Thủ tướng Hungary muốn thiết lập đường bay thẳng tới Việt Nam

Hoài Thu

(Dân trí) - Nêu trở ngại về khoảng cách địa lý giữa Việt Nam và Hungary, Thủ tướng Viktor Orban đưa ra "phương thuốc" thiết lập đường bay thẳng giữa hai nước để kéo gần mối quan hệ hợp tác, đầu tư.

Chiều 19/1 (giờ địa phương), Thủ tướng Phạm Minh Chính và người đồng cấp Viktor Orban dự Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - Hungary tại Thủ đô Budapest.

3 cuộc khủng hoảng làm đảo lộn kinh tế thế giới

Bộ trưởng Ngoại giao và Thương mại Hungary Peter Szijjarto chia sẻ sự kiện diễn ra trong một "trang sử mới" của thế giới. Trong đó, chỉ trong vòng 5 năm đã có 3 cuộc khủng hoảng trên thế giới gồm đại dịch Covid-19, cuộc chiến ở Ukraine và cuộc khủng hoảng ở Trung Đông liên quan vụ tấn công vận tải đường biển ở vùng Biển Đỏ.

"Dù không phải xuất phát từ lý do kinh tế, nhưng cả 3 cuộc khủng hoảng này đều làm đảo lộn nền kinh tế thế giới, khiến kinh tế đối mặt nhiều thách thức, nguy hiểm", ông Peter Szijjarto nói.

Thủ tướng Hungary muốn thiết lập đường bay thẳng tới Việt Nam - 1

Toàn cảnh Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - Hungary (Ảnh: Hoài Vũ).

Trong thời kỳ bão táp này, vị bộ trưởng nhấn mạnh sự hợp tác trên cơ sở tin cậy, tôn trọng lẫn nhau trở nên rất quan trọng.

Thủ tướng Hungary Viktor Orban kêu gọi doanh nghiệp Việt Nam sang đầu tư ở Hungary. Theo ông, sự hợp tác này không chỉ có ý nghĩa về kinh tế mà còn giúp Việt Nam và Hungary hiểu nhau hơn.

Hungary yêu nước và tự hào với lịch sử của mình, không sợ các cường quốc lớn hơn, theo lời Thủ tướng Viktor Orban.

Nghe Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ về lịch sử Việt Nam, ông Viktor Orban có niềm tin vào việc Việt Nam là quốc gia không có rủi ro về chính trị. Đây là yếu tố rất quan trọng để thu hút đầu tư.

Dù đưa ra phép so sánh quy mô kinh tế Hungary so với Việt Nam có thể không bằng, song theo ông Viktor Orban, Hungary là nền kinh tế khỏe, đa dạng.

Thủ tướng Hungary muốn thiết lập đường bay thẳng tới Việt Nam - 2

Thủ tướng Hungary Viktor Orban phát biểu tại diễn đàn (Ảnh: Hoài Vũ).

Ông cũng truyền đi thông điệp Hungary quyết tâm đứng về phía hòa bình, hòa bình là giá trị lớn nhất vì muốn phát triển phải có hòa bình.

"Chúng tôi sẽ không có chính sách nào đẩy Hungary vào rủi ro của chiến tranh", Thủ tướng Viktor Orban đưa ra cam kết khi kêu gọi doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào quốc gia này.

Song có một trở ngại lớn trong quan hệ hai nước khiến Thủ tướng Viktor  Orban băn khoăn, đó là khoảng cách địa lý.

Ông đưa ra "phương thuốc" thiết lập đường bay Chúng tôi muốn có kế hoạch để có đường bay thẳng giữa Việt Nam và Hungary. "Nếu không có đường bay trực tiếp, rất khó thúc đẩy hợp tác giữa hai nước", Thủ tướng Viktor Orban kỳ vọng tới đây sẽ khắc phục được trở ngại về khoảng cách, kéo gần mối quan hệ hợp tác giữa hai nước.

