1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV
  4. TPHCM "khát" cây xanh

TPHCM cần 300.000 tỷ đồng phát triển hạ tầng

(Dân trí)- “Xuất phát từ yêu cầu phát triển hạ tầng kỹ thuật trên địa bàn, nhu cầu về vốn trong 5 năm tiếp theo trong lĩnh vực đầu tư hạ tầng kỹ thuật là gần 300.000 tỷ đồng, ước khoảng 15 tỷ USD”.

TPHCM cần 300.000 tỷ đồng phát triển hạ tầng - 1
Cầu Phú Mỹ, một dự án BOT khá thành công về tiến độ nhưng đang lình xình về việc thu hồi vốn.

Ngày 24/6, phát biểu tại Hội nghị về nhu cầu đầu tư cơ sở hạ tầng tại TPHCM do Bộ Kế hoạch Đầu tư và UBND TPHCM tổ chức, Phó Chủ tịch thường trực UBND TP Nguyễn Thành Tài cho biết thông tin trên.

Theo ông Tài thì đây là nhu cầu lớn và đòi hỏi triển khai một cách tích cực trong điều kiện đô thị hóa ngày càng nhanh của thành phố. Bởi “với tốc độ phát triển nhanh về kinh tế, cũng như dân số, thì nhu cầu phát triển cơ sở hạ tầng đang trở nên cấp thiết và được xác định là mục tiêu ưu tiên hàng đầu của TP”.

Cũng tại hội nghị, các đơn vị quản lý hạ tầng TPHCM đã lên tiếng kêu gọi các nhà đầu tư tham gia đầu tư vào các công trình hạ tầng của TP với tổng số vốn lên đến hàng trăm ngàn tỷ đồng với các phương thức đầu tư đa dạng như PPP (nhà nước và tư nhân cùng làm), BOT (xây dựng - khai thác - chuyển giao), BT (xây dựng - chuyển giao)…

Trong đó, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Bùi Xuân Cường kêu gọi các nhà đầu tư hướng đến 25 dự án giao thông đang triển khai trên địa bàn TP như: đường vành đai số 2, 3, 4; 4 tuyến đường trên cao; trục đường An Dương Vương; nâng cấp các tỉnh lộ; xây dựng các bến bãi đậu xe, cảng sông… Tổng vốn đầu tư cho 25 công trình này trong 5 năm tới là khoảng gần 120.000 tỷ đồng.

Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn (Sawaco) cũng giới thiệu đến các nhà đầu tư những dự án chính của ngành trong 5 năm tới như: cải tạo nhà máy nước Thủ Đức, giảm thất thoát nước khu vực TPHCM, xây dựng hệ thống cấp nước sông Sài Gòn, xây dựng hoàn chỉnh hệ thống truyền dẫn nước…

Trong giai đoạn 2011 - 2015, ngành cấp nước cần hơn 3.000 tỷ đồng cho các dự án trên. Nhưng để hoàn thiện hệ thống cấp nước cho TP thì giai đoạn sau 2015, ngành cần đến gần 29.500 tỷ đồng đầu tư hạ tầng.

Ban quản lý Đường sắt đô thị còn đưa ra con số giật mình hơn. Theo quy hoạch thì ban này quản lý xây dựng 7 tuyến tàu điện ngầm, 3 tuyến xe điện với tổng chiều dài khoảng 167 km. Chỉ để xây dựng các hạng mục trong giai đoạn 2011 - 2015, ngành này cần đến 4,95 tỷ USD (khoảng 94.000 tỷ đồng).

Trung tâm quản lý Chương trình chống ngập nước cũng cần hàng chục ngàn tỷ đồng để đầu tư xây dựng hệ thống đê bao, cống kiểm soát triều, nạo vét kênh rạch...

Theo ông Bùi Xuân Cường, riêng ngành giao thông vận tải thì mỗi năm TP cần đến 2 tỷ USD đầu tư cho hạ tầng, nhưng thực tế vốn đầu tư từ ngân sách và vốn vay ODA chỉ đáp ứng được 15%.

Với thực trạng trên, các nhà đầu tư đề xuất TPHCM áp dụng mô hình PPP (nhà nước và tư nhân cùng làm). Vì với mô hình này, nhà nước chỉ cần đầu tư một phần vốn cho dự án hạ tầng, phần còn lại là tư nhân bỏ ra.

Tuy nhiên, điều quan trọng nhất khi áp dụng mô hình này là phải có chính sách rõ ràng thì mới khuyến khích được các nhà đầu tư tư nhân tham gia. Bởi họ cần thấy được nguồn lợi nhuận ổn định từ dự án.

Ngoài ra, do mô hình này còn mới mẻ ở Việt Nam nên chính quyền cũng cần có đội ngũ chuyên gia quản lý giỏi để tham gia đàm phán hợp đồng, xác lập quyền lợi, tránh gây thiệt thòi cho ngân sách và người dân.

Kết thúc hội nghị, ông Nguyễn Thành Tài ghi nhận những đóng góp ý kiến xây dựng chính sách đầu tư theo hình thức PPP của các nhà đầu tư và khẳng định sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư quan tâm phát triển vào lĩnh vực này.

Tùng Nguyên