1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

"Tước" mất máy ảnh, máy ghi âm nhà báo tác nghiệp thế nào tại Tòa?

Nguyễn Hải

(Dân trí) - "Nhà báo có máy ảnh, máy ghi âm để hành nghề mà bây giờ lại "tước" mất thì họ tác nghiệp thế nào?", quan điểm của luật sư Bùi Đình Ứng về dự Luật Tổ chức tòa án nhân dân sửa đổi đang hướng tới.

Liên quan đến việc dự Luật Tổ chức tòa án nhân dân sửa đổi hạn chế, thắt chặt ghi âm, ghi hình của báo chí tại các phiên tòa xét xử công khai, một số đại biểu Quốc hội và luật sư cho rằng việc này không phù hợp với xu thế phát triển thông tin hiện nay. 

Tòa xét xử công khai cần có sự tham gia của báo chí

Theo đó, tại khoản 3 Điều 141 dự thảo luật Tổ chức tòa án nhân dân (sửa đổi) mới nhất quy định: "Việc ghi âm lời nói, ghi hình ảnh của hội đồng xét xử, thẩm phán, người tiến hành tố tụng khác chỉ được thực hiện trong thời gian khai mạc phiên tòa, phiên họp khi có sự đồng ý của chủ tọa".

Cho ý kiến về vấn đề này, Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng dự thảo luật Tổ chức tòa án nhân dân (sửa đổi) quy định như vậy sẽ hạn chế quyền tác nghiệp của báo chí tại phiên tòa. 

Ông Hòa cho biết, đối với những phiên xét xử công khai cần có sự tham gia của báo chí và báo chí đã làm rất tốt công tác tuyên truyền pháp luật. 

Việc tự do ngôn luận của báo chí là rất quan trọng nên không cần thiết phải hạn chế việc ghi âm, ghi hình của nhà báo tại các phiên tòa công khai.

"Tôi nghĩ rằng việc hạn chế ghi âm, ghi hình tại phiên tòa công khai sẽ ảnh hưởng đến tác nghiệp của nhà báo rất lớn nên không cần phải làm điều này", ông Hòa nhấn mạnh và cho rằng tại phiên tòa, nếu nhà báo muốn ghi hình của bị cáo, Hội đồng xét xử và những người tham gia khác cần có sự đồng ý của họ. 

Trong trường hợp nhà báo viết sai nội dung của những người có mặt tại phiên tòa họ phải chịu trách nhiệm và bị xử lý theo quy định. 

Còn luật sư Bùi Đình Ứng, Đoàn luật sư TP Hà Nội đánh giá khoản 3 Điều 141 dự thảo luật Tổ chức tòa án nhân dân (sửa đổi) đang có mâu thuẫn với Luật Báo chí.

Tước mất máy ảnh, máy ghi âm nhà báo tác nghiệp thế nào tại Tòa? - 1

Các nhà báo tác nghiệp tại trụ sở Tòa án Nhân dân TP Hà Nội (Ảnh: Vũ Ân).

Bởi tại điểm d, khoản 2, Điều 25 (quyền và nghĩa vụ của nhà báo) của Luật Báo chí 2016 nêu rõ, nhà báo được hoạt động nghiệp vụ báo chí tại các phiên tòa xét xử công khai; được bố trí khu vực riêng để tác nghiệp; được liên lạc trực tiếp với người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng để lấy tin, phỏng vấn theo quy định của pháp luật...

Đưa tin diễn biến phiên tòa để tuyên truyền, phổ biến pháp luật

Theo luật sư Bùi Đình Ứng, muốn hạn chế việc nhà báo ghi âm, ghi hình tại phiên xét xử công khai cần có cơ sở đánh giá, tổng kết về hoạt động này trong thời gian qua diễn ra như thế nào, ảnh hưởng đến phiên tòa ra sao. 

"Phải có kết quả đánh giá từ thực tiễn, báo cáo cụ thể mới đưa ra hạn chế", ông Ứng nói và nhìn nhận việc báo chí đưa tin các diễn biến tại phiên tòa là để tuyên truyền, phổ biến pháp luật, và việc làm này rất hiệu quả. 

