nhiều công và chi phí chăm bón.

"Sắn được mùa, giá cao bà con vui như Tết. Cứ cái đà này, chả mấy chốc mà đồng bào Mông ở Xa Lung sẽ thoát nghèo, có của ăn, của để", anh Sểnh vui mừng nói.

Loại cây gợi sự nghèo đói một thời giờ giúp bà con thu trăm tỷ đồng - 4

Nhiều thanh niên vùng biên mạnh dạn chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang trồng sắn (Ảnh: Hạnh Linh).

Nhìn bao tải trắng xếp chất chồng thành từng đống trên những sườn đồi, ông Hà Văn Tuấn, Chủ tịch UBND xã Mường Lý, cho biết, xã có gần 1.000ha sắn, trong đó khoảng 400ha trồng sắn chất lượng cao.

Cây sắn hợp thổ nhưỡng, khí hậu, chăm sóc đúng kỹ thuật nên cho củ to, nhiều củ, lượng tinh bột lớn nên luôn được giá.

Giá sắn thời điểm hiện tại là 2.100 đồng/kg. Nếu sắn có lượng tinh bột lớn thì có giá 2.200-2.500 đồng/kg. Uớc tính doanh thu từ sắn của địa phương đạt hàng chục tỷ đồng.

Loại cây gợi sự nghèo đói một thời giờ giúp bà con thu trăm tỷ đồng - 5

Sắn đang dần trở thành cây trồng chủ lực ở Mường Lát (Ảnh: Hạnh Linh).

Ông Tuấn cho biết, từ đầu vụ đến nay, thương lái từ khắp nơi đổ về đây để thu mua sắn. Những xe tải len lỏi vào từng bản để thu mua, tập kết rồi vận chuyển đi bán hoặc về các nhà máy chế biến.

Ông Nguyễn Văn Bình, Chủ tịch UBND huyện Mường Lát, cho biết, toàn huyện có gần 3.000ha sắn, bình quân 1ha sắn sẽ cho sản lượng 18 tấn, với giá bán giao động từ 2.100 đồng đến 2.600 đồng/kg sẽ thu về khoảng 110 tỷ đồng tiền sắn.

Loại cây gợi sự nghèo đói một thời giờ giúp bà con thu trăm tỷ đồng - 6

Thương lái đưa xe ô tô đến tận bản để mua sắn (Ảnh: Hoàng Trung).

Theo ông Bình, đây là năm đầu tiên đưa sắn vào trồng đại trà trên địa bàn huyện Mường Lát. Chính quyền địa phương phối hợp với Công ty CP sản xuất chế biến nông lâm sản và vật tư nông nghiệp Phúc Thịnh bao tiêu, thu mua sắn tại điểm tập kết.

"Sắn cho sản lượng cao, được giá, UBND huyện khuyến cáo bà con không nên đốt, phá rừng tự nhiên để trồng sắn. Và luôn tuân thủ theo hợp đồng, các điều khoản ràng buộc đã ký kết với công ty", ông Bình nói.