1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. TPHCM "khát" cây xanh
  4. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai

Thủ đoạn moi tiền dự án của Bùi Tiến Dũng

Để có tiền cá độ, Dũng buộc phải “ăn tạp”. Đoạn đường tây Thanh Hóa được “chia” thành 8 gói thầu, mỗi gói thầu gồm 3 nhà thầu. Để được đưa vào danh sách ngắn dự thầu, các nhà thầu đã phải nộp cho Dũng từ 15 - 20 nghìn USD mà chưa chắc đã trúng thầu.

Từ rất lâu, cán bộ nhân viên của Bộ Giao thông vận tải luôn coi PMU18 là nơi lắm tiền nhất, bởi họ được giao làm chủ đầu tư các dự án lớn. Cho đến ngày trước khi Bùi Tiến Dũng bị bắt thì quân số của PMU18 là 278 người, với một tổng giám đốc và 4 phó tổng giám đốc, trong đó có một phó tổng là con trai của một cựu Bộ trưởng. Còn riêng ông Nguyễn Việt Tiến, Thứ trưởng, cũng đã có một người cháu là phó tổng giám đốc, và một người là phó trưởng phòng.

 

Từ năm 1996 đến nay, PMU18 đã thực hiện 15 dự án bằng vốn nước ngoài với tổng số vốn đầu tư là 29.669 tỉ đồng, 5 dự án vốn đầu tư trong nước tổng số tiền là 3.213 tỉ đồng. Để thực hiện khối lượng công việc này, PMU18 đã ký 2.997 hợp đồng lớn bé các loại.

 

Cũng từ năm 1995 đến nay, PMU18 đã mua tổng cộng 138 ôtô các loại, trong đó chủ yếu là xe 4 chỗ. Chiếc xe đắt tiền nhất là chiếc Mercedes 2.5 mang biển 31C 6868 mua năm 2004 với số tiền là 1,571 tỉ đồng. Tổng số tiền mua ôtô của PMU18 là 76, 845 tỉ đồng. Có những dự án như dự án cầu Bãi Cháy, PMU18 mua 34 xe; dự án quốc lộ 18 đoạn Nội Bài - Chí Linh, Hòn Gai - Cửa Ông mua đến 24 xe...

 

Đến nay, Bộ Giao thông vận tải đã xử lý theo quyết định của Bộ Tài chính được 56 xe, còn số xe ôtô mà Bùi Tiến Dũng đã cho mượn là 34 chiếc thì đã trả được 10 chiếc. Tuy nhiên, theo Cơ quan điều tra thì con số này chưa chính xác bởi lẽ trong những năm qua, Bùi Tiến Dũng đã cho một số nơi mượn xe mà chẳng có giấy tờ gì và đến nay anh ta cũng không còn nhớ nổi nữa.

 

Từ lâu nay, PMU18 thường thực hiện các công trình bằng vốn ODA hay JICBIC (vốn đặc biệt của Nhật Bản) hoặc vốn của WB (Ngân hàng Thế giới). Một công trình được sử dụng các nguồn vốn này phải được Chính phủ và phía nước ngoài duyệt chặt chẽ, sau đó được giao cho Ban quản lý dự án thực hiện. Ban quản lý (PMU18) sẽ bán hồ sơ thầu và quy định thời gian mở hồ sơ. Có 3 tiêu chí quan trọng để các đơn vị tham gia dự thầu thắng: giá cả phải phù hợp với tiêu chuẩn kỹ thuật, chứng minh được năng lực tài chính, thể hiện được năng lực thi công.

 

Trong đầu tư một công trình thì bao giờ cũng có phần để lại 10% tổng trị giá để làm vốn dự phòng. Khi được thanh toán các đơn vị trực tiếp thi công bị giữ lại 10% tạm coi là tiền bảo hành công trình. Nếu như trong thời gian bảo hành mà công trình bị hư hỏng thì lấy tiền đó để sửa chữa.

 

Để ăn tiền của các nhà thầu chính thì hơi khó, bởi lẽ các nhà thầu này là doanh nghiệp nhà nước cho nên cơ bản là tuân thủ theo các nguyên tắc tài chính. Muốn ăn tiền được nhiều thì buộc phải sử dụng các “sân sau”, đó là các công ty tư nhân. Với PMU18 thì các công ty “sân sau” đó chính là: Hoa Việt, Thái Bình Dương, Bắc Nam, Vạn Xuân...

 

Một điều không thể không nói đến là các công ty này đều do những người thân của Bùi Tiến Dũng, Nguyễn Việt Bắc, Giám đốc Công ty Đường cao tốc... nắm giữ. Cho nên việc các công ty được hưởng các hợp đồng béo bở hoặc luôn thắng thầu là điều rất dễ hiểu. Tất nhiên, sau khi trúng thầu, họ phải “lại quả” cho Bùi Tiến Dũng.

