Văn hóa Đông và Tây: Kiến và ong?

Như một đứa trẻ bị đánh nhiều trở nên mất tự tin, hai cụm từ “văn hóa phương Đông” và “văn hóa phương Tây” bị lạm dụng nhiều trở nên mất 90% ý nghĩa.

 

Mở đầu là một số bức minh họa của anh Yang Liu, một họa sĩ người Trung Quốc đang du học tại Đức. Bên trái là văn hóa Đức, bên phải là văn hóa Trung Quốc. 

 

Văn hóa Đông và Tây: Kiến và ong? - 1

“Trình bày ý kiến”


Văn hóa Đông và Tây: Kiến và ong? - 2

“Ông sếp”

Văn hóa Đông và Tây: Kiến và ong? - 3

Lối sống”

Văn hóa Đông và Tây: Kiến và ong? - 4

“Bực mình”

Văn hóa Đông và Tây: Kiến và ong? - 5

“Trẻ em”

Văn hóa Đông và Tây: Kiến và ong? - 6

“Xếp hàng”

Văn hóa Đông và Tây: Kiến và ong? - 7

“Cuộc sống người già”

Văn hóa Đông và Tây: Kiến và ong? - 8
“Tiệc tùng”

Văn hóa Đông và Tây: Kiến và ong? - 9

“Quan hệ xã hội”

Văn hóa Đông và Tây: Kiến và ong? - 10
“Nói chuyện tại nhà hàng”

Văn hóa Đông và Tây: Kiến và ong? - 11

“Tính đúng giờ”

Văn hóa Đông và Tây: Kiến và ong? - 12

“Cái tôi”

Văn hóa Đông và Tây: Kiến và ong? - 13

“Du lịch”

Có phải những bức minh họa trên so sánh văn hóa phương Đông với văn hóa phương Tây? (Mặc dù họa sĩ nói so sánh văn hóa Đức với văn hóa Trung Quốc.) Có phải những bức bên trái có nhiều điểm chung thuộc văn hóa Phương Tây, bên phải nhiều điểm chung thuộc văn hóa phương Đông? 

 

Tôi nghĩ không. 

 

Thế giới phương Tây đa dạng; nhiều nền văn hóa khác nhau đến mức rất khó tìm ra điểm chung. Thế giới phương Đông càng đa dạng, tìm ra điểm chung là nhiệm vụ bất khả thi. 

 

Ai từng đi Thụy Sĩ và Ý biết hai văn hóa thuộc hai nước này khác nhau như pizza và socola. Ai từng đi Việt Nam và Nhật (trong đó có tôi) biết hai văn hóa thuộc hai nước đó khác nhau như phở và sushi! Một người giỏi tranh luận có thể bảo vệ quan điểm rằng “Văn hóa Thụy Sĩ gần với văn hóa Nhật Bản hơn với văn hóa Ý,” hoặc “Văn hóa Việt Nam gần với văn hóa Ý hơn với văn hóa Nhật Bản.” Người Nhật xếp hàng giống cách người Thụy Sĩ. Người Ý “quý sếp” giống cách người Việt, v.v. 

 

Tôi thường nói “Người Tây có quan điểm A, sở thích B...” Chắc do nhiều trang báo nhờ tôi viết bài về “Quan điểm của người Tây về phụ nữ Việt Nam”, hoặc “Cách nhìn của người Tây về Tết Nguyên Đán” nên cái tôi của tôi mở rộng, bị nhầm lẫn quan điểm của Joe và quan điểm tất cả các người Tây đang đi lại trên trái đất. Ảo tưởng tự đại...sứ.

 

Nói chung văn hóa phương Tây là…Nói chung văn hóa phương Đông là….

 

Viết vậy không khác gì tôi viết: “Nói chung khí hậu ở bán cầu bắc là rất dễ chịu.”

 

Tùy nước, tùy vùng.

