1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Thành lập Hội nón lá và Hội áo dài Huế

(Dân trí) - Sự ra đời của Hội Áo dài Huế nhằm mục đích giữ gìn, phát huy và tôn vinh vẻ đẹp của tà áo dài Việt Nam như giá trị văn hóa tiêu biểu, qua đó góp phần quảng bá văn hóa Việt nói chung, đặc biệt là văn hóa Huế.

Ngày 9/6, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết vừa ban hành quyết định cho phép thành lập Hội Nón lá Huế và Hội Áo dài Huế. Hội Áo dài, Hội Nón lá Huế có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng; được tổ chức và hoạt động theo Điều lệ Hội được Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh phê duyệt.

Sự ra đời của Hội Áo dài Huế nhằm mục đích giữ gìn, phát huy và tôn vinh vẻ đẹp của tà áo dài Việt Nam như là giá trị văn hóa tiêu biểu, qua đó góp phần quảng bá văn hóa Việt nói chung, đặc biệt là văn hóa Huế.
Thành lập Hội nón lá và Hội áo dài Huế - 1

Nón lá và áo dài VN là một nét văn hóa đặc trưng được du khách quốc tế đặc biệt quan tâm

Áo dài xuất hiện vào đầu thế kỷ XVII, Trong sách "Relation de la Nouvelle Mission des Péres de la Compagnie de Jesus au Royaume de la Cochinchine", xuất bản tại Lille năm 1631, giáo sĩ Borri đã tả rõ về cách ăn mặc của người Việt ở đầu thế kỷ 17: "Người ta mặc năm sáu cái áo dài, áo nọ phủ lên áo kia, mỗi cái một màu... Phần dưới thắt lưng của mấy lớp áo ngoài được cắt thành những dải dài. Khi đi lại, các dải này quyện vào nhau trông đẹp mắt... Đàn ông cũng mặc năm, sáu lớp áo dài lụa... để tóc dài và vấn khăn như đàn bà".

Đến sau này, qua nhiều thay đổi, áo dài Việt Nam đã trở thành một trang phục truyền thống thể hiện vẻ đẹp, sự kín đáo của người phụ nữ. Áo dài trở thành thứ trang phục không thể thiếu trong bất kỳ tủ đựng quần áo nào của người phụ nữ Việt Nam.

Nghề làm nón đã xuất hiện hằng trăm năm nay ở Huế, thu hút hàng trăm lao động và làm đẹp cho rất nhiều phụ nữ. Chiếc nón đã che nắng che mưa cho hàng thế hệ và nay trở thành sản phẩm lưu niệm cho du khách gần xa.
 
Hoàng Thùy