“Uống 1 cốc nước dừa vừa bị tính tiền nước vừa tính tiền ghế ngồi”

(Dân trí) - “Nhiều nơi làm du lịch chỉ 3 tháng để ăn cả năm. Nhiều bãi biển phía Bắc chỉ kinh doanh 3 tháng hè, vì thế họ tận thu trong thời gian đó. Uống 1 cốc nước dừa vừa bị tính tiền nước vừa tính tiền ghế ngồi, khiến du khách vô cùng bức xúc”- Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga thẳng thắn khi phát biểu về dự thảo Luật Du lịch ngày 8/11.

Thượng tượng Tô Lâm - Bộ trưởng Bộ Công an phát biểu tại buổi thảo luận sáng 8/11 (Ảnh: Thế Kha)
Thượng tượng Tô Lâm - Bộ trưởng Bộ Công an phát biểu tại buổi thảo luận sáng 8/11 (Ảnh: Thế Kha)

Phát biểu tại tổ về dự thảo Luật Du lịch, Thượng tướng Tô Lâm - Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, người nước ngoài vào Việt Nam du lịch đi máy bay của nước ngoài, ở khách sạn nước ngoài (liên doanh đầu tư), ăn ở, mua bán, đi lại ô tô cũng do các công ty liên doanh nước ngoài thực hiện, còn chi cho doanh nghiệp Việt Nam rất ít.

“Đi từ Hà Nội xuống Hạ Long (Quảng Ninh) thì Nhật Bản, Hàn Quốc người ta có hết, các công ty du lịch Hàn Quốc, Nhật Bản đã vào làm hết rồi. Rồi mua xong cũng chẳng cần mang về mà có dịch vụ. Tôi rất băn khoăn khi nói là người nước ngoài vào đây tiêu 1 ngày mấy trăm USD. Nói vậy để nhân lên nhưng tôi thấy khó khăn lắm. Cái đó để thấy vì sao các công ty du lịch hiện nay không hạch toán được, không đóng góp được phần tu tạo di tích, danh lam thắng cảnh. Tất cả đều phải ngân sách nhà nước cả, trong khi đó ngân sách nhà nước đầu tư rất nhiều cho du lịch. Nếu hạch toán kỹ lưỡng thì không thu lại được phần vốn”- ông Tô Lâm nói.

Theo ông Tô Lâm, nếu coi du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, “công nghiệp không khói” thì hơi lạc quan quá. “Các nước thì họ làm rất bài bản. Ví dụ như Thái Lan, mặc dù giá người ta rất thấp nhưng không ai đi Thái Lan mà không mang theo ít nhất 500 - 1.000 USD để mua bán hàng hóa. Chứ sang Việt Nam họ chả mua được thứ gì, hàng hóa rất ít. Tôi rất băn khoăn...

Hình ảnh chung của du lịch Việt Nam là “sao” thấp, không có những tour cao cấp, mà chủ yếu là khách đại trà, du lịch ba lô, tự phát. Đi vào có khi tiêu 5 - 7 USD/ ngày, mua chai nước, mua bánh mì, tự thuê xe máy, xe đạp đi. Hiệu quả là có vấn đề”- ông nói.

"Như vậy là xấu hổ"

Trong khi đó, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng an toàn giao thông, an toàn thực phẩm không bảo đảm, nạn chặt chém trong du lịch vẫn tiếp diễn... khiến du khách “một đi không trở lại”.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga (Ảnh: Thế Kha).
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga (Ảnh: Thế Kha).

“Nhiều nơi làm du lịch chỉ 3 tháng để ăn cả năm. Nhiều bãi biển phía Bắc chỉ kinh doanh 3 tháng hè, vì thế họ tận thu trong thời gian đó. Uống 1 cốc nước dừa vừa bị tính tiền nước vừa tính tiền ghế ngồi, khiến du khách vô cùng bức xúc”- bà Nga nói.

Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh nhấn mạnh, Việt Nam có rất nhiều tiềm năng về du lịch. Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII cũng xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn. Mặc dù số lượng khách du lịch đến Việt Nam trong những năm qua đều tăng lên nhưng chất lượng, phục vụ du lịch vẫn còn rất nhiều vấn đề, yếu kém. Đáng chú ý, số lượng khách quay trở lại rất ít, tỷ lệ không quá 10% đặt ra bài toán phát triển du lịch.

“Chúng ta không nên cạnh tranh với thế giới bằng những công trình hiện đại mà nên có những chính sách khuyến khích đầu tư phát triển du lịch biển, đảo, sinh thái, vốn là thế mạnh của đất nước”- Phó Chủ tịch nước nói.

Một thực trạng đáng buồn khác, theo bà Thịnh, chính là sự nghèo nàn về các sản phẩm du lịch. “Khi mọi người đi nước ngoài thì ít nhất cũng có một vài túi quà mang về, nhưng đến các điểm du lịch Việt Nam thì không biết mua cái gì mang về… Thậm chí có nơi tôi đến thấy sản phẩm du lịch quá nghèo nàn, mà hàng nước ngoài lại là chính. Vậy nên chăng cần có những quy định về sản phẩm du lịch và có quy định về tỷ lệ hàng việt bày bán ở nơi đó?”- Phó Chủ tịch nước nêu thực tế.

Đại biểu Vũ Trọng Kim (Hải Dương) thẳng thắn: “Việt Nam có tiềm năng du lịch lớn nhưng cứ chạy mãi theo người ta, chạy mãi mà không kịp, bây giờ tìm cách đuổi kịp người ta và trỗi dậy nhưng rất khó khăn”.

Ông Kim dẫn chứng, du lịch của Việt Nam đứng thứ 5 ASEAN, lượng khách 1 năm chưa được 8 triệu, trong khi Thái Lan là 29 triệu, như vậy Việt Nam chỉ bằng 31% Thái Lan. “Như vậy là xấu hổ, một đất nước nhiều di tích lịch sử công trình văn hóa, thiên nhiên đẹp mà không làm được”- ông nói.

Đề xuất thành lập cảnh sát du lịch

Đại biểu Đào Thanh Hải - Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội cho biết, đối với Hà Nội, TPHCM và một số địa phương có du lịch phát triển đã dự định thành lập cảnh sát du lịch ở một số địa bàn trọng điểm.

"Nếu thành lập cảnh sát du lịch như Thái Lan sẽ đảm bảo quyền lợi du khách và các tổ chức hoạt động về du lịch và thúc đẩy ngành này phát triển. Quan điểm của tôi là nên thành lập”-ông Hải nói.

Không đồng tình, đại biểu Trần Thị Phương Hoa (Hà Nội) cho rằng, Nhà nước đang thực hiện tinh giản biên chế, Bộ Công an cũng đang thực hiện sáp nhập, thu gọn đầu mối, trong khi du lịch Việt Nam chưa phát triển đến mức phải thành lập lực lượng này.

“Khách du lịch quốc tế đến Việt Nam có nhiều đơn vị quản lý. Nếu thành lập thêm Cục cảnh sát Du lịch sẽ kéo thêm một bộ máy. Đề nghị không thành lập thêm, có chăng là tăng thêm trách nhiệm của lực lượng công an, chứ không nên thành lập riêng bộ máy"- bà Hoa nêu quan điểm.

Thế Kha