1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV
  4. TPHCM "khát" cây xanh

Thương hồ Đà giang

(Dân trí) - Xuân - một cậu trai vạm vỡ, sức vóc lực điền, quê ở Kim Bôi, Hòa Bình nói với tôi: “Nghề chúng em làm tuy là cửu vạn nay đây mai đó, theo thuyền buôn xuôi ngược sông Đà kiếm ăn nhưng mà nhàn tênh ấy mà”.

Tôi đã sống 3 ngày trên một trong những thương thuyền ấy cùng với họ, để diện kiến cái “nhàn tênh” ấy của Xuân. Mùa này là mùa sông Đà nước cạn, đồng bào các dân tộc đang vào mùa trỉa bắp, đi nương, không mặn mà với chợ. Tuy vậy, tiểu thương thì bao giờ cũng có một nguyên tắc duy trì giao thương, dù có đắt chợ hay không.

 

Xuôi ngược sông Đà

 
Thương hồ Đà giang  - 1

Những con tàu buôn ngược sông Đà mang hàng hóa thiết yếu phục vụ đồng bào dân tộc. Mỗi tháng các con tàu này đi mở chợ 3 chuyến.
 

Cảng Bích Hạ, sáng âm u báo hiệu những ngày mưa ở phía trước. Các cửu vạn hối hả vác hàng xuống thuyền chuẩn bị vòng chợ mới. Tên của các thương thuyền cũng là tên của ông bà chủ: Sáu Nhi, Ánh Hội, Hằng Hải… Mỗi tiểu thương đăng ký trước với chủ thuyền để thuê các khoang chứa hàng trong hầm thuyền. Họ ở luôn đó cùng với hàng hóa, mỗi chuyến bán không hết để đó, vòng sau lại bán. Hàng cũ vơi nửa, hàng mới lại được bổ sung.

 

Trên thuyền, mỗi mét vuông đều hữu dụng. Riêng hầm thuyền đã được chia nhỏ cho mỗi khoang hàng và người. Mỗi hầm thuyền khoảng 40 mét vuông, cũng chia thành 40 khoang hàng hóa. Trên diện tích co kéo cỡ 1 mét vuông ấy, họ bày bếp ga nhỏ nấu ăn, trải chiếu ăn cơm, và đến đêm thì lót chăn để ngủ.

 
Thương hồ Đà giang  - 2
Giấc ngủ mệt nhoài của vợ chồng một tiểu thương trong chuyến hải hành.
 

3 giờ sáng mỗi ngày, tất cả lại tất bật trở dậy chuẩn bị cho phiên chợ sáng. Đồng bào dân tộc có thói quen đi chợ từ rất sớm, chỉ 9 giờ sáng là chợ tan, tất cả lại rút nhanh ngược lên chợ trên. Cứ thế mỗi vòng, các thương thuyền đi độ 5 đến 7 ngày rồi lại về hạ lưu cảng Bích Hạ để “ăn” thêm hàng. Đây cũng là chút thời gian ít ỏi, các cửu vạn và tiểu thương về thăm nhà, coi sóc việc học hành của con cái, biếu tiền người già ở nhà nuôi cháu rồi lại tất tả ra đi.

 

Các chủ hàng chủ yếu là phụ nữ, chỉ có một vài người làm nghề mổ lợn là đàn ông. Các cửu vạn được chủ thuyền thuê, trả lương theo ngày để vác hàng lên xuống thuyền cho họ, tối ngủ trên những tấm ván kê ngay trên chỗ đặt máy và ống xả. 

 

Tôi đi tìm Xuân, theo những cái bóng thoăn thoắt vác hàng xuống tàu. Những bắp chân cuộn như thừng, bàn chân bè ra vì thói quen vác nặng mà phải bấm chân để đi trên những chỗ đất sình lầy.

 

Chủ thuyền Sáu Nhi mới ngoài ba mươi, mặt mũi thư sinh không có vẻ là dân ăn sóng nói gió, như cái lý lịch mười năm cầm lái, từ khi những con tàu chỉ làm bằng gỗ nhỏ như vỏ trấu len lỏi thác ghềnh ngược Đà giang. Sáu cầm rổ trấu vãi trên cây cầu nhỏ bắc xuống thuyền để khỏi trơn trượt vừa lúc tôi suýt bổ nhào xuống sông khi dò dẫm lên tàu Ánh Hội. Ngay trên mũi tàu, chục con lợn của một chủ hàng án ngữ lối dẫn vào hầm thuyền. Lách chân khỏi đám lợn con nào con ấy to gần tạ, phải định thần một lúc mới có thể nhìn rõ trong khoang thuyền tối om một lối đi ở giữa.