 

Tùy trường hợp nữa. Nhìn lại bức tranh “Bực mình” trên. Đúng là có nhiều trường hợp người Canada khi thấy bực mình sẽ nói bực mình, người Việt Nam khi thấy bực mình sẽ nói “vui qúa!”. Nhưng cũng có trường hợp ngược lại. Ví dụ, một người khách làm mất thời gian của bà chủ cửa hàng, chọn, lựa, mặc thử liên tục, cuối cùng đi ra không mua gì hết. Trong trường hợp đó bà chủ ở hai nước sẽ thấy bực mình, nhưng tỷ lệ khách Việt Nam bị “chửi-đuổi” sẽ cao hơn. 

 

Con kiến và con ong

 

Thay vì nói “văn hóa phương Đông” và “văn hóa phương Tây”, hai cụm từ rất tối nghĩa, tôi muốn đưa ra một cách so sánh khác: Văn hóa con kiếnVăn hóa con ong. Đó là hai cách tổ chức xã hội thuộc về lý thuyết, không liên quan vĩ độ, màu da, hay bất cứ yếu tố địa phương nào khác.

 

Tôi chọn con ong và  con kiến vì cả hai đều là loại côn trùng xã hội (“Vì ta cần nhau”) nhưng lại có lối sống khác nhau. Con ong bay thẳng từ bông hoa này sang bông hoa khác, làm việc độc lập, có thể ở một mình trong thời gian dài nhưng khi cần thì rất biết làm việc nhóm. Con kiến bò từ điểm A sang điểm B là theo con đường ngoằn ngoèo, phức tạp. Nhưng trên con đường ngoằn ngoèo ấy các chú kiến luôn bò cùng nhau, giúp đỡ nhau, chăm sóc lẫn nhau...tóm lại, con kiến rất “nhau”.

 

Một con ong có thể  tự thụ phấn cho hoa; một nhóm con kiến khi thấy chiếc lá hấp dẫn muốn chuyển sẽ cắt nhỏ, chia mỗi chú một miếng.

 

Thêm vào đó, các tổ ong chia thành “phòng” hình lục giác, mỗi “gia đình” có không gian riêng của mình, kiến trúc vừa đơn giản vừa hiệu quả. Các tổ kiến có nhiều gia đình một phòng, kiến trúc không đơn giản chút nào nhưng đường phố ngõ ngách các chú kiến biết hết.  
 

 

Văn hóa Đông và Tây: Kiến và ong? - 14

Trái: bên trong “nhà ong”. Phải: mẫu bên trong tổ kiến. 

 

Một số đặc điểm của văn hóa con kiến

 

- tính cộng đồng cao

 -“Sống chung với lũ”

 - nhiều mối quan hệ  do “cuộc sống tặng”

 - tập trung vào quá  trình làm việc

 - yêu sự hài hòa và cân đối

 - nhà nhiều thế hệ cùng sống

 - chấp nhận “vùng xám” lớn

 - uốn lưỡi bảy lần trước khi nói

 
Một số  đặc điểm của văn hóa con ong

 

- đi thẳng vào vấn đề

- đề cao cái tôi  

- nghĩ sao nói vậy 

- thích đen trắng (chấp nhận vùng xám nhưng phải nhỏ)

- tôn trọng không gian riêng của người khác

- “sống để chống lũ”

 -người trẻ và người già khá độc lập

- nhà thường 2 thế  hệ cùng sống

 - tập trung vào kết quả

 - mối quan hệ chủ yếu là “tự tặng mình”

 

Văn hóa nào cũng có chút “chất kiến”, chút “chất ong”. Nếu “văn hóa con ong nguyên chất” xếp hẳn vào bên trái thước đo của tôi (số 1) và “văn hóa con kiến nguyên chất” xếp hẳn bên phải (số 10) thì tôi nghĩ văn hóa Mỹ sẽ là số 2 và văn hóa Việt Nam sẽ là số 8. 

 

Tôi thấy văn hóa  Ý, đặc biệt vùng miền Nam và đảo Sicilia, có nhiều khía cạnh rất “kiến”. Ngược lại, tôi thấy văn hóa Nhật Bản có nhiều khía cạnh rất “ong”, có thể nói “Tây hơn cả Tây”. (Những khía cạnh đó tôi sẽ để cho các bạn tự nghiên cứu.) Tôi xếp đảo Sicilia vào số 6 và đảo Nhật Bản vào số 4.5.