Việt Nam có kế hoạch đào tạo 100.000 kỹ sư trong lĩnh vực bán dẫn

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng với một môi trường đầu tư thực sự thuận lợi, không có lý do gì mà doanh nghiệp Việt Nam và Hungary không đến đầu tư kinh doanh tại mỗi nước để phát huy thế mạnh của mình.

Theo chia sẻ của người đứng đầu Chính phủ Việt Nam, Việt Nam trong suốt một thời gian dài từ năm 1945 đến năm 1986 liên tục trải qua chiến tranh và bao vây, cấm vận. Nhưng với tinh thần tự lực tự cường, đi lên bằng bàn tay khối óc và từ khung trời, cửa biển của mình, Việt Nam đã lấy nội lực kết hợp với ngoại lực để nỗ lực vươn lên, phát triển.

Thủ tướng Hungary muốn thiết lập đường bay thẳng tới Việt Nam - 3

Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ nhiều định hướng lớn của Việt Nam trong hợp tác đầu tư (Ảnh: Hoài Vũ).

"Đến nay, chúng tôi tương đối thành công với sự lựa chọn của mình. Nền kinh tế Việt Nam từ 4 tỷ USD nay đã lên hơn 400 tỷ USD, thu nhập bình quân đầu người ở mức hơn 4.000 USD", Thủ tướng dẫn chứng.

Ông cho biết những năm qua, tình hình thế giới và khu vực khó khăn nhưng kinh tế vĩ mô Việt Nam ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng được thúc đẩy và các cân đối lớn của nền kinh tế được đảm bảo.

Đáng lưu ý, Thủ tướng thông tin mức tăng thu ngân sách năm 2023 là hơn 8%, xuất siêu 28 tỷ USD, xuất khẩu hơn 8 triệu tấn gạo, góp phần đảm bảo an ninh lương thực thế giới.

Những kết quả này, theo người đứng đầu Chính phủ Việt Nam, là rất quan trọng,

Ông cho biết Việt Nam kêu gọi đầu tư vào các lĩnh vực động lực là tiêu dùng, xuất khẩu và đầu tư; tập trung những động lực mới như kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo, đổi mới sáng tạo… để đạt mục tiêu đến 2030, Việt Nam là nước thu nhập trung bình cao, có công nghiệp hiện đại, đến 2045 là nước có thu nhập cao.

Về định hướng, Thủ tướng cho biết Việt Nam tập trung vào 3 đột phá chiến lược, trong đó thể chế phải thông thoáng, giảm thủ tục hành chính cho nhà đầu tư và doanh nghiệp. Hai là đột phá về kết cấu hạ tầng chiến lược như giao thông, năng lượng… phải thông suốt.

Ba là đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của sự chuyển đổi và của nhà đầu tư. "Về đào tạo nhân lực chất lượng cao, chúng tôi đang xây dựng kế hoạch, phấn đấu đến 2030 có 100.000 kỹ sư hoạt động trong lĩnh vực chip bán dẫn", Thủ tướng nhấn mạnh.

Ông khẳng định Chính phủ Việt Nam cam kết bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các nhà đầu tư, luôn tâm niệm phải đồng hành, khuyến khích, bảo vệ nhà đầu tư để họ yên tâm và không bị quấy phá khi đến Việt Nam.

Đặc biệt, mục tiêu giữ vững độc lập, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ và có chính sách ổn định lâu dài cũng là điều Thủ tướng nhắc tới, vì theo ông, "sẽ không ai đến đầu tư ở đất nước không có chính sách ổn định".

"Tôi kêu gọi các nhà đầu tư, các doanh nghiệp của Hungary và Việt Nam đến đầu tư ở hai nước, góp phần củng cố xây dựng mối quan hệ tốt đẹp giữa Việt Nam và Hungary. Hy vọng trong tương lai, hai nước sẽ trở nên hùng cường hơn, mạnh mẽ hơn, hợp tác hiệu quả hơn, mang lại lợi ích cao hơn cho người dân, doanh nghiệp", theo lời Thủ tướng.

Hoài Thu (Từ Budapest, Hungary)