 

Các chủ hàng mang theo chủ yếu là gạo, thực phẩm, nhu yếu phẩm, các loại hàng hóa thiết yếu đối với người miền núi, nồi niêu, đồ nhựa, lưỡi cuốc xẻng, và tân dược, trong đó thuốc tây là thứ hàng hóa bán chạy nhất. Người trong làng bản bây giờ không chỉ biết mua thuốc cho người, còn mua thuốc cho gia súc cho nên họ rất mong đến ngày mở chợ, để nhắm tới hàng thuốc tân dược của mấy cô người xuôi.

 
Thương hồ Đà giang  - 3
Người dân tộc ở Chiềng Sài, Phù Yên, Sơn La mua lợn giống từ các tiểu thương trên tàu chợ.
 

Các chủ hàng kéo những cánh cửa sắt bé tẹo bên hông thuyền làm cho căn hầm sáng hơn một chút. Bắt đầu có tiếng than phiền vì chuột mò vào sục sạo đồ đạc để lại vết chân dơ bẩn khắp nơi, cắn xé hàng hóa. Một, hai người rồi tất cả đều càu nhàu. Cuối tàu, chỗ cô Thanh bán gạo có tiếng một phụ nữ rú lên, mọi người chạy tới, một ổ chuột con đỏ hỏn nằm ngay trong chỗ để quần áo và đồ nấu ăn của chị. Đã chắc một xuất nằm bên máy tàu ồn và nóng do người chủ hàng bỏ phiên tên là Thu ghi ở thành tàu, thây kệ, tôi mò lên khoang vợ chồng cậu Lực bán thịt lợn, quê Tam Nông, Phú Thọ uống rượu. Một ngày trên chuyến thuyền buôn bắt đầu.

 

Chợ chạy

 

Một chuyến ngược sông Đà ngắn nhất là 5 ngày, dân buôn ở đây gọi là vòng ngắn. Vòng dài phải 7 đến 9 ngày, thuyền buôn đi lên tận Pắc Ngà, Tạ Bú giáp vùng đặt thuỷ điện Sơn La rồi mới vòng lại. Ngày trước, các thương thuyền chỉ đóng bằng gỗ, thuyền nhỏ, đi chậm, ròng rã hàng tháng trời trên sông Đà. Bây giờ đoàn thuyền buôn đã có tới gần chục chiếc trọng tải cỡ 100 tấn, tàu sắt rộng rãi.

 

Các chủ thuyền bảo tuyến đường thủy trên sông Đà bây giờ an toàn hơn đường bộ. Vào mùa nước êm, đi đường thủy tránh được đèo dốc, tiết kiệm thời gian hơn nhiều so với đi đường bộ. Dù vậy thì nói đến chuyện đi trên sông Đà - con sông nổi tiếng hung dữ, nhiều bất ngờ vẫn là việc nhiều người e ngại.

 

Ngày đầu tiên, thuyền cập bến Đá Đỏ, Phù Yên, Sơn La. Dọc sông Đà, hai bên vách núi đất dựng đều có độ dốc rất lớn. Chợ Đá Đỏ nằm trên một vực dốc bên sông. Chiều muộn vài phụ nữ dân tộc bản địa mang măng rau rừng, trứng kiến, các sợi len màu, vài loại thuốc nam xuống để bán.

 
Thương hồ Đà giang  - 4
Phiên chợ nổi Đá Đỏ, Bắc Yên, Sơn La.
 

Chị Hòa - một người đàn bà gương mặt xám lạnh, đượm buồn nói: “Hôm nay “móm” cả chợ”. Mùa chợ ở đây từ tháng 8 đến tháng 12, khi thu hoạch ngô xong, những mặt hàng điện tử, máy nông cụ bán rất chạy. Vào dịp mùng 2 tháng 9, tết Độc lập, bà con đến chợ là đi chơi tết, mua bán mỏi tay. Còn mùa này, phiên nào cũng phải nhổ chợ sớm. Chủ thuyền lựa cơ, thấy chợ vắng người là phát lệnh rời bến. Một thuyền rời là tất cả các thương thuyền rút theo. Lệnh vừa phát ra, cả chợ chạy nháo nhào như chạy loạn, có khách hỏi cũng thôi, thu hàng hóa gọi cửu vạn vác lên thuyền. Lúc này mà vô ý đứng lớ ngớ vào đường chạy của cửu vạn có khi bị họ va vào bay xuống sông. Ấy vậy mà chẳng ai va vào ai, chỉ độ mười lăm phút, thuyền lại ngược lên chợ mới.

