Tâm điểm
Vân Thiêng

Mở rộng đường Láng: Tầm nhìn của những dự án "đắt nhất hành tinh"

Sở Giao thông- Vận tải (GTVT) Hà Nội vừa có báo cáo gửi UBND thành phố đề xuất chủ trương đầu tư, nghiên cứu tiền khả thi 11 dự án công trình giao thông sắp xây dựng trên địa bàn. Một trong số đó là dự án mở rộng đường vành đai 2 đoạn từ Ngã Tư Sở đến Cầu Giấy.

Dù mới chỉ đề xuất, nhưng thông tin trên đã làm nức lòng nhiều người dân Hà Nội. Nhất là những người thường xuyên phải di chuyển hằng ngày qua nút giao thông Ngã Tư Sở - một điểm nóng về ùn tắc giao thông từ nhiều năm nay.

Theo đó, đoạn đường Láng 3,8 km từ Ngã Tư Sở đến Cầu Giấy sẽ được đầu tư mở rộng cả dưới thấp và làm đường trên cao, nối dài tuyến đường trên cao Vĩnh Tuy -  Ngã Tư Sở đang khai thác hiện nay.

Mở rộng đường Láng: Tầm nhìn của những dự án đắt nhất hành tinh - 1

Phân cách giữa tuyến đường Láng trồng cây xà cừ, tuổi đời hàng chục năm, tán rộng, mát mẻ (Ảnh: Hữu Nghị)

Với đoạn đường Láng dưới thấp, sẽ mở rộng lên đến 53,5m, gấp đôi hiện tại (đang có mặt cắt mỗi chiều 10,5m); tổng mức đầu tư dự kiến 17.241 tỷ đồng.

Với đoạn đường trên cao, dự kiến mặt cắt chiều rộng 19m, tương tự đường dưới thấp hiện tại; tổng mức đầu tư dự kiến hơn 3.800 tỷ đồng.

Đây quả là một tin vui. Rất vui là đằng khác. Bởi, với việc hoàn thiện 3,8 km cuối cùng này, tuyến đường vành đai 2 trên cao đoạn Vĩnh Tuy - Ngã Tư Sở sẽ khép kín, phát huy tối đa công năng, giảm áp lực giao thông cho nút giao Ngã Tư Sở, góp phần tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội thành phố.

Với 17.241 tỷ đồng để làm đoạn đường 3,8 km dưới thấp, tính ra, mỗi mét đường Láng mở rộng có giá gần 4,54 tỷ đồng, hay mỗi km đường mở rộng khoảng 4.540 tỷ đồng. Một con số không khỏi làm người ta choáng váng vì độ đắt đỏ.

Hà Nội từng có 5 đoạn đường được xem là "đắt nhất hành tinh". Một trong số đó là dự án tuyến đường vành đai 1 đoạn Hoàng Cầu - đền Voi Phục (hơn 2,2km, kinh phí hơn 7.200 tỷ đồng). Với bình quân 3,2 tỷ đồng/m; đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục có kinh phí cao gấp gần 3 lần đoạn Kim Liên - Ô Chợ Dừa (hơn 1,1 tỷ đồng/m) và gấp hơn 2 lần tuyến Ô Chợ Dừa - Hoàng Cầu (1,4 tỷ đồng/m).

Ngoài ra, còn có các dự án đường Ô Đông Mác - Nguyễn Khoái (quận Hai Bà Trưng), đường Nguyễn Văn Huyên (Cầu Giấy)… Vì vậy, với gần 4,54 tỷ đồng/m, đường Láng mở rộng nếu được thi công với kinh phí nêu trên, sẽ phá vỡ mọi kỷ lục đắt đỏ về những con đường của Hà Nội từng được mệnh danh là "đắt nhất hành tinh".

Nhiều người sẽ nói rằng "đắt cũng phải làm". Bởi thống kê cho thấy lưu lượng thực tế qua nút giao Ngã Tư Sở đã đạt tới 8.000 phương tiện/giờ, trong khi nó chỉ được thiết kế với lưu lượng tối đa 3.000 phương tiện/giờ. Cho nên, không thể cứ nhân danh cái nghèo để Hà Nội mãi không thoát ra khỏi hình ảnh một thành phố có hệ thống giao thông nội đô luộm thuộm, chật hẹp và người dân hàng ngày phải khổ sở vì ùn tắc giao thông ngay cửa ngõ vào thành phố như hiện nay.

Nhưng khi nhắc đến những đoạn đường được gắn cho cái tên "đắt nhất hành tinh", cũng như nhiều người, tôi vẫn buột miệng "giá mà" (lại giá mà) Hà Nội được quy hoạch bài bản, có tầm nhìn dài hạn hơn và quản lý quy hoạch tốt hơn. Đường Trường Chinh, đường Láng và nhiều tuyến đường khác chỉ cần được tính toán, quy hoạch với tầm nhìn từ 50 - 100 năm, thì có lẽ bây giờ, thành phố không phải chi một số tiền quá lớn cho việc giải phóng mặt bằng để mở rộng. Vì như dự án mở rộng đường Láng này nếu được phê duyệt, thì hơn 96,8% kinh phí (tương đương 16.700 tỷ đồng) đã dành cho công tác giải phóng mặt bằng, chỉ còn lại hơn 3%, tức 541 tỷ đồng cho xây lắp!