 

Nga nghiêng về bên con kiến. Singapore nghiêng về bên con ong. Úc thì rất ong. Thái thì rất kiến. 

 

Hàn Quốc trước đây là số 9 nhưng bây giờ là số 7. Canada tôi cho là số 4. Canada vốn là đất nước có hai văn hóa Pháp và Anh, nên người Canada rất hiểu cụm từ “sống chung”, sống hạnh phúc với những gì mình đang có. Các văn hóa thuộc Châu Phi, Trung Quốc, Ấn Độ chủ yếu là văn hóa con kiến; do vậy, trên thế giới “dân kiến” đông hơn “dân ong”. Văn hóa Nam Mỹ kiến hơn văn hóa Bắc Mỹ. Các gia đình Nam Mỹ “Việt Nam” hơn, sống tình cảm, chấp nhận một “vùng xám” lớn. 

 

Thôi, đủ rồi. Đánh giá từng nền văn hóa không phải mục đích của tôi. Mục đích của tôi là đưa ra một cách so sánh mới, tôn trọng sự đa dạng của thế giới phức tạp này. Và một mục đích nữa – phân tích xu hướng.

 

Từ  kiến sang ong

 

Tôi thấy xu hướng chính là từ văn hóa con kiến “dịch chuyển” sang văn hóa con ong. Chúng ta nên nhớ rằng, nhiều văn hóa Châu Âu ngày xưa đã rất con kiến; cách đây mấy trăm năm các gia đình ăn chung, dùng chung một con dao mà chưa có nĩa (wikipedia, “Medieval cuisine”). Thời đó các đại gia đình gần gũi với nhau hơn.
 

 

Văn hóa Đông và Tây: Kiến và ong? - 15

Ngày xưa người Tây  ăn chung một cách rất Ta

 

Yếu tố chính làm thay đổi nhiều nền văn hóa ở Châu Âu là do công nghệ. Nhờ sự phát triển của công nghệ và công nghiệp, những mối quan hệ trước đây coi là “bắt buộc” (dựa vào nhau mà sống), đã thành “tùy ý” (dựa vào nhau nếu thích). Có thể sống độc lập...vì công nghệ. Có thể có nhà riêng...vì công nghệ. Có thể kiếm tiền một mình...vì công nghệ.

 

Công nghệ cho phép giới trẻ chọn một cuộc sống “ong” hơn. Và nhiều giới trẻ chọn đúng như thế.

 

Thời cách mạng công nghiệp “văn hóa con ong” đã thu hút nhiều giới trẻ phương Tây, còn thời bây giờ “văn hoa con ong” đó đang thu hút nhiều giới trẻ Việt Nam. Ví dụ, hỏi 100 học sinh Việt Nam “Nếu có cơ hội em sẽ chọn đi du học ở đâu?” tôi nghĩ hơn 80 học sinh ấy sẽ chọn đất nước có nền văn hóa con ong. Phim “con ong” rất thành công ở thị trường “con kiến” này. Con ong bay, nhiều giới trẻ Việt Nam chạy theo.

 

Đó là xu hướng chính. Nhưng tôi thấy có một xu hướng phụ cũng rất thú vị. Đó là giới trẻ ở nhiều nơi có nền văn hóa con ong đang bắt đầu tìm ý nghĩa cuộc sống ở văn hóa con kiến! Vật chất thì ổn nhưng tinh thần thì chưa. Thay vì đi siêu thị họ chọn đi chợ, mặc cả một chút, nói vui với các anh chị bán hàng. Thay vì ô-tô họ đi xe đạp. Thay vì cố gắng giải quyết mọi vấn đề trong đời, họ học theo đạo Phật, đạo Lão, đạo Ấn, hoặc quyển sách bestseller dạy đời – cứ từ từ mà sống.

 

Con ong bay về phía  biển, giới trẻ Việt Nam chạy theo. Con kiến bò về phía núi, giới trẻ Canada chạy theo. Triết học đôi khi rất hài hước.

 

Joe