1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Vương quốc đá độc nhất vô nhị ở Việt Nam

Vì thú say mê những viên đá, có một người đã bán đi 4 căn nhà ở đường Đồng Khởi và Mạc Thị Bưởi (quận 1, TPHCM) để lấy vàng mang đi mua… đá. Người ấy là Đinh Công Phương, 60 tuổi, chủ nhân của Công viên đá độc nhất vô nhị ở Việt Nam.

Ông Phương quê gốc ở Bắc Giang, theo gia đình vào miền Nam sinh sống từ nhỏ. Khi còn đi học, ông và bạn là họa sĩ Nguyễn Hữu Châu (tốt nghiệp thủ khoa Cao đẳng Mỹ thuật Sài Gòn) hay rủ nhau đi chơi. Tới nơi, người thì vẽ tranh, người thì đi tìm những hòn đá đủ góc cạnh mang về nhà. Vốn ghét lính Mỹ, ông Phương không thèm học tiếng Anh và kiên quyết không chịu đi lính.

 

Ông đã làm mẫu cho anh Châu vẽ hàng chục bức tranh phản chiến. Bị bắt vào quân dịch, ông dùng súng bắn vào ngón trỏ trái đứt lìa “để không phải bắn vào đồng bào”. Có một thời gian dài ông Phương sống bằng nghề khai thác lâm sản, dùng xe ben đào đá, tìm vàng. Trong những lần đi lang thang trong rừng, ông Phương bắt gặp nhiều hòn đá đẹp mê hồn và đã gom góp chúng lại.

 

Phải lần mò dưới suối, chui vào từng lùm cây, bụi cỏ… ở nhiều vùng quê khác nhau để tìm đá. Năm nào ông cũng bỏ vài tháng đi tìm chúng. Ông còn bỏ tiền mua những viên đá đẹp của những người dân tìm được. Những năm sau này, để làm dày thêm bộ sưu tập của mình, ông Phương đã phải bán đi 4 căn nhà “đang cho thuê mỗi tháng vài ngàn USD” để mua đá.

 

Trên căn nhà khang trang ở đường Đồng Khởi, ông dành trọn 2 tầng để trưng bày những hòn đá kỳ dị đủ thứ màu sắc và hình dạng. Mỗi viên có một câu chuyện riêng, lý thú. Ví dụ như bộ sưu tập 3 viên đá ông gọi là Hằng Nga (dáng giống Hằng Nga), Cuội già và cây đa. Dưới góc nhìn của ông, tất cả viên đá vô tri đều có hồn, có cuộc sống riêng trong thế giới đá.

 

Công viên đá Ngọc Châu của ông Phương nằm ở cạnh cầu Đại Nga (Lộc Nga, thị xã Bảo Lộc, Lâm Đồng) có đủ các hình thù đá lung linh sắc màu. Đó là một công viên đá tầm cỡ, rộng 4 ha đã hình thành và là điểm tham quan của nhiều người. Thả bộ trong công viên, khách như được đắm mình vào không gian xa vắng, thanh bình, thỏa sức ngắm nghía trên 200 tác phẩm đá lớn và trên 1.000 tác phẩm đá nhỏ được trình bày khoa học, công phu và… trữ tình.

 

Trong công viên, ông Phương mua hàng trăm căn nhà sàn của người dân tộc về để thiết kế lại thành trên 20 căn nhà cho khách xa nghỉ lại. Đặc biệt, nơi đây còn có những căn nhà mà cột kèo được làm bằng hàng trăm cây cà phê mít có tuổi đời trên trăm năm.

 

Chỉ vào bãi đá sau công viên, ông Phương cho biết: “Bãi đá này là nơi trước đây các chủ đồn điền người Pháp, người Việt thường tổ chức vui chơi, đãi tiệc ngoài trời. Có lần họ mời được cả vua Bảo Đại tham dự. Bãi đá ấy, bây giờ người ta vẫn gọi là bãi đá Bảo Đại”.

 

Nhưng độc đáo hơn vẫn là dòng thác ngầm, vốn là miệng ngọn núi lửa đã tắt. Dù cách xa dòng sông 100 m, lại cao hơn mặt sông 30 m, nhưng dòng thác ngầm này vẫn ngày đêm tuôn chảy, nước trong vắt, người dân gọi là nước nguồn. “Mùa nào nước cũng chảy như thế cả. Tôi đã đi lấy mẫu mang về xét nghiệm ở TP HCM tất cả đều cho kết luận: Đạt tiêu chuẩn nước khoáng đóng chai”.

 

Ông Phương trăn trở: “Tôi muốn lập một bảo tàng đá để mọi người có dịp tìm hiểu nhiều hơn về những loại đá của Việt Nam. Việt Nam có nhiều loại đá mà người nước ngoài rất thích, chúng có thể dùng làm trang trí, vật liệu xây dựng, đồ trang sức… Nhưng một bảo tàng 4 ha thì vẫn nhỏ quá”.

 

Theo Đăng Giới
Tiền Phong