Không chỉ thế, cách phát triển hạ tầng giao thông này còn gây xáo trộn cuộc sống, công ăn việc làm của nhiều người dân vì câu chuyện quy hoạch, rồi thu hồi, rồi tới đây có thể là giải phóng mặt bằng, thi công…

Viết đến đây, tôi nhớ tới luật sư Trương Trọng Nghĩa - đại biểu Quốc hội đoàn TPHCM, khi ông nói rằng, "Không thể có đô thị đáng sống nếu lãnh đạo thiếu tầm nhìn".

Hơn 3 thập kỷ hội nhập với thế giới, không thể nói là chúng ta thiếu kiến thức, năng lực quy hoạch và quản lý sử dụng đất để có thể tạo ra những đô thị đáng sống với hạ tầng giao thông, kỹ thuật hiện đại, môi trường sống xanh, sạch, văn minh. Tiếc là, nhiều đô thị lớn, nhất là Hà Nội và TPHCM vẫn chưa khắc phục được tình trạng vi phạm trật tự xây dựng; quy hoạch đô thị chất lượng thấp, không bền vững; quy hoạch chi tiết bị điều chỉnh theo lợi ích của các chủ dự án, đẩy bất lợi về phía người dân và xã hội.

Mở rộng đường Láng: Tầm nhìn của những dự án đắt nhất hành tinh - 2

Đường láng có 2 chiều, dài gần 4km từ Ngã Tư Sở đến ngã tư Cầu Giấy (Ảnh: Google Maps).

Khu vực nội đô vốn đã chật chội lại được nhồi nhét ngày càng nhiều các chung cư cao tầng; cứ mưa là ngập, môi trường ô nhiễm và thiếu hụt nghiêm trọng phương tiện giao thông công cộng.

Dẫu biết rằng mọi sự so sánh đều khập khiễng, nhưng không thể phủ nhận là các nước tiên tiến ở châu Á như Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc… đều lấy quy hoạch làm công cụ quan trọng để quản lý và phát triển đô thị hiện đại; nhiều nước còn có cả luật quy hoạch đô thị. Trong đó, luật quy hoạch đô thị của Nhật Bản có nhiều điểm phù hợp mà chúng ta có thể học tập.  

Nhờ tầm nhìn trăm năm trong quy hoạch đô thị mà Nhật Bản (đất nước có hơn 123 triệu dân) đã có hệ thống giao thông hoàn hảo. Hệ thống đường sắt Nhật Bản, được xem là hiện đại nhất thế giới, mỗi năm vận chuyển hơn 22,65 tỷ lượt hành khách. Riêng vùng thủ đô Tokyo với khoảng 38 triệu dân (gồm thành phố Tokyo và các thành phố lớn khác như Yokohama, Chiba…) đã sở hữu mạng lưới 120 tuyến đường sắt đô thị với gần 900 nhà ga, vận chuyển gần 40 triệu lượt hành khách mỗi ngày, do khoảng 30 công ty khác nhau vận hành.  

Người Nhật khi quy hoạch đô thị, chú trọng 3 sản phẩm chính là: quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch hạ tầng và danh mục các dự án phát triển. Trong đó, quy hoạch sử dụng đất đô thị là nội dung chủ yếu, quyết định đến tính đồng bộ giữa phát triển hạ tầng giao thông với hạ tầng dân cư và lĩnh vực thương mại dịch vụ, đảm bảo nguyên tắc cơ bản là hài hòa lợi ích nhà nước với người dân. 

Quay trở lại với chúng ta, những khó khăn, tốn kém trong việc giải phóng mặt bằng khi mở rộng những tuyến vành đai 1, vành đai 2, vành đai 2,5 và các tuyến đường sắt đô thị ở Hà Nội, TPHCM… có nguyên nhân chính từ tình trạng quy hoạch và quản lý quy hoạch thiếu đồng bộ, thiếu tầm nhìn mà ra. Những khiếm khuyết đó không chỉ làm tổn thất lớn cho nền kinh tế, mà còn ảnh hưởng lớn đến cuộc sống người dân.

Những quốc gia tiên tiến trên thế giới đã biết biến đất nước họ thành những đô thị và làng mạc đáng sống cho người dân, xem đó là điều kiện để phát triển bền vững. Đó là những mô hình phát triển Việt Nam có thể học tập. Nhưng muốn vậy, chúng ta phải có đội ngũ cán bộ lãnh đạo có tầm nhìn và tư duy hành động vượt lên nhiệm kỳ.

Tác giả: Ông Nguyễn Vân Thiêng là nhà báo với hơn 30 năm trong nghề, hiện công tác tại Đài Tiếng nói Việt Nam.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!