 

Cho đến nay, Cơ quan điều tra cũng đã tìm ra được nhiều chứng cứ thể hiện sự liên minh ma quỷ giữa các công ty tư nhân với PMU18 mà cụ thể là Bùi Tiến Dũng. Chúng tôi cũng đã tìm ra nhiều giấy tờ của một số công ty này gửi trực tiếp cho Thứ trưởng Nguyễn Việt Tiến mà không qua Văn phòng. Đây là điều trái với quy định của Nghị định 110, chứng tỏ giữa các công ty này với ông Nguyễn Việt Tiến và với Bùi Tiến Dũng có mối quan hệ không bình thường.

 

Vào thời điểm gần cuối năm 2005, do thua cá độ bóng đá nhiều, có những lúc Bùi Tiến Dũng hết sạch tiền và phải “ăn tạp” bất chấp sự phản ứng từ các nhà thầu. Trước khi Dũng bị bắt, khi triển khai đấu thầu đoạn đường tây Thanh Hóa, đoạn đường này được chia làm 8 gói thầu, mỗi gói thầu gồm 3 nhà thầu tham gia: 1 chính, 2 phụ. Để được đưa vào danh sách ngắn dự thầu (là đơn vị có khả năng trúng thầu) các nhà thầu đã phải nộp cho Dũng từ 15 - 20 nghìn USD. Tuy nhiên, nhiều nhà thầu đã nộp tiền cho Dũng nhưng vẫn không trúng khiến các ông chủ khóc dở mếu dở.

 

Một việc mà ai cũng biết đó là nếu nhà thầu nào có đơn gửi qua ông Nguyễn Việt Tiến mà có bút phê “Gửi PMU18 xem xét, giải quyết” thì kiểu gì Hội đồng xét thầu của PMU18 cũng phải “giải quyết” cho họ trúng thầu. Còn nếu lá đơn nào mà Thứ trưởng phê “chuyển PMU18” thì cứ việc vứt vào sọt rác.

 

Để trúng thầu thì các công ty tư nhân thường giảm giá đến mức vô cùng thấp. Tuy nhiên, trong quá trình thi công thì giữa công ty và chủ đầu tư móc nối với nhau và khai các chi phí phát sinh. Về chuyện chi phí phát sinh này thì đây là thứ tù mù nhất và dễ xà xẻo nhất. Còn để kiếm tiền bù vào khoản đã phải nộp thì với các nhà thầu không còn cách nào khác là thi công gian dối, ăn cắp vật tư, vật liệu, khai khống khối lượng xây dựng...

 

PMU18 đã trở thành một sân chơi độc quyền của một vài người trong Bộ Giao thông vận tải mà ngay Bộ trưởng Đào Đình Bình cũng không cách gì kiểm soát nổi. Nhiều lần Bộ trưởng giao cho Văn phòng lập kế hoạch để xuống kiểm tra tại PMU18 nhưng đều bị cấp dưới gạt phắt với lý do vừa đến kiểm tra về, không có chuyện gì để Bộ trưởng phải xuống hoặc bố trí cho Bùi Tiến Dũng đi công tác.

 

Bùi Tiến Dũng cũng đã "chia lộc" cho một số quan chức của Bộ Giao thông vận tải như mời cá nhân và cả gia đình đi nước ngoài du lịch; mua sắm cho họ nhà cửa hoặc “hỗ trợ” khi cần thiết. Cách ăn chơi của Bùi Tiến Dũng cũng nhiều chuyện khác người. Bùi Tiến Dũng đã từng cho 3 nhân viên đi sang Thái Lan mua xương hổ để nấu cao mang về chia cho một vài sếp. Dũng cũng đã tổ chức không ít các giải tennis với những giải thưởng có khi tới hàng chục triệu mà người thắng trận thì bao giờ cũng là những nhân vật VIP.

 

Tại PMU18, Bùi Tiến Dũng như một ông vua: thích đến giờ nào thì đến, thích làm gì thì làm và hầu hết các phó tổng giám đốc dưới con mắt ông ta đều được coi như những người tôi tớ giúp việc. Chưa một ai dám phê phán Bùi Tiến Dũng và các đệ tử...

 

Có người nhận xét rằng, chính sự bảo kê của lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải là nguyên nhân lớn để Bùi Tiến Dũng trượt dốc. Bây giờ khi ông ta vào tù thì những người đã góp phần đẩy ông ta vào con đường này vẫn ung dung tại vị, đó mới là điều bất công lớn nhất trong công tác tổ chức cán bộ hiện nay.

 

Theo Như Phong
Công an nhân dân

Dòng sự kiện: Vụ Bùi Tiến Dũng PMU18