Thủ tướng: Cần tranh thủ tối đa nguồn lực để phát triển đất nước

Ngọc Tân

(Dân trí) - Phát biểu về quá trình 10 năm hội nhập quốc tế của Việt Nam, Thủ tướng Phạm Minh Chính lưu ý cần tranh thủ tối đa nguồn lực để phát triển đất nước, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, đa phương hóa.

Sáng 2/8, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp lần thứ nhất của Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án "Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 10/4/2013 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế".

Thủ tướng nêu rõ Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với gần 200 nước; tạo ra mạng lưới Đối tác chiến lược và Đối tác toàn diện với 33 nước, trong đó có tất cả các nước lớn.

Thủ tướng: Cần tranh thủ tối đa nguồn lực để phát triển đất nước - 1

Phiên họp do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì (Ảnh: VGP/Nhật Bắc).

Việt Nam đã chính thức tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình; ký kết 16 hiệp định thương mại tự do (FTA) với sự tham gia của khoảng 60 nền kinh tế.

Năm 2022, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đạt 730 tỷ USD. Thương hiệu quốc gia Việt Nam có tốc độ tăng trưởng giá trị nhanh nhất thế giới trong giai đoạn 2019-2022, riêng năm 2022 đạt 431 tỷ USD...

Theo Thủ tướng, bên cạnh thành tựu, còn một số hạn chế như tính tích cực, chủ động, sáng tạo trong triển khai hội nhập còn chưa cao. Vai trò của Nhà nước trong khuyến khích và tạo môi trường thuận lợi cho cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp tham gia hội nhập có lúc chưa thực sự hiệu quả. Việc triển khai các thỏa thuận, cam kết quốc tế còn hạn chế.

Cùng với đó, tỷ lệ tham gia chuỗi giá trị toàn cầu của các doanh nghiệp Việt Nam còn khiêm tốn.

Nhiều chỉ số, thứ bậc về năng lực cạnh tranh quốc gia, chất lượng tăng trưởng so với các nước ASEAN không có nhiều thay đổi sau 10 năm. Chất lượng nguồn nhân lực, mức độ kết nối giữa các khu vực kinh tế FDI và quốc nội, liên kết giữa các vùng, miền trong nước chưa đạt như kỳ vọng. 

Nêu định hướng trong thời gian tới, Thủ tướng cho rằng trước hết cần vận dụng sáng tạo 3 trụ cột trong xây dựng và bảo vệ đất nước gồm xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Cùng với đó, cần tiếp tục cụ thể hóa đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, là bạn tốt, là đối tác tin cậy, thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế; xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả.

Việt Nam tiếp tục thực hiện chính sách quốc phòng "4 không", gồm không tham gia liên minh quân sự; không liên kết với nước này để chống nước kia; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ để chống lại nước khác; không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế.

"Đây là thời điểm để chúng ta duy trì, củng cố các thành tựu đã đạt được và tạo ra được các bước phát triển mới về chất, tranh thủ hiệu quả các xu thế mới về cách mạng công nghiệp lần thứ 4... để đưa được đất nước vào vị trí tối ưu trong cục diện quốc tế mới và tranh thủ tối đa nguồn lực cho phát triển đất nước", Thủ tướng phát biểu.

Người đứng đầu Chính phủ cũng nhấn mạnh cần triển khai hiệu quả, nghiêm túc, đầy đủ các thỏa thuận và cam kết quốc tế, cả song phương và đa phương trên tinh thần "đã nói là phải làm, đã cam kết là phải thực hiện, đã thực hiện là phải có kết quả, cân đo đong đếm được".

Để đẩy nhanh hơn nữa tiến độ công tác tổng kết, Thủ tướng đề nghị Bộ Ngoại giao và các cơ quan liên quan xác định các công việc, nhiệm vụ, nội dung, lộ trình… cụ thể để triển khai.