Song nếu hạn chế việc ghi âm ghi hình của nhà báo cũng dẫn đến hạn chế của người dân trong việc theo dõi các diễn biến tại phiên tòa. 

Do đó, ông Ứng cho rằng không có lý do gì lại hạn chế nhà báo ghi âm, ghi hình tại các phiên xét xử công khai.

Nếu đánh giá việc ghi âm, ghi hình của nhà báo gây ảnh hưởng tâm lý của hội đồng xét xử chúng ta có thể quy định về vấn đề đi lại của nhà báo. Nhà báo được tác nghiệp ở thời điểm nào của phiên tòa và việc này do thẩm phán quyết định. 

Thời gian còn lại cần có phòng riêng để báo chí tác nghiệp, đưa tin về diễn biến phiên tòa. 

"Đất nước đang phát triển mạnh mẽ, thời đại công nghệ số nhưng các phóng viên đưa tin tại phiên tòa lại ghi chép bằng tay rồi sau đó mới ngồi viết lại bằng máy tính là không phù hợp với xu thế. 

Tôi cho rằng, dự thảo luật Tổ chức tòa án nhân dân sửa đổi cần phải xem xét một cách cẩn trọng, khách quan. 

Nhà báo có máy ảnh, máy ghi âm để hành nghề mà bây giờ lại tước mất thì họ sẽ tác nghiệp thế nào tại Tòa", luật sư Ứng nhấn mạnh, đồng thời đề nghị không nên hạn chế việc ghi âm, ghi hình của nhà báo tại phiên tòa công khai. 

Tước mất máy ảnh, máy ghi âm nhà báo tác nghiệp thế nào tại Tòa? - 2

Ông Trần Ngọc Vinh, Phó trưởng Đoàn ĐBQH TP Hải Phòng khóa XIII (Ảnh: X.H).

Nếu lo lắng hoạt động của phóng viên, nhà báo gây ảnh hưởng đến HĐXX thì cần nâng cao nghiệp vụ cho HĐXX. 

Còn việc nhà báo khi tác nghiệp, đưa tin nếu vi phạm đã có chế tài xử lý theo Luật Báo chí. 

Để tránh xảy ra việc này cũng cần nâng cao ý thức, nghiệp vụ của nhà báo để không đưa tin, hình ảnh gây phản cảm, sai lệch. 

Còn ông Trần Ngọc Vinh, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hải Phòng khóa XIII, cho hay quá trình diễn ra phiên tòa công khai không nên hạn chế nhà báo ghi âm.

Song có thể hạn chế việc ghi hình, bởi thời điểm xét hỏi, tranh tụng có nhiều vấn đề cần làm rõ nên nếu báo chí nêu một số vấn đề chưa đầy đủ sẽ ảnh hưởng đến phiên tòa và sự tiếp nhận của độc giả.

Hội Nhà báo Việt Nam đã có công văn nêu ý kiến gửi Thường trực Ủy ban Tư pháp Quốc hội về các nội dung nêu tại khoản 3, 4, 5 Điều 141 dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi).

Nội dung trong công văn nêu rõ: Vấn đề ghi âm, ghi hình tại phiên tòa quy định cụ thể tại Điều 141 dự thảo luật, đề nghị xem xét có quy định cụ thể hơn để có sự thống nhất với Luật Báo chí, trường hợp, đối tượng nào cần giới hạn ghi âm, ghi hình để đảm bảo bí mật đời tư, cá nhân cũng như không hạn chế quyền giám sát hoạt động của phiên tòa của công dân.

Đề nghị không hạn chế ghi âm, ghi hình của báo chí để báo chí thực hiện đúng chức năng của mình.

Theo Luật Báo chí 2016, điểm d, khoản 2, Điều 25 (quyền và nghĩa vụ của nhà báo) nêu rõ, nhà báo được hoạt động nghiệp vụ báo chí tại các phiên tòa xét xử công khai; được bố trí khu vực riêng để tác nghiệp; được liên lạc trực tiếp với người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng để lấy tin, phỏng vấn theo quy định của pháp luật...