1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV
  4. TPHCM vào mùa mưa

Thêm một công trình thuỷ lợi “vướng” chuyện tái định cư

(Dân trí) - Công trình thuỷ lợi Ngàn Trươi - Cẩm Trang (huyện Vũ Quang) là hệ thống thuỷ lợi lớn nhất tỉnh Hà Tĩnh, được Chính phủ phê duyệt đầu tư xây dựng ngày 16/11/2006. Ngay ngày đầu triển khai, dự án đã gặp khó khăn trong công tác di dời và tái định cư cho dân.

Vướng mắc trong khâu di dời

 

Tổng số tiền đầu tư Công trình thuỷ lợi Ngàn Trươi dự tính trên 3.000 tỷ đồng, sẽ phục vụ tưới tiêu hơn 35.000 ha ruộng đồng cho 6 huyện phía bắc tỉnh Hà Tĩnh khi hoàn thành. Ngay từ những ngày đầu triển khai dự án, công trình đã vấp phải những khó khăn trong việc di dân vùng lòng hồ ra khu tái định cư.

 

Khó khăn đầu tiên là việc bắt dân làng phải thay đổi phong tục tập quán, đổi tên làng,… những thứ đã ăn sâu vào máu người dân, chẳng hạn như dân xã Hương Điền. Gặp phóng viên Dân Trí, nhiều người dân than thở: “Chúng tôi biết việc xây dựng công trình thuỷ lợi là việc rất cần thiết nhưng tên làng chúng tôi không vì thế mà bị mất. Hơn nữa mọi người đều muốn sống tập trung một nơi vì quen rồi”.

 

Để chuẩn bị cho công tác đền bù, GPMB, cuối tháng 11/2006, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã có chỉ thị cấm  xây dựng, làm mới nhà cửa ở khu vực lòng hồ. Sau đó, huyện Vũ Quang phối hợp Đài truyền hình huyện có về các xã quay phim, chụp ảnh nhưng gặp phải sự phản đối mạnh mẽ của bà con.

 

Một lãnh đạo UBND huyện Vũ Quang phân trần: “Mục đích của chúng tôi về ghi hình nhà dân là để báo cáo với cấp trên về mặt số liệu thôi. Nhưng bà con lại cho rằng đó là cán bộ đi “niêm phong” nhà dân nên nhất quyết cản trở công việc của chúng tôi, chứng tỏ công tác tuyên truyền ở chính quyền sở tại chưa thật tốt. Bởi vậy, trong hơn ba tháng qua, chúng tôi mới chỉ triển khai dang dở về tư tưởng với dân trong việc di dời mà thôi”.

 

Ông Trần Việt Hà - Chủ tịch UBND xã Hương Điền - nói thay tâm tư của người dân trong xã: “Bà con quan tâm, lo lắng nhất vẫn là vấn đề vùng đất  tái định cư. Tất cả những địa điểm mà cán bộ và nhân dân Hương Điền được tham quan đều không đáp ứng được mong muốn tối thiểu của bà con”.

 

Theo lời người dân thì những vùng được chọn làm nơi tái định cư không đảm bảo cuộc sống của họ bởi địa hình phức tạp; đường đi cách trở, thậm chí không có đường; thiếu đất sản xuất;… Người dân sẽ trắng tay khi đến nơi ở mới trong khi Nhà nước chỉ hỗ trợ 12 tháng đầu.

 

Chưa yên tâm về nơi ở mới

 

Phần lớn những hộ dân nằm trong vùng tái định cư đều tỏ nỗi lo lắng về nơi ở mới: “Việc di dời để phục vụ cho lợi ích của công trình, chúng tôi rất sẵn sàng. Đến nơi ở mới chúng tôi chỉ mong bằng sáu phần mười nơi cũ, nhưng thực tế cho thấy tất cả các khu vực đã khảo sát thì chỉ toàn triền đồi, không có đất sản xuất”.

 

Giải thích về việc cản trở cán bộ huyện quay phim chụp ảnh, nhiều người cho biết: “Chúng tôi làm như thế không phải để dễ bề cơi nới, kiếm thêm tiền đền bù giải toả, mà quan trọng nhất là người dân chưa được thông về tư tưởng và khu tái định cư vẫn chưa có lời giải. Chúng tôi băn khoăn là sau khi quay phim, ghi hình rồi thì bao lâu sau sẽ di dời? Di dời đến đâu? Chưa có bất cứ một hạn định hay kế hoạch gì nhất định mà đã “niêm phong” nhà cửa lại, chúng tôi thấy không yên tâm”.

 

Ông Lê Mạnh Hà, một thành viên trong hội đồng đền bù và giải phóng mặt bằng lòng hồ, cho rằng: “Việc tuyên truyền từ huyện-xã-xóm-người dân chưa thống nhất khiến việc nói cho dân nghe càng trở nên khó khăn”. Một lãnh đạo huyện Vũ Quang cũng khẳng định: “Phải tiếp tục gặp dân, họp dân, giải thích cho dân và không nên vì việc này mà để dân quên sản xuất”.

 

Trong khi chờ đợi một giải pháp dứt điểm, lác đác một số hộ ở Hương Điền vẫn tiếp tục xây dựng công trình dân sinh với lời lý giải: “Chưa biết đi, ở thế nào cả mà đời sống sinh hoạt như chuồng trại. Buộc lòng phải xây dựng”.

 

Minh San