 

Mỗi chợ ở lại một đêm chờ sáng ra vào phiên họp chính. Tôi hỏi nhóm cửu vạn: dù bán được hay không bán được thì chủ hàng vẫn phải trả tiền bốc vác phải không. Xuân ngán ngẩm: biết vậy, nhưng vẫn mong cho mấy chủ hàng buôn bán được, toàn đàn bà con gái, đi buôn xa nhà ngày phơi mặt ở chợ, đêm ngủ trong hầm thuyền sắt, khổ thế.

 

Tôi hiểu sự cảm thông sâu sắc của những thân phận sống dựa vào nhau, nhọc nhằn cùng chịu. Những chiếc hầm sắt đầy chuột ở đây có lẽ là nơi thanh lọc hết những ý chí nửa vời rồi. Buôn trên sông Đà là cuộc chơi không dành cho những tấm thân bủng beo hay người dễ nản chí. Sau vài vòng, cũng có người bỏ, ở lại dưới xuôi theo nghề khác. Đã sống ở đây là đã chấp nhận, chấp nhận rồi quan niệm cũng thay đổi, lời ăn lỗ chịu.

 
Thương hồ Đà giang  - 5
Người phụ nữ chạy chợ sau một ngày mệt nhoài ngồi trên mũi tàu nghỉ ngơi. 
 

Tôi hỏi các chị, làm thế này có nuôi nổi chồng con không. Không, nuôi mình thôi, con cái gửi ông bà, vợ chồng ai người nấy lo. Có khi tuần chỉ gặp một lần lại thấy yêu hơn đấy!

 

Ám ảnh chuột

 

Chỗ tôi nằm hàng hóa chất ngập đầu. Gạo, bỏng ngô, cá khô… toàn thứ chuột thích. Đúng!

 

10 giờ đêm, máy tàu tắt. Hầm rơi vào bóng tối như hũ nút. Chỉ vài giây sau, chuột lên tiếng báo hiệu sự hiện diện của chúng. Khắp nơi trong hầm. Chuột ở đây chê gạo, chúng ăn vài thứ bánh ngọt có hương vani và uống sữa tươi. Lúc nào có hàng hóa mới, chúng đáo qua ăn thử, và chỉ ngon mới ăn. Con nào cũng béo nhưng nhức, vàng ươm. Tôi nhớ lại hình ảnh quả bầu bị gặm nham nhở và cái gấu quần bị chuột rỉa như cá đớp của một chị trong hầm, rùng mình.

 

Một đêm trắng tôi nằm trong im lặng, theo dõi những con chuột bò ra khỏi chỗ nấp và ăn bữa tối của chúng, tiếng chuột kêu rất to, khắp nơi, quanh chỗ nằm của hơn ba chục con người trong hầm. Cho đến 3 giờ sáng, khi người thợ mổ lợn trở dậy chuẩn bị nấu nước bắt lợn, tiếng chuột chin chít mới dứt như thể chúng chạy hết ra phía mũi tàu tìm món mới. Và đêm sau, y hệt như thế, những con chuột tung hoành trong hầm tối, sống bằng nguồn hàng hóa của dân buôn bán. Người ta mặc nhiên phải sống chung với chúng.

 
Thương hồ Đà giang  - 6
Cửu vạn Tâm vừa bắt một đàn chuột con trong hành lý của một tiểu thương. 
 

Chủ tàu nhiều lần đánh bẫy chuột, song chẳng dính con nào. Trong hầm quá nhiều hàng hóa cho chúng, không việc gì chúng phải chui vào bẫy! Tôi bảo phải có hàng trăm con thì Tâm, một cửu vạn trên tàu quy luôn ra khối lượng: “Phải có hàng tạ chuột ấy chứ, không sao loại bỏ đươc chúng. Sinh sôi nảy nở ngày một nhiều, khắp các ngõ ngách chỗ nào cũng có bọn này”. Cô nàng Thanh trước khi đi ngủ còn dọa: Nhà báo cẩn thận kẻo chuột cắn chân đấy!

 

3 giờ sáng tôi mới thiếp đi trong nỗi ám ảnh bị chuột cắn hay bò lên người, ám ảnh đến nỗi buổi sáng mấy cậu cửu vạn bảo: đêm qua bác nghiến răng kin kít nghe như chuột!

 

Lê Anh Tuấn